Doanh nghiệp Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) tìm cơ hội mở rộng hợp tác, giao thương

Hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có mặt tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức tại Hà Nội.

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị là một trong những hoạt động nhằm triển khai các nội dung tại Bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai Bên nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2022, qua đó thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam với Trung Quốc nói chung và với tỉnh Vân Nam nói riêng.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội kết nối các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) theo nhận thức chung đạt được tại Bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Cục Xúc tiến thương mại với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được ký kết ngày 13/7/2018.

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và Vân Nam có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022 và đón đầu tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 08/1/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) tích cực trao đổi, kết nối bên lề Hội nghị để mở rộng cơ hội hợp tác
Các doanh nghiệp Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc) tích cực trao đổi, kết nối bên lề Hội nghị để mở rộng cơ hội hợp tác

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho hay, năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động với giá hàng hóa tăng cao, áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn giữa vững vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02%, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Bên cạnh đó hoạt động xuất nhập nhẩu hàng hóa và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần mức xuất siêu của năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

“Những kết quả nêu trên đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại với quỹ đạo tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới”, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận định.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Mặt khác, dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn tăng trưởng ổn định. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong đó, tỉnh Vân Nam có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới với 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với vị trí thuận lợi nêu trên, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc, và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng.

Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)
Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Ông Lý Thần Dương - Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam và Vân Nam đã triển khai hợp tác hiệu quả và thiết thực trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển của thương mại và đầu tư song phương. Thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam đã tăng từ 17,74 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,58 tỷ USD) vào năm 2016 lên 35,21 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,12 tỷ USD) vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,7%.

Kể từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thương mại song phương có xu hướng đi xuống: năm 2021 giảm 4% so với năm 2020; 10 tháng đầu năm 2022 đạt 18,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,66 tỷ USD), giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 10/2022, Vân Nam (Trung Quốc) đã thành lập tổng cộng 50 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phi tài chính tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư theo thỏa thuận là 358 triệu USD và đầu tư thực tế là 218 triệu USD.

Ông Lý Thần Dương - Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Ông Lý Thần Dương - Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, dù có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với dân số 47 triệu người, nhưng hợp tác tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Vân Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên, kim ngạch thương mại chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Vì vậy, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam còn rất lớn.

Để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại đề xuất 3 nhóm giải pháp cụ thể:

Một là, hai Bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực chất và hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam thông qua việc xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hai là, hai Bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi Bên như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VietNam Expo), Triển lãm Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế Việt Nam (VietNam Foodexpo) được tổ chức tại Việt Nam và Triển lãm sản phẩm Trung Quốc - Đông Nam Á, Nam Á cùng các Hội chợ, triển lãm khác được tổ chức tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối giao thương.

Ba là, đề nghị phía Vân Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc vừa chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong năm 2022.

Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam và các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam (Trung Quốc) sang nước thứ 3 qua các cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh.

Một số hình ảnh giao thương của các doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị:

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)

Thy Thảo