Dự đoán thiên tài của Bác Hồ và sự chuyển hướng kinh tế miền Bắc

Cùng với dự đoán thiên tài của Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 11 (đặc biệt) về tình hình và nhiệm vụ cấp bách đã quyết định chuyển hướng kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến.
Bác Hồ
Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà tại Hà Nội, tháng 6/1966 (Ảnh: Trần Nguyên Hợi)

Theo sách  “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964) Mỹ chính thức gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, kéo dài từ ngày 07/02/1965 đến ngày 01/01/1968.

Tiếp đến, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai từ ngày 06/4/1972 đến ngày 30/12/1972 sau chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bị bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, đúng như dự đoán thiên tài của Bác Hồ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”.

Trong hai lần đánh phá miền Bắc, không quân và hải quân Mỹ đã ném bom, bắn phá liên tục với cường độ ngày càng tăng. Mục tiêu của các chiến dịch phá hoại đường không nhằm phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Để phù hợp với tình hình mới, tháng 01/1965, Hội đồng Quốc phòng đã họp, đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác phòng thủ, trị an, sẵn sàng chiến đấu. Từ ngày 25 đến ngày 27/3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 11 (đặc biệt) về tình hình và nhiệm vụ cấp bách; quyết định chuyển hướng kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến.

Tinh thần và nội dung của sự chuyển hướng này không chỉ để phù hợp với tình hình thời chiến, mà còn nhằm “phù hợp với phương hướng lâu dài của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và chú ý đúng mức các yêu cầu về đời sống của nhân dân”. Những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 11 chuyển hướng phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới là:

Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế miền Bắc vững mạnh, trở thành hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Thứ hai, di chuyển nhanh chóng các cơ sở sản xuất và kho tàng về nơi sơ tán, bảo vệ an toàn xí nghiệp, duy trì sản xuất trong mọi tình huống, cải tiến công tác tổ chức sản xuất công nghiệp phù hợp với tình hình có chiến tranh, kết hợp sản xuất và chiến đấu, đảm bảo cung cấp các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và duy trì đời sống nhân dân không bị đảo lộn trong chiến tranh.

Thứ ba, khẩn trương xây dựng và phát triển mạng lưới công nghiệp địa phương về các vùng hậu phương trung du và miền núi, phân bố lại sản xuất công nghiệp để gắn với nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, gắn công nghiệp với nông nghiệp và với các ngành kinh tế quốc dân khác, gắn kinh tế với quốc phòng. Mỗi vùng, miền, mỗi tỉnh có khả năng tự giải quyết phần lớn những nhu cầu ăn, mặc, ở, học, bảo vệ sức khỏe, hàng phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đây cũng là động lực cho việc sáp nhập một số tỉnh, nhằm bảo đảm mỗi tỉnh có đủ cơ cấu kinh tế, điều kiện tự nhiên giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, bảo vệ sản xuất của mình trong điều kiện chống chiến tranh phá hoại. Nghị quyết số 111-NQ/TW, 112-NQ/TW, 113-NQ/TW trong cùng ngày 08/4/1965 đã sáp nhập 2 tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái; Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây; Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà.

Thứ tư, tạm dừng kiến thiết những công trình công nghiệp lớn, xây dựng những xí nghiệp cỡ vừa và cỡ nhỏ, đáp ứng yêu cầu an ninh quốc phòng và phục vụ đời sống nhân dân.

Đào Mạnh Đức