Cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong năm 2023
Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 ước đạt 13,7%, cao hơn đáng kể so với mức 9,2% trong 11 tháng đầu năm 2023. Như vậy, chỉ riêng tháng 12/2023, quy mô tín dụng tăng cao kỷ lục, ước tính khoảng 475.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tín dụng/GDP tại thời điểm cuối năm 2023 ước đạt 132%, cao hơn mức 125% tại thời điểm cuối năm 2022.
Tính đến cuối năm 2023, theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản ước khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,4% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản năm 2023 là 6,75%, trong đó, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng trên 22%, lĩnh vực tiêu dùng bất động sản lại giảm nhẹ 0,7%.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy tốc độ tăng trưởng đối với kinh doanh bất động sản tăng mạnh hơn, tính đến 30/11/2023, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản ước đạt 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 28,8% so với cuối năm 2022.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng có sự phân hoá, tín dụng cho dự án phát triển nhà ở và khác tăng xấp xỉ 58%, nhóm này chiếm gần 61% tổng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản. Tín dụng cho xây dựng khu công nghiệp và khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng lần lượt 68,3% và 38,3% so với cuối năm 2022.
Trái lại, tín dụng cho mục đích xây và sửa chữa nhà ở, mua quyền sử dụng đất và phát triển văn phòng cho thuê giảm lần lượt 19,4%, 14,6% và 6,5% so với cuối năm 2022.
Đối với cho vay dự án nhà ở xã hội, các ngân hàng thương mại đã cam kết giải ngân cho 12 dự án, với tổng quy mô vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô giải ngân cho vay tính đến cuối tháng 11/2023 đối với dự án nhà ở xã hội chỉ khoảng 428 tỷ đồng.
Dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2024
Bước sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Đặc biệt, khác với cách điều hành của các năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với mục đích thúc đẩy tín dụng và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong điều hành hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, theo khảo sát về xu hướng tín dụng của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), các ngân hàng thương mại nhận định tín dụng dự kiến vẫn tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm. Động lực tăng trưởng tín dụng được đánh giá đến từ các nhóm ngành hàng bán buôn, bán lẻ; xuất nhập khẩu; và sản xuất thực phẩm.
“Các tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro tín dụng tiếp tục tăng trong năm 2024 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2023, đáng chú ý, lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán tiếp tục là hai lĩnh vực có rủi ro tín dụng cao nhất”, VDSC cho biết.
Trong năm nay, các tổ chức tín dụng dự kiến các điều kiện cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ ổn định, trong khi đó, điều kiện cho vay sẽ nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân (tín dụng cho vay tiêu dùng hay mua nhà ở).
Kết quả khảo sát nhìn chung cho thấy triển vọng cải thiện trong hoạt động cho vay trong năm 2024. Khảo sát của VDSC cũng cho thấy dự báo về tăng trưởng huy động vốn và tín dụng năm 2024 lần lượt là 12,1% và 14,2%, tăng nhẹ so với kết quả năm 2023.