Tiền gửi tiết kiệm của khối dân cư lên mức cao kỷ lục mới
Dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (SBV) cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi tiết kiệm của khối dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng - mức cao kỷ lục mới, tăng thêm hơn 6.700 tỷ đồng so với thời điểm tháng 6/2023 và tăng 8,93% so với hồi cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng thêm này cũng là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay.
So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của khối dân cư gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 750.000 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt 1 năm trở lại đây, lượng tiền gửi của người dân tại các ngân hàng liên tục tăng qua các tháng, bất chấp mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Tính từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, khiến lãi suất tiết kiệm và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng Đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại hiện đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Đặc biệt, về lãi suất tiết kiệm, mức lãi suất huy động tại nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện đã về dưới 5,5%/năm, thấp hơn giai đoạn Covid-19.
Mức lãi suất tiết kiệm phổ biến nhất hiện nay là trong khoảng 5,5 - 5,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện không còn ngân hàng nào duy trì lãi suất huy động ở mức 7%/năm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, ngoài một bộ phận nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi và chủ động lựa chọn gửi tiết kiệm, thì việc lượng tiền gửi của khối dân cư tại các ngân hàng ở mức cao kỷ lục cho thấy các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không có sức hấp dẫn quá lớn đối với các nhà đầu tư.
Tăng khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế
Trái ngược với khu vực dân cư, khối tổ chức lại rút ròng khoảng 74.200 tỷ đồng ra khỏi hệ thống khiến lượng tiền gửi của nhóm này tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 7/2023 đã xuống thấp hơn cả thời điểm đầu năm nay. Cụ thể, khối doanh nghiệp, đoàn thể... gửi 5,91 triệu tỷ đồng tại ngân hàng vào cuối tháng 7/2023, thấp hơn 0,74% so với thời điểm đầu năm 2023.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, về cho vay, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng, ước tăng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.
Mức chênh lệch giữa huy động với tín dụng trở nên cách biệt rõ rệt hơn chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp, gây ra “bệnh thừa tiền” tại nhiều ngân hàng. Nếu so với các năm trước thì tốc độ tăng trưởng của huy động vốn trong 9 tháng đầu năm nay vẫn ở mức bình thường.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ở mức yếu hơn thông thường do nhu cầu trong nước yếu, khả năng hấp thụ vốn chưa có sự phục hồi… Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 14% của năm nay. Dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng tín dụng, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới…