Lãnh đạo 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) vừa qua đã đạt được sự đồng thuận trong việc cùng xây dựng một quỹ tài chính chung có trị giá ít nhất 1.000 tỷ EUR (1.100 tỷ USD) để tái thiết nền kinh tế EU trước các thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Dự kiến quỹ này sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực và các khu vực của Châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cơn đại dịch lần này.
Lãnh đạo các nước thành viên EU đã yêu cầu các quan chức thuộc Uỷ ban Châu Âu (EC) nhanh chóng đưa các đề xuất chi tiết liên quan đến quỹ tái thiết kinh tế nói trên và mối liên hệ giữa quỹ này với ngân sách của EU trong giai đoạn 2021 – 2027.
EU hiện đang lên kế hoạch nới ngân sách của khối từ mức 1,2% tổng GDP của khối như hiện nay lên mức 2% tổng GDP và sử dụng phần tài chính tăng thêm như các khoản đảm bảo vay nợ nhằm hưởng mức vay với lãi suất thấp trên thị trường vốn quốc tế.
Lãnh đạo các quốc gia khối EU cũng đã ký kết một gói cứu trợ tức thời có trị giá ít nhất 500 tỷ EUR (538 tỷ USD); gói cứu trợ này đã được các Bộ trưởng Tài chính khối EU đề xuất hồi đầu tháng này. Gói cứu trợ này sẽ bao gồm các khoản trợ cấp lương lên tới 100 tỷ EUR (110 tỷ USD) nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động thuộc khối EU, tránh tình trạng sa thải hàng loạt xảy ra; số còn lại sẽ được cho các doanh nghiệp và các quốc gia khối EU vay để chống đỡ các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đây là những nỗ lực mới nhất của các quốc gia thành viên khối EU trong việc ngăn chặn nền kinh tế Châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của EU sẽ giảm 7% trong năm nay; các số liệu gần đây cho thấy các hoạt động kinh tế của khối EU trong tháng 3 và tháng 4/2020 có thể đã giảm khoảng 20% - 30%.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết có sự đồng thuận giữa các quốc gia trong khối EU về việc cần có “một phản ứng mạnh mẽ, phối hợp (giữa các quốc gia) và trị giá khoảng 5 – 10% GDP”.
Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa đạt được thống nhất về cách thức quỹ tái thiết hoạt động, đặc biệt là trong việc cung cấp có cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho các quốc gia chịu tác động nặng của đại dịch Covid-19 như Italy và Tây Ban Nha. Các khoản tài trợ hoặc các khoản tài chính tiền mặt cho các quốc gia này sẽ đồng nghĩa với việc các quốc gia khác trong cùng liên minh EU sẽ phải chia sẻ gánh nặng nợ, điều mà các quốc gia như Hà Lan, Áo và Đức liên tục phản đối từ trước đến nay. Các lãnh đạo EU đang cố gắng thể hiện sự đoàn kết trong việc đối phó với các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra tại Châu Âu.
"Thị trường chung ngày nay mang lại lợi ích cho một số quốc gia hoặc khu vực có năng suất cao nhất ở Châu Âu khi họ có thể sản xuất hàng hoá rồi bán chúng ở các khu vực khác trong cùng thị trường chung. Nếu chúng ta từ bỏ các khu vực khác trong cùng thị trường, nếu chúng ta từ bỏ một phần của Châu Âu, tất cả Châu Âu sẽ cùng thiệt hại”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định.