Thông tin từ các thương vụ Việt Nam tại khu vực Châu Âu cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) đang ban hành và thực hiện nhiều quy định, biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nói chung và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại thị trường này.
Ảnh hưởng tới nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, năm 2023 EU sẽ tập trung sửa đổi nhiều quy định liên quan đến dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, mới đây nhất là hai quy định ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, Quy định số (EU) 2023/465 sửa đổi Quy định (EC) số 1881/2006 quy định mức dư lượng tối đa (MRL) Ascen trong một số loại thực phẩm như gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối. Ngưỡng MRL Ascen dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.
Quy định số (EU) 2023/466 sửa đổi Phụ lục II, III và V của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu liên quan đến mức MRL đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn thịt các loại, trứng sữa, mật ong… Mức MRL các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg. Tuy nhiên, EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng MRL của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường Hà Lan và EU cần thường xuyên theo dõi những quy định mới của EU về MRL, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu phù hợp quy định”, bà Diệp khuyến nghị.
Bún, phở, bánh đa… vào hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất bún, phở, bánh đa… từ gạo cần nâng cao kiểm soát chất lượng. Ủy ban Châu Âu (EC) đang lập hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol có trong sản phẩm từ Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng thuốc trừ sâu thì không loại trừ EC sẽ đưa vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền. Điều này sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam như: bún, phở, mì chũ… bởi EU là thị trường lớn với nhóm sản phẩm này.
Bên cạnh đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền cần tăng cường việc quản lý chất lượng để Việt Nam có cơ sở trao đổi với EC về việc bỏ chứng thư kiểm soát chất lượng.
Cũng chia sẻ về vấn đề yêu cầu đối với sản phẩm, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, các quy định, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định khác liên quan đến môi trường, con người… của Đức rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc.
Do đó, bên cạnh các hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng giá trị sản phẩm… Đồng thời cần thường xuyên cập nhật các quy định xuất nhập khẩu, chính sách ngoại thương... của các nước EU.