Ngày 13/9, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về giải quyết vướng mắc đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp.
Theo đó, hình thức tổ chức Quỹ phát triển KH&CN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị là không thành lập tổ chức quỹ. Cán bộ của EVN, đơn vị kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động theo quy định. Về quản lý, sử dụng quỹ, EVN đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động KH&CN trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (lần đầu năm 2017, lần 2 vào năm 2021).
Các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng trực tiếp quy chế này. Một số tổng công ty có ban hành hướng dẫn áp dụng. Các nội dung chi và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN trong EVN được nêu trong quy chế này, cũng như thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã trích lập Quỹ phát triển KH&CN với tổng giá trị là 542 tỷ đồng và đã thực hiện chi trả 212 tỷ đồng cho các hoạt động KHCN. Phần lớn Quỹ phát triển KH&CN của EVN được dùng để chi trả kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và thù lao tác giả sáng kiến các cấp. Các hoạt động này có xu hướng tăng dần từ năm 2017 đến nay.
Theo đánh giá chung, Quỹ phát triển KH&CN đã góp phần thúc đẩy công tác khoa học công nghệ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.
Một số khó khăn, bất cập trong việc sử dụng quỹ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu tại buổi làm việc như: EVN chưa có đơn vị chuyên nghiệp thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm nên số lượng đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa khai thác hết nguồn quỹ. Việc sử dụng quỹ theo Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC còn gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu phải thực hiện dưới dạng các nhiệm vụ KHCN, chưa sử dụng cho các dự án đầu tư sử dụng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-KHCN, đơn giá được tính theo ngày công với định mức chưa cao và còn vướng mắc về cách tính ngày công ngoài giờ (do cán bộ thực hiện nghiên cứu theo hình thức kiêm nhiệm nên số ngày công cho nghiên cứu khoa học bị giới hạn), dẫn tới chưa thực sự khuyến khích được cán bộ công nhân viên tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học.
Qua đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét, có ý kiến điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp quy trong lĩnh vực đầu tư cho KHCN. Trong đó, cần xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BKHCN-BTC theo hướng nâng cao định mức công lao động cho cán bộ nghiên cứu khoa học, cũng như giảm bớt các thủ tục thanh quyết toán đối với chủ nhiệm đề tài.
Đối với các nhiệm vụ KHCN không thành công do những yếu tố khách quan và chủ quan, cần có hướng dẫn xử lý. Trong đó, cho phép một tỷ lệ nhất định các nhiệm vụ KHCN không thành công, để tạo sự yên tâm cho cán bộ tham gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị ban hành cơ chế chính sách cho phép các doanh nghiệp nhà nước thí điểm thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo, trong đó quy định những cơ chế phù hợp, đặc thù, chấp nhận hỗ trợ cho các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác, phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của EVN trong các thành tựu khoa học công nghệ của đất nước thời gian qua. Đoàn công tác cũng đánh giá EVN đã chuẩn bị tài liệu, báo cáo kỹ lưỡng, cung cấp thông tin cụ thể, chất lượng.
Lãnh đạo và các cán bộ quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm chắc quy định của pháp luật, có những kiến nghị sát với thực tế, qua đó giúp cho đoàn công tác có thêm nhiều thông tin về thực trạng trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp.
Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của EVN và các đại biểu tham dự cuộc họp, đồng thời đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục bổ sung thông tin và hoàn thiện báo cáo gửi đoàn công tác, làm cơ sở để đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
[Quảng cáo]