Ngăn chặn nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện
Ông Nguyễn Bình Trung - Phó Trưởng Ban An toàn của EVNSPC cho biết, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 tại 21 tỉnh thành miền Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau), đã xảy ra 53 vụ tai nạn về điện, trong đó 40 vụ xảy ra năm 2019 và 13 vụ trong 6 tháng đầu năm 2020. Các vụ tai nạn đã trực tiếp gây hại đến 68 người (2019: 53 người; 2020: 15 người), trong đó có 14 người chết (2019: 10 người; 2020: 4 người); 54 người bị thương (2019: 43 người; 2020: 11 người).
Tai nạn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương với 11 vụ, An Giang (8 vụ), Cà Mau (7 vụ), Bạc Liêu (5 vụ), Kiên Giang, Vĩnh Long (3 vụ), Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre (mỗi địa phương xẩy ra 2 vụ). Nguyên nhân xảy ra tai nạn về điện trong năm 2019 và từ đầu năm đến nay chủ yếu do xây dựng nhà, công trình (31 vụ); lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo (8 vụ); xe cơ giới, xe cẩu, xe cuốc (6 vụ) và 2 vụ do bất cẩn trong khi trồng cây xanh.
Theo ông Trung, trong thời gian qua EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị điện lực thành viên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến với từng khách hàng, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, họp hàng tháng, quý về công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cáo áp và ý thức sử dụng điện. Tuy nhiên tình hình sử dụng điện mất an toàn vẫn xảy ra.
Ngoài ra, ngành điện các tỉnh phía Nam còn phối hợp địa phương xử lý, ngăn chặn được nhiều trường hợp có nguy cơ vi phạm sử dụng điện gây ra sự cố lưới điện và tai nạn điện. Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2019, các công ty điện lực đã phối hợp địa phương xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đã phát hiện 886 trường hợp vi phạm; vận động, cảnh báo ngăn chặn được 545 trường hợp; lập biên bản vi phạm, phối hợp xử lý tại chỗ 211 trường hợp; chuyển cơ quan địa phương xử lý 143 trường hợp; số vụ đang tiếp tục xử lý 28 trường hợp; tổng số tiền phạt vi phạm 301 triệu đồng.
Ông Thiều Văn Minh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau (PC Cà Mau) cho biết, trong năm 2019 tai nạn điện xảy ra trên địa bàn tỉnh là 24 trường hợp, làm chết 22 người và bị thương 5 người. So với năm 2018 giảm 13 vụ, giảm 8 người chết, giảm 4 người bị thương. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 6 vụ tai nạn về điện xẩy ra, làm 7 người chết và 1 người bị thương. So sánh với cùng kỳ năm 2019, tai nạn về điện giảm 4 vụ, giảm 2 người chết, giảm 2 người bị thương.
Tai nạn về điện trên địa bàn Cà Mau chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn, nhất là những trường hợp hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng điện chia hơi, câu phụ để dùng vào các mục đích khác nhau. Để khắc phục trường hợp này, theo ông Minh, trong năm 2019, PC Cà Mau đã đầu tư số tiền 12,2 tỷ đồng để kéo 6,38km đường dây trung thế, 17,43km đường dây hạ thế, lắp mới 17 trạm biến áp công suất 985 KVA, xoá 2.423 hộ câu đuôi. Trong năm 2020, PC Cà Mau sẽ thực hiện đầu tư thêm 12 tỷ đồng để xóa 3.728 hộ câu phụ.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 5 vụ tai nạn điện làm chết 4 người, 1 người bị thương nặng trong 6 tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng điện không an toàn như sửa chữa điện, di dời thiết bị điện trong nhà mà không cắt điện; sử dụng mô-tơ điện không được nối đất an toàn; dùng điện để bẫy chuột bảo vệ hoa màu…
Tuy số vụ tại nạn có giảm nhiều hơn các năm qua nhưng ông Đỗ Anh Duy - Phó trưởng phòng An toàn PC Sóc Trăng cho hay, nguy cơ sử dụng điện không an toàn vẫn còn rất cao, mặc dù hàng năm kinh phí dành cho công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức từ 300 đến 700 triệu đồng.
Ngày 7/6, nạn nhân Huỳnh Nhật D, Ngân hàng Hợp tác Xã Việt Nam - Chi nhánh Sóc Trăng, ở phường 2, TP. Sóc Trăng, thuê Công ty TNHH M&E GMG lắp camera an ninh trong ngân hàng. Do nạn nhân trong quá trình đấu nối nguồn điện để cấp nguồn cho camera đã không ngắt nguồn điện và lúc bóc lớp vỏ cách điện của dây dẫn để thực hiện đấu nối nguồn điện nóng đã bị điện giật.
Trước đó, ngày 08/4, nạn nhân Thạch Thị T, ngụ tại ấp Tà Điếp C1, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng tử vong do bất cẩn chạm tay vào dây kẽm đang mang điện để bẫy chuột.
Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn điện
Để bảo toàn hệ thống lưới điện và tránh tai nạn về điện, từ đầu năm đến nay, PC Sóc Trăng đã tổ chức phát 78.000 tờ rơi tuyên truyền cho người dân sống gần hành lang an toàn lưới điện cao áp để tuyên truyền về sử dụng điện an toàn và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; 20.000 tờ rơi tiếng Việt và tiếng Khmer và hơn 10.000 quyển cẩm nang sử dụng điện an toàn đến các hộ dân. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho học sinh tại các trường học; hướng dẫn trực tiếp tại các cụm dân cư ở các địa phương về cách sửu dụng an toàn, nhất là ở các khu vực tập trung nuôi tôm; xây dựng video clip hướng dẫn sử dụng điện an toàn, cấp cứu người bị điện giật gửi đến các sở ngành ngành, trường họ, bệnh viện về sử dụng điện an toàn.
Ông Hồ Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho hay, trên địa bàn tỉnh, tình hình tai nạn điện trong dân có giảm so với năm 2019, nhưng số vụ tai nạn nguy hiểm tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 trường hợp tai nạn điện trong dân (giảm 1 vụ), làm 6 người chết (tăng 4 người chết) và 4 người bị thương, giảm 6 người bị thương so với cùng kỳ.
Nguyên nhân do người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của tai nạn điện, có một số trường hợp cố tình vi phạm, xây dựng nhà ở, thi công công trình, trồng cây trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, một số trường hợp nhà ở, công trình nằm trong hành lang đường dây dẫn điện không đảm bảo độ cao theo quy định.
Để giảm số vụ thiệt hại do điện gây ra, Sở Công Thương - Thường trực Ban Chỉ đạo Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và thực hiện tiết kiệm điện tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cần phối hợp thực hiện tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về an toàn điện; thường xuyên kiểm tra lưới điện, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.
Ông Lâm Xuân Tuấn - Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, cung cấp điện ổn định và an toàn cho khách hàng sử dụng điện là mục tiêu hàng đầu của EVNSPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng năm công tác duy tu, bảo dưỡng, kiểm soát trên toàn hệ thống để bảo đảm vận hành an toàn lưới điện và khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đã được lãnh đạo Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị điện lực thành viên tại 21 tỉnh thành miền Nam thực thi nghiêm túc và quán triệt đến từng cán bộ công nhân viên.
Mặt khác, ngành điện miền Nam cũng đã thường xuyên đã phối hợp với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp, người dân tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả nhưng đáng tiếc những vụ tai nạn về điện gây thiệt hại về người và của do bất cẩn hoặc sử dụng điện sai cách vẫn xảy ra.
“Trong mùa mưa bão đang đến, EVNSPC chỉ đạo quyết liệt các đơn vị điện lực thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống điện và giám sát tình hình sử dụng điện của khách hàng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ và tiếp tục khuyến cáo đến khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam khi gặp bất cứ sự cố điện hoặc nguy cơ có thể gây tai nạn điện nên gọi ngay Tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006-19009000 để kịp thời giải quyết nhanh nhằm hạn chế mức thấp nhất đối với các thiệt hại về người và tài sản”, ông Tuấn chỉ đạo.