Garmex Sài Gòn (GMC): Trả cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 30%

Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 30% vào ngày 15/9 tới đây. Công ty cho biết hiện đã có đơn hàng gia công đến tận tháng 6/2023.

Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC - sàn HoSE) vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 30% vào ngày 15/9 tới đây. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu GMC sẽ được nhận 3.000 đồng, ngày thanh toán dự kiến là 29/9. Với số cổ phiếu hiện lưu hành là 32,5 triệu cổ phiếu, GMC dự kiến sẽ chi 97,5 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này.

Trước đó, GMC đã chi trả cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Với đợt thanh toán lần 2 tới đây, GMC sẽ hoàn thành việc chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2021 với tổng tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Đây là mức cổ tức cao nhất được GMC chi trả từ trước đến nay.

GMC tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp May TP.Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1976 và chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2004. Công ty chủ yếu sản xuất và xuất khẩu quần áo theo đơn có sẵn. Các khách hàng lớn của GMC gồm Decathlon (Pháp), Columbia (Hoa Kỳ), Cutter & Buck (Hoa Kỳ), Teịjin Frontier (Nhật Bản), Nits (Nhật Bản)… Bên cạnh đó, GMC còn sản xuất tủ bằng vải cho Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) (mã chứng khoán: GIL - sàn HoSE).

Trong năm 2022, GMC đề ra kế hoạch doanh thu 620 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện trong năm 2021, mục tiêu doanh thu này giảm 42% nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 9%. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, GMC dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ từ 10-20%.

Cổ phiếu Garmex Sài Gòn
 Diễn biến giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) từ đầu năm đến nay (Nguồn: FireAnt)

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2022 của GMC vào ngày 18/6 vừa qua, ông Nguyễn Việt Cường - Thành viên Hội đồng Quản trị GMC cho biết xu hướng tiêu dùng tại các nước phương Tây sẽ giảm mạnh khi lạm phát tăng mạnh, khiến tồn kho sản phẩm tăng lên, kéo theo giảm giá đơn hàng cũng như tỷ suất lợi nhuận giảm xuống.

Lý giải việc đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 giảm mạnh so với nền thấp của năm 2021, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Tổng Giám đốc GMC cho biết, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trong năm 2020, GMC bị thiếu đơn hàng nên đã chuyển hai nhà máy Quảng Nam và Tân Mỹ sang gia công hàng trong nước và hai nhà máy này đã có hiệu quả, đóng góp vào kết quả kinh doanh năm 2021.

Khi xây dựng kế hoạch năm 2021, công ty gặp áp lực giảm giá từ đơn hàng may mặc, nếu tiếp tục sản xuất sẽ lỗ, GMC đã đàm phán nhưng không được sự chấp thuận từ khách hàng. Do đó, một số đơn hàng đã bị khách hàng chuyển đi, nên khi xây dựng kế hoạch năm 2022, công ty đang chưa có đơn hàng may mặc, các nhà máy phải sản xuất đơn hàng gia công, không có giá trị nguyên phụ liệu, dẫn đến doanh thu thấp hơn so với đơn hàng FOB. Bà Nguyễn Minh Hằng cho biết GMC hiện có đơn hàng gia công đến tháng 6/2023.

Về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ông Nguyễn Việt Cường cho biết GMC vẫn duy trì ngành may mặc, xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm để sử dụng mặt bằng hiện có tại số 213 Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh) với chức năng phát triển sản phẩm mới, đầu tư cho việc tinh gọn và tự động hoá sản xuất, tối ưu hoá các hoạt động kinh doanh do nếu gia công thì lợi nhuận chỉ ở mức từ 5 - 8%/doanh thu.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu GMC tăng mạnh 6,88% lên 23.300 đồng/cổ phiếu.

Quỳnh Trang