Giá dầu thô 20/8: Lo ngại suy thoái kinh tế, đồng USD tăng mạnh khiến giá dầu dần mất động lực tăng giá

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã giảm khoảng 1,5% trước các lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra thời gian tới.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 19/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng nhẹ thêm 13 cents lên 96,72 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 27 cents lên 90,77 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 1,5%.

Trong phiên giao dịch, giá dầu thô đã có lúc bật tăng mạnh sau khi ông Thomas Barkin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) chi nhánh Richmond cho biết việc tăng lãi suất của FED cần được cân bằng với các tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Đồng thời, ông Thomas Barkin cũng cho biết FED hiện “còn rất nhiều thời gian” trước khi quyết định mức tăng lãi suất tiếp theo trong phiên họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 20 – 21/9 tới đây. FED đang thực hiện các biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ khi tăng mạnh lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại 2 cuộc họp chính sách liên tiếp gần đây. 

Tuy nhiên đà tăng của giá dầu thô đã sụt giảm sau đó khi tâm lý thị trường lại bị đè nặng bởi lo ngại FED vẫn có thể tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới. FED vừa công bố biên bản phiên họp chính sách hôm 17/8 và nội dung biên bản cho thấy FED có thể sẽ không xem xét đến việc hạ lãi suất cho đến khi lạm phát tại Hoa Kỳ giảm đáng kể.

Chủ tịch FED Jerome Powell cũng từng cho biết FED "cam kết mạnh mẽ" với việc giảm lạm phát và điều này có thể dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế nói chung, đặc biệt là thị trường lao động.

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn bị kìm hãm bởi việc đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này khiến dầu thô vốn được định giá bằng đồng USD trở nên “đắt đỏ” hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.

Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch & Associates LLC (Hoa Kỳ), cho biết xu hướng đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác đang là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến việc giá dầu thô tăng lên.

Dữ liệu trên thị trường cũng đang cho thấy tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô có thể đã giảm xuống. Cụ thể, chênh lệch giá giữa hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 9 và hợp đồng giao tháng 10 đã giảm từ mức 5 USD/thùng hồi cuối tháng 7 xuống dưới 1 USD/thùng vào cuối tuần này. Tương tự, chênh lệch giá giữa hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 9 và hợp đồng giao tháng 10 cũng giảm từ mức gần 2 USD/thùng xuống còn 39 cents/thùng.

Hiện thị trường đang quan sát các động thái điều chỉnh sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sau khi Tân Tổng thư ký OPEC ông Haitham Al Ghais cho biết, trong phiên họp vào tháng 9 tới đây, liên minh OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng hoặc gia tăng thêm sản lượng khai thác “tuỳ vào tình hình thực tế”. Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tường Vy