Giá dầu thô 29/6: Tiếp tục tăng, thị trường lạc quan hơn khi Hoa Kỳ đạt thoả thuận sơ bộ về nâng trần nợ công

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 29/5, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh tâm lý thị trường lạc quan hơn khi Hoa Kỳ đạt thoả thuận sơ bộ về nâng trần nợ công.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 77,49 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 73,35 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng trong bối cảnh tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn sau khi bế tắc kéo dài về vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ được giải quyết, tạm thời loại bỏ nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào vỡ nợ.

Cụ thể, sáng ngày 28/5 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà cùng cho biết đã đạt được thoả thuận nâng trần nợ công sơ bộ và chi tiết của thoả thuận đang được hoàn thiện. Dự kiến Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu đối với thoả thuận nâng trần nợ công này vào ngày 31/5 tới đây (theo giờ địa phương).

Mặc dù chưa công bố chi tiết thoả thuận, thoả thuận này đang bị các thành viên theo đường lối cứng rắn thuộc đảng Cộng hoà cũng như các thành viên theo phong trào tiến bộ thuộc đảng Dân chủ chỉ trích, nhưng ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy tin rằng họ sẽ có đủ phiếu bầu từ những người ôn hòa ở cả hai đảng để thoả thuận được thông qua.  

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhấn mạnh sẽ “tranh luận dự luật này với bất kỳ ai”; trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho biết “Tôi tha thiết kêu gọi lưỡng viện nhanh chóng thông qua thoả thuận nâng trần nợ công này”.

Tình trạng bế tắc kéo dài trong đàm phán giữa hai đảng đã khiến thị trường tài chính Hoa Kỳ biến động trong thời gian gần đây, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Hoa Kỳ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 1,7% và giá dầu thô WTI tăng 1,6%, xác lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nhận định sự lạc quan của thị trường về vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ sẽ không kéo dài khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ có thể phát hành một đợt trái phiếu mới, khiến thanh khoản trên thị trường trở nên “cạn kiệt” hơn và đẩy chi phí sử dụng vốn của các doanh nghiệp tăng lên, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức cao.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang thận trọng phân tích những tín hiệu trái ngược nhau từ Nga và Saudi Arabia về chính sách khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong phiên họp ngày 4/6 tới đây. Saudi Arabia đã phát tín hiệu cho thấy cần cắt giảm thêm sản lượng khai thác để củng cố giá dầu thô.

Tuy nhiên, Nga cho rằng giá các mặt hàng năng lượng hiện nay đang tiệm cận mức “phù hợp về mặt kinh tế” và kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ không đưa ra chính sách khai thác mới. Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang quan sát chặt chẽ động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) về vấn đề lãi suất khi dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Hoa Kỳ chưa thực sự giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PEC) tháng 4/2023 của Hoa Kỳ đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,2% ghi nhận trong tháng 3/2023. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng lên kể từ đầu năm đến nay, đảo ngược đà giảm trong những tháng gần đây.

Thị trường bắt đầu lo ngại FED có thể tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 6 tới đây nhằm triệt để loại bỏ rủi ro lạm phát cho dù lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.

Tường Vy