Giá dầu thô khó giảm cho dù OPEC+ đồng ý tăng mạnh sản lượng

Dù đồng ý nâng mạnh sản lượng khai thác thêm trong thời gian tới, hầu hết các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đã hoạt động hết công suất và khó có thể gia tăng thêm nguồn cung dầu thô. Giá dầu thô cũng đang dần tiến trở lại mức 120 USD/thùng.

Sau nhiều tháng phớt lờ kêu gọi tăng cường sản xuất từ các quốc gia phương Tây, liên minh OPEC+ trong ngày 2/6 đã đồng ý tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn tới 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Giá dầu Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây (Oil Price)

Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong ngày 1/6, giá dầu thô Brent đã có lúc rơi xuống chỉ còn 113 USD/thùng vì tin đồn liên minh OPEC+ tăng sản lượng khai thác và có thể loại Nga ra khỏi thoả thuận khai thác sản lượng mới nhằm mở đường cho các quốc gia khối OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), tăng mạnh sản lượng khai thác. Nhưng sau ngày 2/6, sau khi tin nâng sản lượng được chính thức công bố, giá dầu thô Brent đã phục hồi về tiệm cận mức 120 USD/thùng - mức cao nhất kể từ hồi tháng 3 trở lại đây.

Các chuyên gia phân tích nhận định động thái tăng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ gần như không có tác động đáng kể trong việc cải thiện nguồn cung cũng như kiềm chế đà tăng của giá dầu thô. Và bên hưởng lợi chính trong quyết định này dường như chính là Saudi Arabia.

Nguyên nhân chính là liên minh OPEC+ gần như chắc chắn không đạt được mục tiêu sản lượng khai thác của chính họ đề ra trong những tháng tới đây. Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy trong tháng 4 vừa qua, nếu không tính phần mục tiêu sản lượng được phân bổ cho Nga, thì tổng sản lượng khai thác của các quốc gia còn lại trong liên minh OPEC+ thấp hơn tới 1,32 triệu thùng/ngày so với mức mục tiêu chung. Đối với Nga, nước này đã liên tục không đạt mục tiêu khai thác do liên minh OPEC+ đề ra trong những tháng gần đây dưới tác động từ các chính sách trừng phạt của phương Tây.

Giới quan sát nhận định các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ không thể theo kịp mục tiêu tăng sản lượng do phần công suất dự phòng ngày càng cạn kiệt và hiệu quả khai thác suy giảm. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 90 ngày và duy trì trong thời gian dài để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.

Trong liên minh OPEC+, những quốc gia thực sự còn công suất dự phòng đủ dùng là Saudi Arabia và UAE. Tổng công suất dự phòng của cả hai quốc gia này hiện là 3 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022. Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ) cho biết hầu hết các quốc gia thành viên của liên minh OPEC+ đều đã hoạt động hết công suất và không thể tăng thêm sản lượng hơn nữa.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào ngày 23/5, ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cho biết công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2%. Sự sụt giảm công suất khai thác dầu dự phòng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu không còn bộ đỡ “đủ dày” để chống đỡ các rủi ro về nguồn cung. Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới và thuộc sự chi phối của Chính phủ Saudi Arabia.

Ông Christyan Malek, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu ngành dầu khí tại ngân hàng đầu tư J.P.Morgan (Hoa Kỳ), cho rằng thoả thuận nâng sản lượng khai thác của OPEC+ chỉ mang tính chất “biểu tượng” chứ khó có thể giúp tăng nguồn cung dầu thô trong thực tế hoặc giảm được giá nhiên liệu.

Giới phân tích cũng cảnh báo tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ còn phụ thuộc một phần lớn vào Nga. Dữ liệu của IEA cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong tháng 4 vừa qua giảm tới 950.000 thùng/ngày so với hồi tháng 2. Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu phần lớn dầu thô từ Nga.

Về mặt lý thuyết, theo kế hoạch khai thác mới của OPEC+, Nga sẽ phải tăng sản lượng khai thác thêm 170.000 thùng/ngày kể từ tháng sau. Tuy nhiên, một số quan chức khối OPEC cho rằng Nga sẽ khó có thể nâng sản lượng khai thác sau khi EU cấm nhập khẩu dầu thô của nước này.

Nga là một trong ba quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, cùng với Saudi Arabia và Hoa Kỳ. Trước khi xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát, sản lượng khai thác dầu thô của Nga lên tới 11,3 triệu thùng/ngày - chiếm 11% nguồn cung dầu toàn cầu.

Bà Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại hãng RBC Capital Markets (Canada), cho rằng lệnh cấm nhập dầu Nga của EU có thể khiến Nga giảm xuất khẩu dầu trong mùa Hè này.

Không chỉ vậy, Nga có thể chủ động giảm nguồn cung dầu ra thị trường. Truyền thông Nga đã dẫn lời một lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí hàng đầu Nga Lukoil cho biết Nga nên giảm sản lượng khai thác 20% - 30% để tránh phải bán dầu thô Nga với mức chiết khấu cao và việc thu hẹp nguồn cung sẽ giúp giá dầu thô Nga tăng lên.

Dù có thể không giảm được giá dầu, quyết định mới nhất của OPEC+ đã mang lại chiến thắng về mặt ngoại giao cho Saudi Arabia - quốc gia dẫn dắt OPEC. Theo các nhà quan sát, việc Saudi Arabia đột ngột thay đổi quan điểm, đồng ý để OPEC+ tăng sản lượng chủ yếu là để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.

Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã tới Saudi Arabia trong những tuần gần đây. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng ca ngợi vai trò Saudi Arabia trong việc dẫn dắt OPEC+ đạt được sự thống nhất về việc tăng sản lượng khai thác.

Tờ Wall Street Journal (Hoa Kỳ) dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Saudi Arabia sẽ xem xét tăng bơm dầu nếu sản xuất của Nga tiếp tục giảm. Quyết định của họ cũng sẽ phụ thuộc vào chuyến thăm tiềm năng của ông Joe Biden đến Saudi Arabia. Ông Dan Shapiro, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel cho biết các động thái gần đây, bao gồm cả việc Saudi Arabia thúc đẩy liên minh OPEC+ đồng thuận tăng sản lượng khai thác, là dấu hiệu rõ ràng rằng ông Joe Biden đã sẵn sàng đến thăm Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Nga cũng không muốn bị gạt ra khỏi liên minh OPEC+. Trước và sau khi xung đột quân sự với Ukraine nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn nhiều lần hội đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed. Trong các lần đó, ông Vladimir Putin đều ca ngợi tầm quan trọng của OPEC +.

Tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng gặp người đồng cấp Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan. Ông Sergei Lavrov gọi OPEC + là tổ chức "quan trọng và phù hợp".

Duy Quang