Vào lúc 16h00 chiều nay ngày 30/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 giảm 2,11% xuống 71,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2022 cũng giảm 2,52% xuống còn 68,19 USD/thùng.
Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu thô thế giới có lúc giảm hơn 3% sau khi ông Stéphane Bancel, Giám đốc Điều hành hãng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 Moderna (Hoa Kỳ) nhận định các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay có thể giảm hiệu quả trước biến chủng Covid-19 Omicron so với các biến thể trước đây.
Hiệu quả cụ thể của vaccine trước biến thể Omicron thì còn cần phải chờ dữ liệu nghiên cứu, tuy nhiên ông Stéphane Bancel cho biết tất cả những nhà khoa học ông từng trao đổi đều không lạc quan về tình hình sắp tới. Đồng thời, ông Stéphane Bancel cho rằng có thể phải mất nhiều tháng để sản xuất loại vaccine mới chống lại biến thể Omicron. Nỗi sợ hãi về biến thể này dù chưa có nhiều thông tin về mức độ nghiêm trọng của nó, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở cửa nền kinh tế của nhiều quốc gia và tạo cú sốc lên các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân kinh doanh dầu mỏ tại Singapore nhận định các phát biểu của ông Stéphane Bancel đã phủ bóng đen lên tâm lý giới đầu tư khi thị trường vốn đã ở mức yếu. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô thế giới đã lao dốc hơn 11% khi giới đầu tư lo ngại biến thế Omicron có thể khiến các nước phải tái áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm mạnh.
Trong ngày 29/11, Tổ chức Y tế Thế giới ảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm "rất cao" trên toàn cầu. WHO cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về khả năng Omicron lẩn tránh được miễn dịch ở người đã tiêm vắc xin hay có kháng thể nhờ khỏi bệnh.
Giới đầu tư hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ có các động thái để bảo đảm ổn định trên thị trường dầu mỏ như ngưng kế hoạch tăng cường sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Hồi tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu, liên minh OPEC+ đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác để đảm bảo trật tự cung – cầu trên thị trường. Hiện OPEC+ đang đối mặt với áp lực lớn khi các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều lên kế hoạch sẽ tung ra hàng chục triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
[Quảng cáo]