Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giữ ổn định, dự báo quý II/2023 tích cực

Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được giữ ổn định; trong khi đó, giá gạo xuất khẩu Thái Lan và Ấn Độ đã tăng lên chủ yếu do nguồn cung nội địa giảm và đồng nội tệ tăng giá.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở mức cao nhất 10 năm nay
 Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở vùng giá cao nhất 10 năm trở lại đây và dự báo triển vọng xuất khẩu trong quý II/2023 tiếp tục tích cực

Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 465-470 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Một thương nhân kinh doanh gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở vùng giá cao nhất 10 năm trở lại đây. 

Dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,85 triệu tấn gạo với tổng trị giá đạt 981,3 triệu USD, tăng hơn 23% về khối lượng và tăng hơn 34% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines và Trung Quốc tiếp tục là những đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý II/2023 của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao. Điển hình, các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.

Giá gạo xuất khẩu 5% của Thái Lan đạt 485-490 USD/tấn, tăng so với mức 480-482 USD/tấn trong tuần trước. Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết các nhà xuất khẩu nước này đang ráo riết thu mua gạo để đáp ứng các đơn hàng mới. Giá gạo xuất khẩu nước này còn được hỗ trợ nhờ nguồn cung gạo nội địa đang giảm khi vụ thu hoạch gần kết thúc và dự kiến nguồn cung sẽ tăng trở lại vào tháng 6 - 7 tới đây.

Giá gạo đồ xuất khẩu 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 385-392 USD/tấn, tăng so với mức 383-389 USD/tấn trong tuần trước, chủ yếu do đồng Rupee Ấn Độ tăng giá so với đồng USD. Một hãng kinh doanh gạo tại thành phố Kakinada cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo Ấn Độ đang tăng lên khi giá gạo xuất khẩu nước này cạnh tranh hơn so với giá gạo Thái Lan và Việt Nam.

Trong tuần này, giới chức Indonesia cho biết Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Ấn Độ là những quốc gia mà Indonesia đang hướng đến để  thực hiện kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Các hợp đồng hợp tác với 5 quốc gia đối tác sẽ được Indonesia thực hiện theo từng giai đoạn dựa trên tình hình cung ứng lương thực trên thị trường nội địa nước này.

Indonesia cũng cho biết các hợp đồng với 5 quốc gia vẫn đang được lên kế hoạch, thời gian vận chuyển từ các nước đối tác đến Indonesia có thể mất từ 10 - 15 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Trước mắt, Indonesia sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo nhằm bình ổn giá gạo trong nước.

Trong khi đó, Bangladesh cho biết sẽ thu mua 1,2 triệu tấn gạo từ nông dân nước này, bắt đầu từ ngày 7/5 - 31/8/2023 nhằm đảm bảo kho dự trữ cho các chương trình phúc lợi cũng như đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Bangladesh cũng nâng mức giá thu mua lên 44 Taka (0,41 USD)/kg, so với mức 40 Taka (0,38 USD)/kg trong năm ngoái.

Tường Vy