Trong đầu phiên giao dịch ngày 15/10, giá than nhiệt lượng tại Sàn giao dịch hàng hoá Trịnh Châu (ZCE, Trung Quốc) đã có lúc đạt mức cao kỷ lục, đạt 1.669,40 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 259,42 USD) sau khi các dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ tại một số khu vực miền Trung và Đông Trung Quốc có thể giảm tới 16 độ trong vòng 2 – 3 ngày tới đây. Điều này sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm tăng vọt trong tuần tới. Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ mùa đông năm nay tại Trung Quốc có thể sẽ ở mức thấp hơn thông thường do các tác động của hiện tượng thời tiết La Nina.
Tính từ đầu năm đến nay, giá than trên sàn ZCE đã tăng hơn 200%, mức giá này được xem là giá tham khảo cho các hợp đồng giao dịch than tại Trung Quốc. Giá than tại Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu hụt điện năng tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kể từ hồi tháng 9 đến nay, có ít nhất 18 tỉnh, khu vực tại Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tiêu thụ điện đặc biệt, buộc nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động và các khu dân cư phải cắt điện luân phiên kéo dài.
Trong khi đó, nguồn cung than nội địa của Trung Quốc đang bị suy yếu khi nhiều mỏ than tại tỉnh Sơn Tây nước này phải ngưng hoạt động vì mưa lũ nghiêm trọng. Nguồn cung than từ tỉnh Sơn Tây vốn chiếm đến 30% tổng nguồn cung than nội địa Trung Quốc. Điều này sẽ buộc Trung Quốc phải tăng cường tìm kiếm các nguồn cung than bổ sung trong ngắn hạn.
Ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc là Cát Lâm, Hắc Long Giang và Liêu Ninh vốn là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu điện đang bắt đầu phải tăng cường sử dụng than để sưởi ấm vào mùa đông. Giới phân tích cảnh báo tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc sẽ còn kéo dài cho đến đầu năm sau. Lượng tiêu thụ điện năng của các lĩnh vực công nghiệp của nước này được dự báo sẽ giảm 12% trong quý 4/2021 do chính quyền các địa phương Trung Quốc ưu tiên sử dụng than, cung cấp điện cho các lĩnh vực dân dụng.
Trung Quốc chính thức nâng giá điện thêm tới 20% so với mức giá sàn kể từ ngày 15/10 vừa qua nhằm cho phép các nhà máy sản xuất điện chuyển một phần gánh nặng chi phí sang các khách hàng công nghiệp và thương mại. Chính sách này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như sản xuất thép, nhôm, xi măng và hoá chất.