Giai đoạn có 8 bộ quản lý ngành Công Thương

Tháng 7/1976, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách 39 thành viên Hội đồng Chính phủ. Trong đó có 7 Bộ tham gia quản lý ngành Công Thương, đến năm 1981 do tách Bộ Điện và Than thành 2 Bộ, ngành Công Thương có 8 Bộ quản lý.
ngành Công Thương
Năm 1980, Bộ Công nghiệp nhẹ tiếp nhận hai xí nghiệp may Ledgine và Jean Symi thuộc khu chế xuất Sài Gòn, đổi tên thành Xí nghiệp May Nhà Bè. (Ảnh: TTXVN)

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước cùng dựng xây, đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc khắc phục hậu quả sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề.

Giai đoạn này, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào những hoạt động sau:

-Sắp xếp lại, cải tạo, bổ sung, nâng cao các cơ sở sản xuất hiện có và tạo thêm nguồn cung ứng năng lượng, nguyên liệu để tận dụng công suất, thiết thực phát huy tác dụng rất quan trọng của công nghiệp nặng đối với nông nghiệp, đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

-Thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp miền Nam, thống nhất quản lý và tổ chức công nghiệp trong cả nước.

-Thực hiện cải tạo thương mại miền Nam, thích ứng với điều kiện mới của thị trường, mở rộng kinh doanh với những phương thức tiến bộ, hàng hóa phong phú với chất lượng bảo đảm.

Trong tổ chức và quản lý, có sự thay đổi cả về tổ chức, và người đứng đầu các Bộ thuộc ngành Công Thương. Tháng 7/1976, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách 39 thành viên Hội đồng Chính phủ. Có 7 Bộ tham gia quản lý ngành Công Thương, đến năm 1981 do tách Bộ Điện và Than thành 2 Bộ, ngành Công Thương có 8 Bộ quản lý, gồm:

- Bộ Cơ khí - Luyện kim, Bộ trưởng: Nguyễn Côn. Tháng 11/1977, Bộ trưởng Nguyễn Côn đi nhận nhiệm vụ khác, ông Nguyễn Văn Kha được bổ nhiệm làm Bộ trưởng;

- Bộ Điện và Than, Bộ trưởng: Nguyễn Chấn: Tháng 01/1981, Bộ Điện và Than chia ra thành Bộ Điện lực, Bộ trưởng: Phạm Khai, và Bộ Mỏ và Than, Bộ trưởng: Nguyễn Chân;

- Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ trưởng: Vũ Tuân. Tháng 02/1977, Bộ trưởng Vũ Tuân thôi chức để làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, ông Trần Hữu Dư được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ;

- Bộ Lương thực - Thực phẩm, Bộ trưởng: Ngô Minh Loan. Tháng 4/1979, Bộ trưởng Ngô Minh Loan thôi chức, ông Hồ Viết Thắng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Tháng 01/1981, Bộ Lương thực - Thực phẩm chia thành 2 bộ, Bộ Lương thực thuộc ngành Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm thuộc ngành Công Thương, do ông Vũ Tuân làm Bộ trưởng;

- Bộ Nội thương, Bộ trưởng: Hoàng Quốc Thịnh. Tháng 11/1977, Bộ trưởng Hoàng Quốc Thịnh thôi chức, ông Trần Văn Hiển được bổ nhiệm làm Bộ trưởng; tháng 01/1981, ông Trần Phương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng thay ông Trần Văn Hiển;

- Bộ Ngoại thương, Bộ trưởng: Đặng Việt Châu. Tháng 02/1980, Bộ trưởng Đặng Việt Châu thôi chức, ông Lê Khắc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng;

- Bộ Vật tư, Bộ trưởng: Trần Sâm.

Đến giai đoạn này quản lý ngành Công Thương có 3 Tổng cục: Địa chất, Hóa chất, Dầu mỏ và Khí đốt.

-Tháng 9/1975, thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt. Tổng cục trưởng: ông Nguyễn Văn Biên. Đến tháng 10/1979, ông Nguyễn Hòa làm Tổng cục trưởng.

-Tháng 8/1979, ông Trần Đức Lương giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, thay cho ông Nguyễn Văn Điệp.

-Năm 1981, ông Lê Văn Dỹ được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất, thay cho ông Lê Tự.

-Tháng 4/1982, ông Hoàng Đức Nghi giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư.

 - Tháng 12/1983 thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học. Quyền Tổng cục trưởng: ông Trịnh Đông A.

Đaò Mạnh Đức