Giải pháp tăng cường quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

NGUYỄN THÀNH NAM (Bảo hiểm xã hội huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) - NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả, chính sách bảo hiểm của Nhà nước đối với người lao động. Bài viết này đánh giá thực trạng quản lý thu bảo hiểm xã hội tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, sử dụng số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp từ phỏng vấn cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động. Kết quả cho thấy việc thực hiện thu luôn vượt kế hoạch đạt ra hàng năm, tuy nhiên tình trạng số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn chưa đầy đủ so với thực tế, nợ đọng, đóng không đúng thời gian quy định, do đó gây không ít khó khăn cho hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở phân tích thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng kết quả quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy trong thời gian tới.

Từ khóa: quản lý, thu, bảo hiểm xã hội bắt buộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề

Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, bao gồm các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí v.v. Hoạt động quản lý công tác thu bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chi và quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đóng một vai trò quyết định, then chốt trong quá trình đảm bảo ổn định cho cuộc sống của người lao động cũng như các đơn vị sử dụng lao động được hoạt động bình thường. Trong những năm gần đây, công tác bảo hiểm xã hội bắt buộc tại huyện Cai Lậy đã và đang được thực hiện khá tốt, tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng chậm đóng, đóng chưa đủ bảo hiểm xã hội của các chủ sử dụng lao động, nợ đọng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Bài viết nhằm đánh giá thực trạng thực hiện và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại huyện Cai Lây, tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu thứ cấp được thu thập qua các báo cáo tổng kết tại Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát ý kiến phòng bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy và một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Phương pháp phân tích số liệu là thống kê mô tả, so sánh.

3. Thực trạng quản lý thu bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy là cơ quan trực thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang, có chức năng giúp Giám đốc bảo hiểm xã hội tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm nói chung, bảo hiểm xã hội bắt buộc nói riêng trên địa bàn theo quy định của bảo hiểm xã hội Việt Nam và quy định của pháp luật. Năm 2022, trên địa bàn huyện Cai Lậy có khoảng 658 doanh nghiệp, 159 đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị khác tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các doanh nghiệp năm 2022 là 21.652 người, tăng khoảng 3% so với năm 2021, trong đó chủ yếu là lao động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại khối hành chính sự nghiệp và ngoài công lập năm 2020 là 4.185 người.

Công tác lập kế hoạch thu: Các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm theo dõi số lao động, quỹ tiền lương và mức nộp bảo hiểm xã hội thực tế đến tháng 9 với danh sách lao động, quỹ tiền lương trích nộp bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó với cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 10/10 hàng năm. bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy căn cứ vào kết quả thực hiện công tác thu bảo hiểm xã hội năm trước và khả năng mở rộng thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn, lập Kế hoạch thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế cho năm sau. Theo khảo sát cán bộ bảo hiểm xã hội về công tác lập kế hoạch thu bắt buộc tại bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy, việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch thu bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện tốt (4,26 điểm), tuy nhiên việc giao kế hoạch thu bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ được đánh giá ở mức khá (3,98 điểm).

Thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc: Hàng tháng công tác thu được cán bộ bảo hiểm xã hội huyện đều có liên hệ và làm việc với các đơn vị. Mỗi tháng, cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ nhận được biểu mẫu thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội từ bộ phận thu gửi đi để nắm được số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời dựa vào bảng lương của đơn vị để tiến hành viết Ủy nhiệm chi nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội vào tài khoản chuyên thu mà bảo hiểm xã hội đã mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Kho bạc Nhà nước tại huyện Cai Lậy. Có hai phương án đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là (i) Phương thức đóng theo tháng: Số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đơn vị đóng cho người lao động được quyết toán định kỳ theo tháng. Phương thức này áp dụng cho khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đơn vị ngoài công lập và hợp tác xã; (ii) Phương thức đóng theo quý: Số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đơn vị đóng cho người lao động được quyết toán định kỳ quý (3 tháng 1 lần). Phương thức này áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể và khối phường, xã thị trấn. Thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong giai đoạn 2020 - 2022 của cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy đều vượt số thu bảo hiểm xã hội đề ra. Năm 2020, số thu bảo hiểm xã hội vượt chỉ tiêu đề ra là 2,82%, năm 2021 hoàn thành vượt chỉ tiêu 4,52% và trong năm 2022, cơ quan cũng vượt kế hoạch giao 5,94%.

Bảng 1. Tình hình thực hiện kế hoạch thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy giai đoạn 2020 - 2022

bảo hiểm xã hội

Nguồn: Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy

Công tác thu đạt kết quả tốt so kế hoạch chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

- Số kế hoạch mà bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang giao mới chỉ căn cứ vào số thu, mức tiền lương tối thiểu của năm trước và số kế hoạch bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy gửi lên. Trong khi đó, năm sau phát sinh thêm một số lượng lao động tham gia, tiền lương đóng của người lao động có sự tăng lên làm tăng số thu.

- Quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các đơn vị đã tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn 2020-2022, tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các doanh nghiệp, khối hành chính và ngoài công lập tại huyện Cai Lậy đã tăng từ hơn 962 tỷ đồng lên hơn 1.032 tỷ đồng, góp phần tăng số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Công nghệ thông tin: Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ rất nhiều. Các đơn vị sử dụng những phần mềm chuyên môn hóa để quản lý lao động thì việc nắm bắt thông tin về tình hình lao động cũng được thực hiện dễ dàng. Những biến động tăng, giảm, tiền lương được quản lý chính xác bời những phần mềm chuyên dụng, qua đó công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện dễ dàng. Nhìn chung các đơn vị trên địa bàn huyện Cai Lậy đã tiếp cận và sử dụng những ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nguồn nhân lực tại đơn vị.

Bên cạnh đó, số đã thu chưa đạt 100% số phải thu trong tổng số các đơn vị trong huyện là do trong địa bàn huyện Cai Lậy vẫn còn một số lượng nhỏ các đơn vị chậm đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội do tình hình kinh tế sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn. Số lượng đơn vị và số người lao động tham gia vẫn tiếp tục tăng qua các năm, trong khi số cán bộ thu bảo hiểm xã hội không thay đổi nhiều với khối lượng công việc lớn nên mất thời gian giải quyết những vấn đề phát sinh, ít thời gian để kiểm soát thông tin và quản lý đối tượng thu.

Ngoài ra, phỏng vấn người lao động cũng cho thấy hiểu biết của họ đối với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc còn hạn chế (tự đánh giá ở mức trung bình). Người lao động là đối tượng được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng trên thực tế việc nhận thức được các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội chưa thật sự đầy đủ. Người lao động thường hiểu rằng, đóng, nộp bảo hiểm là việc của chủ sử dụng lao động nên họ thường không có ý thức tìm hiểu về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thậm chí, nhiều người lao động không hiểu ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, nhầm lẫn bảo hiểm xã hội với các loại bảo hiểm khác hoặc không biết khi nào mình được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. Một bộ phận lớn người lao động trong xã hội hiểu rằng “Đóng bảo hiểm là việc của doanh nghiệp và mình sẽ được hưởng lương hưu sau khi về hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội”. Nhiều lao động có hiểu biết về bảo hiểm xã hội nhưng vì thu nhập thấp và không phải đóng bảo hiểm xã hội (cá nhân hiện phải đóng 8%) nên không có ý thức tham gia và không đòi hỏi chủ sử dụng lao động về quyền lợi của mình mà ngược lại thông đồng với chủ sử dụng lao động để trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tất cả những nhận thức không đúng về bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động đều ảnh hưởng đến việc thu bảo hiểm xã hội của huyện.

Bên cạnh những kết quả thu của bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy đã đạt được trong những năm qua còn tồn tại một số vấn đề khó khăn. Đặc biệt là tình hình nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các đơn vị trên địa bàn huyện. Tổng số nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy năm 2020 là 23.146 triệu đồng, giảm xuống gần 2 lần vào năm 2022 với tổng số tiền là 13.649 triệu đồng. Mặc dù tỷ lệ nợ đọng này không quá cao so với các địa phương khác nhưng Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy vẫn cần có những giải pháp dứt điểm tình trạng nợ đọng này. Nhìn chung, số nợ đọng nằm ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khối hợp tác xã, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; còn khối hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể; ngoài công lập; phường, xã, thị trấn; hộ kinh doanh cá thể; tổ hợp tác do nắm được quyền lợi và ý thức được trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm xã hội nên không để xảy ra nợ đọng.

Bảng 2. Tỷ lệ nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc so với tổng số thu thực tế năm 2020 - 2022

bảo hiểm xã hội

Nguồn: Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy và tính toán của tác giả

Đánh giá công tác thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại huyện Cai Lậy, các chủ sử dụng lao động được phỏng vấn đều cho rằng mức đóng và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động khá hợp lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, tuy nhiên trình độ CNTT của người lao động còn yếu nên ứng dụng còn thấp. Các chủ sử dụng lao động cũng quan tâm tới các quy định trong luật bảo hiểm xã hội quy định về mức đóng, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuy nhiên tự đánh giá chỉ ở mức khá. Việc tự đánh giá chấp hành thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động cũng chỉ được các chủ đơn vị sử dụng lao động (chủ yếu là doanh nghiệp) đánh giá ở mức khá. Các chủ sủ dụng lao động đánh giá khá về hệ thống chính sách, phổ biến các văn bản và hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan. Tuy nhiên, họ cho rằng chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thu bảo hiểm xã hội bắt buộc cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội huyện.

Về công tác thanh kiểm tra: Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy luôn chủ động xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn, tiến hàng rà soát các đối tượng tham gia, số tiền tham gia và hạn nộp. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy kịp thời tham mưu đề xuất với cấp uỷ đảng chính quyền có biện pháp nhằm tăng cường chỉ đạo công tác thu nộp bảo hiểm xã hội tập trung ngay từ đầu năm. Công tác kiểm tra được duy trì và thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm. Trong thời gian qua, bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy tiếp tục duy trì công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Năm 2022, bảo hiểm xã hội đã tiến hành kiểm tra 95 đơn vị và yêu cầu truy thu hơn 346 triệu đồng tại 22 đơn vị và xử phạt vi phạm hành chính tại 10 đơn vị với số tiền 50 triệu đồng. Phỏng vấn các chủ đơn vị sử dụng lao động cho thấy họ đánh giá công tác đôn đốc thu, thanh tra và kiểm tra đơn vị về chấp hành đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động ở mức khá. Cán bộ phòng Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy cũng thường xuyên phối hợp với các phòng ban liên quan trong việc thanh, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có bộ phận chuyên môn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Công việc này không được thực hiện thường xuyên, mỗi khi có kế hoạch sẽ do lãnh đạo bảo hiểm xã hội phân công. Như vậy, lực lượng làm công việc này chưa đảm bảo dẫn đến chưa phát hiện hết các sai phạm. Bên cạnh đó, số đơn vị trên địa bàn thành phố nhiều, cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố không thể kiểm tra toàn bộ mà chỉ kiểm tra một số đơn vị nhất định.

4. Một số giải pháp tăng cường quản lý chi bảo hiểm xã hội bắt buộc tại huyện Cai Lậy

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy: cần ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng lại cho số cán bộ hiện có theo các nghiệp vụ chuyên ngành, cụ thể là nghiệp vụ về thu, chi bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm xã hội bắt buộc: hiện nay vẫn còn một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện bảo hiểm xã hội, đặc biệt là khối kinh tế ngoài quốc doanh, ngoài công lập. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là người lao động là việc làm hết sức cần thiết.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc: hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để giải quyết các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nâng cấp và phát triển các phần mềm ứng dụng để từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ và quản lý, điều hành công việc, yêu cầu cải cách hành chính, tiến tới xây dựng mới phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành theo mô hình tập trung tại cấp tỉnh, thành phố, đồng thời mở rộng các dịch vụ điện tử, cải cách thủ tục hành chính hướng tới đối tượng và phục vụ tốt cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội và những sai phạm mà doanh nghiệp mắc phải trong việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Kết luận

Quản lý thu bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội bắt buộc nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả chính sách bảo hiểm của Nhà nước. Nghiên cứu thực trạng quản lý thu bảo hiểm xã hội tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho thấy việc thực hiện thu luôn vượt kế hoạch đạt ra hàng năm, tuy nhiên tình trạng số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn chưa đầy đủ so với thực tế, nợ đọng, thực trạng đóng thiếu, đóng không đúng thời gian quy định, do đó gây không ít khó khăn cho hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội. Công tác thanh kiểm tra đã được thực hiện khá tốt song chưa phát hiện hết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, một số sai phạm mà doanh nghiệp mắc phải trong việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trên cơ sở phân tích thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng kết quả quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy trong thời gian tới, bao gồm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm xã hội, cải thiện công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, và tăng cường công tác thanh kiểm tra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bảo hiểm xã hội huyện Cai Lậy (2021, 2022, 2023). Báo cáo tổng kết thu BHXH huyện Cai Lậy năm 2020, 2021, 2022.
  2. Bộ Tài chính (1998). Thông tư số 85/1998/TT-BTC ngày 25 tháng 6 năm 1998 hướng dẫn quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  3. Chính phủ (2002). Quyết định số 100/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2002 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
  4. Dương Xuân Triệu, Nguyễn Văn Gia (2020). Giáo trình quản trị BHXH. Hà Nội: NXB Lao động - Xã hội.
  5. Quốc hội (2014). Luật số 58/2014/QH13: Luật Bảo hiểm xã hội, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014.

SOLUTIONS TO ENHANCE THE MANAGEMENT

OF COMPULSORY SOCIAL INSURANCE PREMIUM

COLLECTION IN CAI LAY DISTRICT,

TIEN GIANG PROVINCE

• NGUYEN THANH NAM1

• NGUYEN THI DUONG NGA2

1Social Insurance Department of Go Cong District, Tien Giang Province

2Vietnam National University of Agriculture       

ABSTRACT:

The management of compulsory social insurance premium collection plays an important role in the implementation of the State's labour insurance policy. This study evaluates the current compulsory social premium collection management in Cai Lay district, Tien Giang province. In this study, the primary data is collected through interviews with local social insurance officials, employees and employers. The results show that the compulsory social insurance premium collection of Cai Lay district always meet its annual targets. However, there are some enterprises which have not paid compulsory social insurance premiums for their employees or have overdue compulsory social insurance premiums payment. These issues are posing challenges to the local social insurance fund. Based on the study’s results, some solutions are proposed to enhance the management of compulsory social insurance premium collection in Cai Lay district.

Keywords: management, collection, compulsory social insurance, Cai Lay district, Tien Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2023]