Hà Nội chuẩn bị gần 40.000 nghìn tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Đây là thông tin được bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết tại Hội nghị thông tin báo chí về công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, quản lý thị trường, bảo đảm y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây.

hàng hóa phục vụ tết
Các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ cho dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã xác định số lượng và khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, thời gian qua, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 22% so với Kế hoạch Tết 2020, nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).

Cũng theo Phó Giám đốc phụ trách Trần Thị Phương Lan, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các làng nghề tập trung sản xuất, bảo đảm cao nhất nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chú trọng xây dựng kế hoạch nhập khẩu các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán để đáp ứng khi nguồn cung còn thiếu.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị này có các biện pháp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm tốt công tác thị trường, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức kinh doanh, bảo đảm phòng dịch…

Cụ thể, trong dịp Tết năm nay, Sở sẽ chủ trì tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Song song đó, triển khai tổ chức các điểm bán hàng phục vụ Tết; hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2021; 12 phiên chợ Việt; khoảng 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi…

Đặc biệt, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành Công Thương Hà Nội sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.

hàng hóa phục vụ tết
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các làng nghề tập trung sản xuất, bảo đảm cao nhất nguồn cung ứng sản phẩm trên địa bàn

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban đối ngoại Marketing - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG cho biết, Hapro đã dự trữ một lượng lớn hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, đồ khô với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó hệ thống siêu thị Co.op Mart đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu, phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, dù hiện nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán 2021 cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm kinh doanh thu hút đông người dân tham gia.

Do vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, vừa bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Trong đó, cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 theo phương án số 3435/PA-SCT ngày 3/8/2020 của Sở Công Thương về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ dịch, không để xảy ra khan hàng, thiếu hàng, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường.

Về công tác quản lý thị trường, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định tình hình cuối năm, hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động, do đó các đối tượng vi phạm lợi dụng tình hình để buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xác định trọng tâm là công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm (pháo, thuốc lá), thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thực phẩm nhập lậu (đặc biệt là thịt lợn, bò, gia súc, gia cầm, hải sản các loại,…), thực phẩm công nghệ (rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo), thuốc lá, quần áo thời trang… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ.

Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa bảo đảm chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa, phục vụ nhân dân Thủ đô và cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Hạ An