Đại diện đến từ Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, 20 loại sản phẩm thuộc nhiều mặt hàng khác nhau được trưng bày tại Hội nghị hôm nay đều là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân Thủ đô.
Các sản phẩm được trưng bày giới thiệu đều là những đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích như: ống hút tinh bột gạo, hạt sen sấy bơ, trà hoa sen Khánh Thu, trái khổ qua rừng, gừng sấy dẻo, gừng non cay, trà sen quê, bột lá cay, cam xoàn, xoài cát hòa lộc, xoài cát chu, chanh không hạt…
Trong số các sản phẩm được giới thiệu tại Hội nghị, cam xoàn, xoài các loại là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng Thủ đô. Cam xoàn là một sản phẩm chất lượng điển hình cho loại cam nhiều nước vị ngọt. Người tiêu dùng yêu thích, tin tưởng lựa chọn loại cam này cũng bởi giống cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc.
Theo đại diện Sở Công Thương Đồng Tháp, tất cả những sản phẩm được trưng bày, quảng bá tại Hội nghị đều được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, phân phối giá tốt. Riêng đối với hàng hoa quả tươi, Đồng Tháp luôn ưu tiên chọn lựa những sản phẩm được chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, bảo quản, vận chuyển.
Tại các bàn trưng bày của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, người dân Thủ đô dễ dàng nhìn thấy các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Đậu phộng nguyên chất, Dầu mè đen nguyên chất Sống Sạch, Dầu gấc nguyên chất… các sản phẩm này đều mang đến hương vị thơm ngon, đậm đà, giá trị dinh dưỡng cho các bữa an gia đình. Đặc biệt, các sản phẩm vừa trên đều có giấy chứng nhận VSATTP số 16/GCNATTP-SCT, sản phẩm đạt 4 sao trong đánh giá và phân hạng OCOP năm 2019 và là sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020.
“Không chỉ mang đến những sản phẩm chế biến, đóng gói sẵn, Sở Công Thương Quảng Nam còn giới thiệu đến người dân Thủ đô những thực phẩm tươi ngon, hấp dẫn như: bánh chưng, bánh Tét, phở sắn, bánh tráng sắn… những sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu đặc trưng của Quảng Nam; sản phẩm hút chân không, di chuyển an toàn và hạn sử dụng dài. Tất cả các sản phẩm đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…”, đại diện Sở Công Thương Quảng Nam chia sẻ.
Tham gia Hội nghị, Sở Công Thương Phú Thọ đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia Kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương.
Tỉnh Phú Thọ tập trung giới thiệu những sản phẩm OCOP của tỉnh như: mít sấy, mỳ gạo Hùng Lô, chè xanh, mật ong, gạo JO2… những sản phẩm này vừa được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020.
Ngoài trưng bày các sản phẩm OCOP, Sở Công Thương Phú Thọ còn giới thiệu, quảng bá đến người dân Thủ đô sản phẩm thế mạnh của tỉnh, đó là các sản phẩm về trà, như: lục trà, hồng trà, ô long trà, trà nhài…
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công Thương, bà Trần Thị Thúy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn Phú Thọ chia sẻ, là đơn vị có thế mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm trà xuất khẩu. Từ đầu 2020, phát huy những thế mạnh sẵn có, Nam Sơn đã ra mắt thương hiệu mới mang tên Bách Trà, và mong muốn quảng bá, phát triển thương hiệu này ở thị trường nội địa.
Thông qua Hội nghị, Nam Sơn kỳ vọng, các sản phẩm trà sẽ được giới thiệu quảng bá đông đảo đến các đối tác, các nhà phân phối trong nước qua kênh B2B. Qua những kênh phân phối đó, các sản phẩm trà Nam Sơn được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Tương tự, đại diện đến từ Công ty CP Nông sản Bắc Kạn cũng mong muốn, sẽ tìm kiếm được thêm nhiều đối tác, thêm nhiều thị trường tiêu thụ. Thông qua Hội nghị, các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp cận được những hệ thống phân phối lớn, quảng bá rộng rãi các sản phẩm thực phẩm an toàn của tỉnh đến đông đảo người tiêu dùng cả nước.
Ngay sau rất nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm thực phẩm tại hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã có rất nhiều thông tin giao dịch, những cuộc hẹn và những giải pháp hỗ trợ được các doanh nghiệp đưa ra.
Để hưởng ứng và tạo thêm sự liên kết cho những giao dịch, những hợp tác trên phát triển hơn nữa, ngay tại Hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như nhiều doanh nghiệp phân phối đã ký kết hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020.
“Hội nghị kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn ngành Công Thương” là một trong những hoạt động nổi bật thuộc Chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực an toàn ngành Công Thương” năm 2020.
Chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương” năm 2020 được thực hiện theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 4/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện hoạt động: “Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương” và “Truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương” thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2020 (Quyết định số 1230/QĐ-BCT ngày 29/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Chương trình được tổ chức tập trung trong tháng 10 và tháng 11/2020 với nhiều hoạt động chính, nổi bật, với các nội dung kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương nhằm kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn theo hình thức Doanh nghiệp với Doanh nghiệp (B2B); Doanh nghiệp với Người tiêu dùng (B2C).