HBC mở hướng xuất khẩu dịch vụ xây dựng

Từ trường hợp của HBC, các chuyên cho rằng, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp.

Thành lập năm 1987, bắt đầu với hoạt động thiết kế và xây dựng các công trình nhà ở tư nhân, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã trở thành hai thương hiệu xây dựng lớn nhất trên thị trường xây dựng Việt Nam.

HBC có 3 mảng hoạt động chính: xây dựng BĐS nhà ở; xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng; xây dựng khách sạn & khu nghỉ dưỡng. Mảng nào cũng đem lại doanh thu trên dưới chục ngàn tỷ mỗi năm. Từ năm 2000 đến nay, HBC từ nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp xây dựng đã trở thành nhà thầu chính, làm chủ những dự án siêu cao. Dự án Saigon Center – tòa nhà có 6 tầng hầm và 44 tầng cao được HBC bao thầu tất cả từ thi công, quản lý, giám sát…

a

 

Lực đã đủ lớn, HBC bắt đầu “đem chuông đi đánh xứ người”. Cuối năm 2017, HBC đã đàm phán thành công gói thầu đầu tiên của dự án Trụ sở Chứng cứ hình sự (Criminal Evidence Headquarters) trị giá khoảng 35 triệu USD (800 tỷ đồng) đồng với đối tác chiến lược HOT Engineering and Construction. Đây là gói thầu nằm trong dự án trọng điểm được chính phủ Kuwait rất quan tâm và có thiết kế rất đặc biệt. Đồng thời ký kết hợp tác với Công ty xây dựng lớn thứ 2 tại Kuwait là United Guft Construction Company (UGCC) thi công gói thầu bê tông cốt thép trong một phần của dự án lọc dầu Al Zour Refinery Project của chính phủ Kuwait, với giá trị trúng thầu 20 triệu USD (450 tỷ đồng). Đây là dự án lọc dầu có quy mô lớn nhất Kuwait với tổng trị giá đầu tư khoảng 30 tỷ USD. Đầu tháng 11/2018, HBC ký thỏa thuận liên doanh với với Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT (HOT Engineering & Construction, Kuwait) để cùng nhau tham gia đấu thầu trực tiếp các dự án xây dựng của Chính phủ Kuwait với vai trò tổng thầu. Thỏa thuận này giúp bỏ hình thức độc quyền mà các doanh nghiệp nước ngoài đến Trung Đông phải tham gia ký độc quyền.

Thỏa thuận cho phép HBC tham gia liên doanh đấu thầu trực tiếp với các đối tác địa phương khác. Bên cạnh đó, HOT sẽ hỗ trợ Hòa Bình đăng ký và chứng minh năng lực nhà thầu với Chính phủ Kuwait để được tham gia vào danh sách các nhà thầu có năng lực tại nước này. Đây là điều kiện bắt buộc để nhà thầu nước ngoài có thể tham gia dự thầu trực tiếp các dự án của chính phủ Kuwait với vai trò tổng thầu. Kết quả là ngay sau đó, liên doanh HBC và HOT đã tham gia đấu thầu thành công dự án Đại học Kiến trúc Kuwait giá trị 100 triệu KD (tương đương 330 triệu USD).

Sự thành công của HBC tại các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Kuwait… cho thấy, doanh nghiệp xây dựng nước ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả nhà thầu nước ngoài, kể cả Hàn Quốc hay Nhật Bản. Từ nhà thầu phụ, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã trở thành nhà thầu chính hoặc hợp tác phân chia lợi nhuận, hoặc làm chủ những dự án xây dựng siêu cao. Việc Coteccons, công ty xây dựng 100% vốn trong nước thắng thầu dự án The Landmark 81, cao 461m, cao thứ 8 thế giới vào năm ngoái là một trong những mốc son của ngành xây dựng Việt Nam.

Theo các chuyên gia xây dựng, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp. Lợi thế đáng kể của Việt Nam là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ. Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác. Một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần bình quân thế giới. Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân; trong khi bình quân thế giới là 3.000.

Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ xây dựng còn có một ý nghĩa lớn hơn: góp phần giảm nhập siêu dịch vụ. Từ năm 2106, chúng ta đã thoát khỏi tình trạng nhập nhập siêu hàng hóa và bắt đầu có xuất siêu. Nhưng dịch vụ thì luôn nhập siêu. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 13,1 tỷ USD; nhập khẩu dịch vụ 17 tỷ USD, nhập siêu 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 11,1 tỷ USD, tăng 14,6%; nhập khẩu dịch vụ 13,8 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu 2,7 tỷ USD, bằng 24,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

Phú Châu