Xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh

Giá cao su tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu cao su của Việt Nam quý I/2024 tăng khá cả về lượng và trị giá.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

cao su

Giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong quý I/2024, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân. Hoạt động sản xuất lốp xe bùng nổ tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu cao su trong năm 2023 tăng mạnh. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trầm trọng hơn do tăng trưởng về sản xuất và tiêu thụ không đồng đều.

Sang tháng 4/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á biến động mạnh, giá tăng trong 10 ngày đầu tháng, sau đó giảm trở lại, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu thấp và sản lượng lốp xe tại Trung Quốc giảm trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, nguồn cung ô tô dư thừa cũng gây áp lực lên thị trường.

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su có nhiều biến động, giá tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 10/4/2024 (lên mức 345,3 Yên/kg), sau đó quay đầu giảm mạnh. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 309,5 Yên/kg (tương đương 1,99 USD/kg), giảm 8,6% so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2023.

giá cao su 1

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su biến động mạnh, giá tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 11/4/2024 (lên mức 15.000 NDT/tấn), sau đó giảm mạnh trở lại. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.920 NDT/tấn (tương đương 1,92 USD/kg), giảm 3% so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tồn kho, tuần tính đến ngày 19/4/2024, tồn kho cao su tự nhiên tại Kho ngoại quan Thanh Đảo là 402.100 tấn, giảm 20.100 tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su tự nhiên tại Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải là 216.891 tấn, giảm 830 tấn; Lượng hàng nhập kho là 214.970 tấn, tăng 740 tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su số 20 là 141.624 tấn, tăng 887 tấn; Lượng hàng nhập kho là 133.157 tấn, tăng 2.299 tấn so với kỳ trước.

giá cao su 2

Tại Thái Lan, giá cao su giảm mạnh kể từ ngày 10/4/2024, hiện đã giảm xuống dưới ngưỡng 80 Baht/kg. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 79,41 Baht/kg (tương đương 2,15 USD/kg), giảm 10,9% so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2024 đạt 751 nghìn tấn, giảm 4,5% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 3,4% so với tháng 3/2023. Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,29 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 2,9% so với tháng 3/2023.

"Năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,9%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam tăng 2,9%; Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3% so với năm 2023", ANRPC dự báo.

Về tiêu thụ, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, Malaysia trở thành điểm sáng về tiêu thụ cao su tự nhiên, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên của Malaysia sẽ tăng trưởng 45,4% so với năm 2023. Tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến tăng 5,5%; Ấn Độ tăng 3%; Thái Lan tăng 1%; Việt Nam tăng 6%; Các nước khác giảm 3,8% so với năm 2023.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam

Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I/2024, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm 86,53% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý I/2024, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 362,27 nghìn tấn, trị giá 525,54 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam trong quý đầu năm 2024 với 287,85 nghìn tấn, trị giá 407,83 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 69,48% về lượng và chiếm 67,15% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2024, thị phần cao su Việt Nam chiếm 19,32% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 18,1% của cùng kỳ năm 2023.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cao su Việt Nam là Ấn Độ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I/2024 Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 28,95 nghìn tấn cao su, trị giá 45,15 triệu USD, tăng 67,1% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,99% về lượng và chiếm 7,43% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 2 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ nhập khẩu 188,67 tấn cao su, trị giá 339,16 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 22,22 nghìn tấn, trị giá 34,37 triệu USD, tăng 182,7% về lượng và tăng 201,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, thị phần cao su Việt Nam chiếm 10,13% trong tổng trị giá nhập khẩu của Ấn Độ, cao hơn so với mức 3,81% của 2 tháng đầu năm 2023.

Ấn Độ quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn triển vọng tốt đối với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này và nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe trong thời gian tới.

xuất khẩu cao su

Về chủng loại xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 57% về lượng và chiếm 56,78% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với 236,17 nghìn tấn, trị giá 344,87 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,52% về lượng và chiếm 99,24% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 235,49 nghìn tấn, trị giá 342,24 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

chủng loại cao su

Về giá xuất khẩu, trong quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su phần lớn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là: SVR CV40 đạt 1.788 USD/tấn, tăng 14,8%; Latex đạt 1.173 USD/tấn, tăng 13,1%; RSS1 đạt 1.782 USD/tấn, tăng 12%; RSS3 đạt 1.696 USD/tấn, tăng 11,3%; SVR 10 đạt 1.525 USD/tấn, tăng 10,5%...

Việt Hằng