Nhiều hình thức mua sắm mới phát triển mạnh mẽ
Theo Metric (nền tảng số liệu về thương mại điện tử), trong 3 tháng đầu năm 2024, người Việt "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến. Doanh số của 5 "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo rằng doanh số thị trường thương mại điện tử năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Trong năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Điều này có thể nhận thấy trong xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống đã giảm nhiều số lượng người mua thì dịch vụ giao hàng cho các sàn thương mại điện tử lại phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu đặt hàng, mua sắm online của người tiêu dùng.
Cũng theo Báo cáo quý I/2024 về doanh thu các sàn thương mại điện tử của Công ty Phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, bốn nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 79,12 nghìn tỷ đồng GMV, tiêu thụ 768,44 triệu đơn vị sản phẩm.
Người tiêu dùng chi 53.740 tỷ đồng mua sắm trên Shopee quý đầu năm, giúp sàn này tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, với thị phần 67,9% tính theo tổng giao dịch (GMV). Shopee đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.
Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần GMV. Đáng chú ý, so với quý trước, nền tảng TikTok Shop tăng GMV 15,5%, “ngược dòng” thị trường và nhờ vậy, chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, cắn vào “miếng bánh” của các nền tảng còn lại.
Lazada và Tiki lần lượt mang về 6,03 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%), theo YouNet ECI. Như vậy trong quý I này, tổng giá trị giao dịch trên nền tảng TikTok Shop cao gấp 3 lần trên Lazada.
Bên cạnh đó, báo cáo YouNet ECI chỉ ra số lượng nhà bán (có doanh thu trong quý I/2024, không tính nhà bán quốc tế) trên TikTok Shop nhỉnh hơn Lazada (121 nghìn nhà bán so với 115 nghìn nhà bán). Trong đó, từ tháng 12/2023 đến hết tháng 3/2024, trên TikTok Shop đã xuất hiện thêm hơn 13 nghìn nhà bán TikTok Shop Mall (chính hãng).
Sự đổ bộ của các nhà bán mà nổi bật là những nhà bán hàng chính hãng thương hiệu lên TikTok Shop là một động lực nữa cho tăng trưởng GMV của nền tảng này trong quý I.
Thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bứt phá năm 2024
Theo dự báo trong quý 2/2024 của Metric, tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý 1/2024. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực.
Mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc từ quý 2/2024, với tốc độ tăng 19,2% so với quý 1/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý 2/2023. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất - nhập hàng phù hợp ngay từ đầu năm để tránh rơi vào tình trạng không đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường, từ đó bị giảm doanh thu và thị phần.
Về dài hạn, ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường YouNet ECI dự báo ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn sẽ giữ vững đà tăng trưởng với GMV năm 2025 dự kiến đạt đỉnh 16,8 tỷ USD. Trong đó, "shoppertainment" (mua sắm kết hợp giải trí) chính là mắt xích chủ chốt, chiếm gần một nửa tổng giá trị hàng hóa toàn ngành với 8,1 tỷ USD.
Thương mại điện tử phát triển đang góp phần củng cố tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Phân tích của bà Amanda Murphy, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp khu vực Nam và Đông Nam Á HSBC và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC cho thấy Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á cho đến năm 2025.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Điều này là nền tảng để TMĐT có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.
Tuy vậy những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến…. vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của TMĐT Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Với cùng định hướng đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT & KTS - Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn TMĐT nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới – Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới.
Thương mại điện tử những năm qua đã đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Bằng những giải pháp, chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường, thương mại điện tử hứa hẹn không chỉ tiếp tục phát triển nhanh chóng mà còn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.