Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam nằm trong nhóm hàng đầu thế giới
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022. Đến năm 2023, con số này đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tính đến tháng 12/2023 theo Statista, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng ngày càng lớn
Trong năm vừa qua, đã có nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Điều này có thể nhận thấy trong xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống đã giảm nhiều số lượng người mua thì dịch vụ giao hàng cho các sàn thương mại điện tử lại phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu đặt hàng, mua sắm online của người tiêu dùng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chỉ ra, ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2023 lên đến 61 triệu người và ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD. Cùng với đó, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng Internet lên đến 78,6 %.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Điều này là nền tảng để thương mại điện tử có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.
Tuy vậy những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến…. vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Nhiều giải pháp để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024
Xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng chiếm ưu thế trong bối cảnh kinh doanh hiện đại. Với quy mô dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam đang trải cơ hội lớn cũng như nhiều thách thức được đặt ra.
Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Cùng định hướng đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới - Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới …
Đặc biệt, mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các Sàn thương mại điện tử đã được triển khai. Đây cũng là một giải pháp nằm trong Chương trình ứng dụng thương mại điện tử quốc gia GoOnline do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đầu mối chủ trì, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn, sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm của các Doanh nghiệp của địa phương mang lại hiệu quả tốt nhất.
Chương trình hướng đến tất cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu phát triển bán hàng trên các Sàn thương mại điện tử, từ những sản phẩm thiết yếu thông thường, cho đến các sản phẩm mang tính chất đặc thù như đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm sản xuất tại địa phương OCOP, sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn và chứng nhận …
Ngoài ra, chương trình cũng mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp với sản phẩm tiềm năng nhưng khó khăn về nhân sự hoặc chi phí để mở rộng kênh bán hàng qua Sàn thương mại điện tử. Khi tham gia chương trình này, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập một gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả doanh nghiệp sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Về phía doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phân phối thương mại điện tử với nhiều tiềm năng, về phía người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm địa phương dễ dàng. Giải pháp cũng tin tưởng góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế địa phương nói chung.
Thương mại điện tử những năm qua đã đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Bằng những giải pháp, chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường, thương mại điện tử hứa hẹn không chỉ tiếp tục phát triển nhanh chóng mà còn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.