Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Giá thép năm 2021 có chiều hướng gia tăng kể từ cuối năm 2020 cho đến giữa quý I/2021 có điều chỉnh giảm, sau đó tiếp tục xu hướng tăng đến cuối tháng 5/2021 bắt đầu chiều hướng giảm. Thị trường hiện tại dùng dằng và có chưa có chiều hướng tăng giảm rõ rệt.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường gần đây của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước.
Theo đó, các doanh nghiệp thành viên cần tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước; thực hiện kê khai, niêm yết giá phù hợp với quy định của pháp luật;
Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu; Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước; Nâng cao năng lực quản lý, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý; Tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các doanh nghiệp; Hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước.
Biểu đồ sản xuất các sản phẩm thép thành phẩm giai đoạn 2019-2021
Trong văn bản này, VSA cũng kiến nghị Cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ; Khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm như thép xây dựng, tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội; Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng vệ thương để bảo vệ sản xuất trong nước và xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam...