Hòa giải thương mại dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

ĐẶNG THƯƠNG HOÀI LINH (Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông  - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Cùng với thương lượng và trọng tài, hòa giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung và phương thức hòa giải nói riêng tại Việt Nam, bài viết phân tích quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam về hòa giải, thủ tục hòa giải, công nhận kết quả hòa giải, từ đó đưa ra những kiến nghị đối với pháp luật Việt Nam.

Từ khóa: hòa giải, hòa giải thương mại, Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế, Công ước Singapore.

1. Khái quát về hòa giải thương mại

Hòa giải được coi là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong xã hội. Theo từ điển luật học của Black, hòa giải là sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải, hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc giải quyết tranh chấp giữa họ. Việc giải quyết tranh chấp thông qua người trung gian hòa giải (Phan Trọng Đạt, 2020, tr.1).

Về khái niệm hòa giải thương mại, hiện tại pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của một số quốc gia trên thế giới thường chỉ đưa ra khái niệm về hòa giải nói chung mà không đưa ra định nghĩa cụ thể về hòa giải thương mại. Mặc dù, Luật Mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế chỉ là một khuyến nghị nhưng cũng đem lại những tiêu chuẩn chung để các quốc gia trên thế giới có thể thống nhất trong giải quyết tranh chấp thương mại. Luật Mẫu UNCITRAL định nghĩa, hòa giải là một quá trình, dù là hòa giải, trung gian hoặc hình thức tương tự, theo đó các bên yêu cầu một bên thứ ba (hòa giải viên) giúp họ đạt được một giải pháp hòa giải tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến một quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ pháp lý khác. Với cách định nghĩa này, Luật Mẫu đã thể hiện những bản chất cốt lõi của hòa giải là một quá trình có tính linh hoạt cao, được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên và có sự góp mặt, hướng dẫn của hòa giải viên. Hòa giải viên không có thẩm quyền áp đặt giải pháp đối với tranh chấp giữa các bên liên quan.

Theo Công ước Singapore về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải (gọi tắt là Công ước Singapore) quy định tại Điều 2 khoản 3, hòa giải là một thủ tục, bất kể tên gọi được sử dụng hoặc căn cứ mà thủ tục này được thực hiện, nhờ đó các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách thân thiện với sự hỗ trợ của bên thứ ba (hòa giải viên) không có thẩm quyền áp đặt giải pháp cho các bên tranh chấp. Cũng giống như Luật Mẫu, Công ước Singapore không đưa ra định nghĩa về hòa giải thương mại nói riêng mà chỉ đưa ra định nghĩa chung về hòa giải. Theo Công ước, hòa giải là bên thứ ba trung lập không được ra quyết định về tranh chấp hay áp đặt ý chí của mình đối với kết quả hòa giải, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bên tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp.

Theo Điều 3 khoản 1 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này. Qua đó có thể thấy định nghĩa về hòa giải thương mại theo pháp luật Việt Nam tương ứng với định nghĩa của Luật Mẫu UNCITRAL và Công ước Singapore. Hòa giải thương mại không phải một phương thức có tính chất bắt buộc, hay cưỡng chế đối với các bên. Các bên tự lựa chọn phương thức và hòa giải viên phù hợp để tiến hành giải quyết tranh chấp.

2. Pháp luật về hòa giải thương mại

Các quy định về hòa giải cũng như các quy định khác của Luật Mẫu UNCITRAL và Công ước Singapore đều cho thấy hòa giải thương mại là một hình thức hòa giải độc lập. Các bên tranh chấp hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn hòa giải độc lập để giải quyết tranh chấp mà không phải là hình thức giải quyết tranh chấp được kết hợp với trọng tài thương mại hay tòa án.

2.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Điều 1.1 Luật Mẫu UNCITRAL đã quy định Luật Mẫu chỉ áp dụng đối với hòa giải thương mại quốc tế và các thỏa thuận giải quyết quốc tế. Thay vì định nghĩa, Luật Mẫu đã cung cấp một danh sách không đầy đủ về các quan hệ thương mại, theo đó, thuật ngữ “thương mại” nên được giải thích rộng rãi để bao hàm các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ có tính chất thương mại, cho dù có hợp đồng thương mại hay không. Các quan hệ có bản chất thương mại bao gồm: bất kỳ giao dịch thương mại nào nhằm cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa/dịch vụ; thỏa thuận phân phối; cho thuê; xây dựng công trình; tư vấn; kỹ thuật; cấp phép; đầu tư; tài trợ; ngân hàng; bảo hiểm; thỏa thuận khai thác hoặc nhượng quyền khai thác; liên doanh và các hình thức hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh khác; và vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt hoặc đường bộ. Luật Mẫu cũng giải thích rằng, các quan hệ có bản chất thương mại không chỉ giới hạn trong những giao dịch nêu trên, mà còn có thể có giao dịch khác cũng được coi là quan hệ có bản chất thương mại.

Về Công ước Singapore không đề cập trực tiếp đến định nghĩa thương mại, nhưng quy định tại Điều 1 Công ước cũng xác định rõ ràng phạm vi áp dụng Công ước, Công ước áp dụng cho thỏa thuận hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại. Đồng thời, Công ước cũng đã loại trừ các trường hợp không áp dụng công ước như các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch do một bên (người tiêu dùng) thực hiện vì mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình; liên quan đến gia đình, thừa kế hoặc lao động. Ngoài ra, theo Điều 5.2, Công ước Singapore cho phép các quốc gia thi hành kết quả hòa giải từ chối trợ giúp nếu đối tượng của tranh chấp không được giải quyết bằng hòa giải theo pháp luật quốc gia đó. Ví dụ như tại Hàn Quốc, một số tranh chấp về sở hữu trí tuệ không giải quyết bằng hòa giải thì các cơ quan hỗ trợ thi hành kết quả hòa giải có quyền từ chối thực thi kết quả hòa giải (Nadja Alexander, Natasha Tunkel, 2021, p.8).

Đối với pháp luật Việt Nam, tại Điều 2 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã quy định các trường hợp mà các bên có thể sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp như tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Có thể hiểu phạm vi thẩm quyền của hòa giải thương mại không chỉ bao gồm các tranh chấp thương mại, mà còn có thể mở rộng ra các loại tranh chấp khác với điều kiện pháp luật chuyên ngành có quy định về việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại.

2.2. Trình tự, thủ tục giải quyết hòa giải thương mại

Về thủ tục hòa giải, Công ước Singpaore không quy định về trình tự, thủ tục hòa giải thương mại. Luật Mẫu UNCITRAL đã dành phần lớn quy định cho các vấn đề then chốt của thủ tục hòa giải từ các quy định về thủ tục hòa giải, lựa chọn hòa giải viên cho đến thủ tục chấm dứt và thi hành thỏa thuận hòa giải,... Theo Luật Mẫu UNCITRAL, hòa giải được coi là bắt đầu vào ngày các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận về việc tiến hành thủ tục hòa giải. Nếu bên đưa ra đề nghị hòa giải không nhận được trả lời đồng ý của bên kia trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi đề nghị hòa giải hoặc trong thời hạn khác được ghi rõ trong đề nghị thì có nghĩa là bên được đề nghị từ chối tiến hành hòa giải (Điều 5). Về hòa giải viên, Luật mẫu UNCITRAL quy định việc hòa giải được giải quyết bởi một hòa giải viên duy nhất, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các bên tranh chấp chỉ định hai hoặc nhiều hòa giải viên như các bên tranh chấp cần có kiến thức chuyên môn đặc biệt trong nhiều lĩnh vực nếu tranh chấp phức tạp; một hòa giải viên có thể không nắm được toàn bộ pháp luật, tập quán, ngôn ngữ hoặc văn hóa trong tranh chấp có nhiều giao dịch quốc tế được thực hiện; nhiều bên tranh chấp tham gia (UNCITRAL, 2021, p.15). Khi tiến hành hòa giải, các bên có quyền lựa chọn phương thức hòa giải, nếu các bên không lựa chọn được phương thức hòa giải thì hòa giải viên có thể tiến hành thủ tục hòa giải theo phương thức mà hòa giải viên cho là phù hợp (Điều 7). Để đưa ra những giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp giữa các bên, hòa giải viên có quyền gặp trực tiếp hoặc liên lạc với các bên tranh chấp một cách riêng rẽ hoặc cùng lúc (Điều 8).

Luật Mẫu UNCITRAL cũng đã đưa ra các trường hợp mà thủ tục hòa giải được coi là chấm dứt như (i) vào ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành; (ii) vào ngày hòa giải viên, sau khi tham khảo ý kiến của các bên, xác định rằng không cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực hòa giải nữa; (iii) vào ngày các bên tuyên bố với hòa giải viên việc chấm dứt thủ tục hòa giải; (iv) ngày một bên tuyên bố với bên hoặc các bên kia và với hòa giải viên, nếu có, việc chấm dứt thủ tục hòa giải (Điều 12).

Theo pháp luật Việt Nam, trình tự thủ tục hòa giải thương mại đã được quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Cũng giống như Luật Mẫu UNCITRAL, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định hòa giải viên thương mại sẽ do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố (Điều 12 khoản 1). Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận (Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP). Trong trường hợp này, hòa giải viên cũng chỉ là chủ thể đưa ra đề xuất về trình tự thủ tục hòa giải, cần xét đến hai yếu tố là tính phù hợp và nguyện vọng của các bên nhưng vẫn cần được sự chấp thuận của các bên tranh chấp. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả và tự quyết trong thủ tục hòa giải thương mại, cũng như các quy định tại Luật Mẫu UNCITRAL. Khi bắt đầu tiến hành hòa giải, hòa giải viên có thể yêu cầu mỗi bên gửi tới hòa giải viên bản trình bày ý kiến của mình về các vấn đề đang tranh chấp. Cũng giống như Luật Mẫu UNCITRAL quy định, pháp luật Việt Nam cũng quy định các bên tranh chấp, hòa giải viên và các bên tham gia vào thủ tục hòa giải phải giữ bí mật về mọi thông tin có được từ thủ tục hòa giải. Những quy định này hiện không được thể hiện trong Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (Lê Hương Giang, 2019, tr.106-126).

Theo Điều 17 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, thủ tục hòa giải chấm dứt do hai bên đạt được sự đồng thuận trong giải quyết tranh chấp thì việc chấm dứt hòa giải có thể do đề xuất của hòa giải viên hoặc một trong các bên trong chấp. Tuy nhiên đối với hòa giải viên khi đề xuất không tiếp tục hòa giải với cơ sở “xét thấy không cần thiết” thì Nghị định chưa quy định cụ thể thế nào là “cần thiết”.

2.3. Thực hiện kết quả hòa giải thương mại

Theo Luật Mẫu UNCITRAL đã quy định rằng nếu các bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thì thỏa thuận hòa giải thành đó có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và các bên buộc phải thi hành. Việc Luật Mẫu UNCITRAL quy định như trên đã tăng tính thi hành nhanh cho hòa giải và coi thỏa thuận này như một phán quyết trọng tài, đồng thời cũng nhằm mục đích tránh sự can thiệp của Tòa án vào việc xem xét nội dung của thỏa thuận hòa giải dẫn đến mất nhiều thời gian.

Công ước Singapore đã đưa ra hai nguyên tắc tạo thành nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên nhằm thi hành các thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và cho phép dựa vào thỏa thuận hòa giải để phản đối các yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết thông qua hòa giải tại Điều 3. Nguyên tắc này đã ràng buộc nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi nhận được yêu cầu trợ giúp phù hợp với các điều kiện của Công ước này phải cho thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải. Công ước cũng quy định việc sử dụng thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải là chứng cứ chứng minh tranh chấp đã được giải quyết trước đó. Công ước không sử dụng từ “công nhận” vì việc “công nhận” trao hiệu lực pháp lý cho một hành vi có tính chất công quyền của một quốc gia khác - như các quyết định của tòa án - hơn là thỏa thuận tư giữa các bên. Mặc dù tránh việc sử dụng từ “công nhận”, Điều 3.2 Công ước vẫn quy định rằng một tranh chấp đã giải quyết thông qua hòa giải sẽ không bị xét xử lại nữa (Đoàn Thanh Huyền, Nguyễn Thị Chính, Đỗ Thị Thu Trang, Dalma R Demeter, 2021, tr.17-18).

Đối với pháp luật Việt Nam, theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Đồng thời, văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 lần đầu tiên có quy định về công nhận thỏa thuận hoà giải ngoài tòa án cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng quan điểm thứ hai, đó là để thoả thuận hòa giải có giá trị thi hành bắt buộc, các bên phải yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành.

3. Kiến nghị đối với pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại

Sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP cùng với những quy định hướng dẫn và công nhận pháp lý của phương thức hòa giải thương mại tạo ra nhiều ưu điểm, có thể mong đợi hòa giải thương mại sẽ được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở Việt Nam giai đoạn sắp tới. Để có thể sử dụng hiệu quả phương thức giải quyết tranh chấp này, từ những phân tích trên, pháp luật Việt Nam cũng cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về hòa giải thương mại.

Thứ nhất, cần làm rõ thuật ngữ “cần thiết” tại Điều 17 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.

Theo những phân tích ở phần trên, thủ tục hòa giải có thể chấm dứt khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên. Tuy nhiên, đối với hòa giải viên khi đề xuất không tiếp tục hòa giải với cơ sở “xét thấy không cần thiết” thì Nghị định chưa quy định cụ thể thế nào là “cần thiết”. Hoặc đồng thời, pháp luật cần làm rõ các trường hợp sau khi tham khảo ý kiến các bên và nhận thấy không tiếp tục thực hiện hòa giải để chấm dứt hòa giải như các bên có xung đột trong quá trình giải quyết tranh chấp; vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp vượt quá khả năng và phạm vi thẩm quyền của hòa giải; một bên tranh chấp từ chối tham khảo ý kiến hay trao đổi với hòa giải; hòa giải viên đã liên hệ với các bên về giải pháp giải quyết tranh chấp mà không nhận được sự phản hồi của các bên.

Thứ hai, về vấn đề công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

Theo các điều kiện để công nhận kết quả hòa giải quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thì quy định mới chỉ đề cập đến các điều kiện về các bên tranh chấp mà không đề cập đến các điều kiện về hòa giải viên. Như vậy, nếu các bên đã đáp ứng các điều kiện như trên, trong trường hợp các bên lựa chọn một hòa giải viên thương mại không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì Tòa án có ra quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành. Ngay cả khi áp dụng thêm Điều 416 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và áp dụng quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để Tòa án có ra quyết định công nhận kết hòa giải hay không thì các quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại không còn nhiều ý nghĩa, bởi vì dù việc lựa chọn hòa giải viên thương mại đủ hay không đủ tiêu chuẩn thì kết quả hòa giải thành vẫn sẽ có thể được công nhận.

Thứ ba, về việc tham gia Công ước Singapore.

Công ước Singapore ra đời tăng tính bảo đảm và hiệu quả trong vấn đề công nhận, thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải, hay thỏa thuận mà các bên đạt được thông qua hòa giải sẽ trở nên ràng buộc và có hiệu lực thi hành tại các quốc gia thành viên theo thủ tục pháp lý đơn giản. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước Singapore, nhưng việc Công ước được triển khai ở các quốc gia là đối tác thương mại trong khu vực và trên toàn thế giới sẽ có tác động và góp phần thúc đẩy hoạt động hòa giải của Việt Nam. Để có thể tham gia vào Công ước này, Việt Nam cần điều chỉnh pháp luật của mình cho phù hợp với nội dung của Công ước Singapore. Ví dụ,  theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tòa án chỉ công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên, tổ chức hòa giải đăng ký hoạt động theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, mà chưa có quy định về việc công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên, tổ chức hòa giải ở nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam thực hiện.

4. Kết luận

Với nhiều lợi thế cũng như hiệu quả về mặt thời gian và chi phí, hòa giải thương mại đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu cho các bên lựa chọn khi có tranh chấp. Với hàng loạt các quy định và sự ra đời của Công ước Singapore về hòa giải thương mại, trong khuôn khổ thi hành giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế đã góp phần nâng cao hiệu quả của hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Xu hướng sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại ngày một tăng cùng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hoạt động hòa giải tại Việt Nam, khung pháp luật và chính sách của Việt Nam đối với hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại cần phải được hoàn thiện hơn như một số phân tích và gợi ý nêu trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Thanh Huyền, Nguyễn Thị Chính, Đỗ Thị Thu Trang, Dalma R Demeter (2021). Báo cáo đánh giá khả năng gia nhập Công ước Liên Hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của Việt Nam.
  2. Lê Hương Giang (2019). “Hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Luận án tiến sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
  3. Nadja Alexander & Natasha Tunkel. International Commercial Mediation and Dispute Resolution Contracts. [online] Available at: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3862986 [Accessed 12 August 2021].
  4. Chính phủ (2017). Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại.
  5. Nguyễn Hưng Quang (2019). “Hòa giải - Xu thế giải quyết tranh chấp thương mại trong thời kỳ hội nhập”, Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên.
  6. Phan Trọng Đạt (2020). Tổng quan về hòa giải thương mại tại Việt Nam <https://www.viac.vn/images/Resources/Legal-Research-and-Study/200722_Tong-quan-HGTM-tai-VN/Papers_Bao-cao-tong-quan-ve-Hoa-giai-thuong-mai-tai-Vietnam---6.2020.pdf.
  7. Phan Thị Thanh Thủy (2016). “Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải ở Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý cần quan tâm”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, tập 32, số 2.
  8. United Nations (2018). Công ước về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải.
  9. UNCITRAL (2002). Luật Mẫu về Hòa giải thương mại quốc tế.
  10. UNCITRAL (2018). Luật Mẫu về Hòa giải thương mại quốc tế và Thỏa thuận về thực thi kết quả hòa giải thương mại quốc tế.
  11. UNCITRAL (2021). Notes on Mediation.

Commercial mediation from the perspectives of international and Vietnamese regulations

Dang Thuong Hoai Linh

Thai Nguyen University of Information and Communication Technology

Abstrract:

Commercial mediation is a very popular dispute resolution method in the world, especially in developed economies. Along with negotiation and arbitration, commercial mediation is considered as one of the alternative dispute resolution methods and it is very popular with businessmen due to this method’s outstanding advantages over court proceedings. In order to promote the development of alternative dispute resolution methods in general and commercial mediation in particular in Vietnam, this paper analyzes international and Vietnamese legal regulations on commercial mediation, mediation procedures, and recognizing mediation result procedures. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve the effectiveness of Vietnam’s law.

Keywords: mediation, commercial mediation, UNCITRAL Model Law on International Commercial Mediation, Singapore Convention.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]