Tóm tắt:
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Đảng và Nhà nước đặt ra nhằm tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay cũng có những hạn chế nhất định. Bài viết tập trung phân tích những quy định pháp lý có liên quan về phát triển kinh tế số; một số khó khăn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế số; từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện ở giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: kinh tế số, hành lang pháp lý về kinh tế số.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, kinh tế số đang ngày càng phát triển. Việc tìm kiếm thông tin thị trường tiềm năng, giao dịch, buôn bán, chuyển khoản… ngày càng sôi động. Kinh tế số phát triển, mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến cá nhân trên môi trường số cũng phải được điều chỉnh bởi pháp luật. Chủ trương phát triển kinh tế số đã được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các quy định còn hạn chế và bất cập dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao, Do vậy, cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật về kinh tế số nhằm tạo môi trường minh bạch, tạo thuận lợi, thuận tiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các đối tượng có liên quan.
2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết dựa trên chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để làm cơ sở phân tích, đối chiếu thực tiễn, nhằm khẳng định tầm quan trọng của pháp luật về kinh tế số, phân tích tác động của pháp luật đối với phát triển kinh tế số. Ngoài ra, tác giả còn thu thập dữ liệu và thông tin có liên quan đến vấn đề nghiên cứu bằng cách dựa vào sự sẵn có của các kết quả nghiên cứu và tài liệu mới nhất ở dạng in hoặc điện tử, các báo cáo, bài nghiên cứu khoa học đã được công bố để tiến hành phân tích, so sánh, làm cơ sở đề xuất giải pháp hoàn thiện ở giai đoạn tiếp theo.
3. Thảo luận và kết quả
3.1. Khái niệm, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số và những quy định pháp luật có liên quan
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số và được thực hiện thông qua môi trường số (Bùi Quang Tuấn, Hà Ngọc Huy, 2022). Hay, kinh tế số là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng, diễn ra trên nền tảng số. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng (Tô Thành Trung, 2021).
Pháp luật về kinh tế số được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh tất cả các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, hành vi của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch và thực hiện hoạt động trên nền tảng mạng xã hội liên quan đến kinh tế số như quy định nội dung, quy trình ứng dụng công nghệ 4.0, quy định về bảo đảm an ninh, an toàn cho nền kinh tế số, quy định về vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch, hoạt động kinh tế số.
Vai trò kinh tế số đối với quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng
+ Đối với quốc gia: Kinh tế số tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế vì nó mở ra hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử…; nâng cấp các lĩnh vực cũ hoặc xóa bỏ các lĩnh vực và ngành, nghề đã lỗi thời, tạo việc làm mới, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa từ sản xuất đến phân phối và kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng bằng cách ứng dụng các tiện ích của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT),…
+ Đối với doanh nghiệp: Kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất cho doanh nghiệp. Hoạt động trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế rào cản gia nhập thị trường thấp so với nền kinh tế thực để mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, kết nối khách hàng, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, từ đó, giúp doanh nghiệp dễ dàng thay đổi chiến lược quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh.
+ Đối với người tiêu dùng: Kinh tế số tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng nhiều cơ hội để lựa chọn sản phẩm với giá thành cạnh tranh; mua hàng mọi lúc mọi nơi nhờ ứng dụng công nghệ số, tiết kiệm chi phí và thời gian mua hàng. Thuận tiện cho việc thanh toán không cần dùng tiền mặt…
Mặc dù vậy, phát triển kinh tế số cũng có những mặt hạn chế nhất định như gia tăng sự bất bình đẳng trong việc làm và thu nhập. Người lao động có thể bị thất nghiệp do chưa thích nghi kịp hoặc bị thay thế bởi máy móc. Hay, sự phát triển không ngừng của công nghệ số tạo môi trường thuận lợi cho độc quyền và thất thoát trong truy thu thuế hay tội phạm, tin giả qua môi trường mạng ngày càng tăng.
Tóm lại, để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, khắc phục những khuyết tật phát sinh trong nền kinh tế số, việc hoàn thiện quy định pháp lý về kinh tế số, những vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng là rất cần thiết hiện nay.
Quy định pháp luật có liên quan đến phát triển kinh tế số
Từ năm 2005, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến lĩnh vực kinh tế trên môi trường điện tử, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tiến trình chuyển đổi số như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022; Luật Giao dịch điện tử năm 2023; Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023…
Để kiểm soát tốt hơn hoạt động giao dịch điện tử tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, cung cấp dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet cũng được quy định chi tiết, điển hình như Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 về thương mại điện tử. Nghị định này đánh dấu sự đổi mới về quan điểm quản lý nhà nước đối với một hình thức kinh doanh hiện đại, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử. ngoài ra, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Không những vậy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể có liên quan bằng Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nội dung của Nghị định phù hợp với quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như quy định về các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân; trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi vi phạm quy định về dữ liệu cá nhân...
Hơn thế nữa, quy định pháp lý với các mức xử phạt khác nhau khi chủ thể vi phạm giao dịch trên môi trường điện tử ngày càng mang tính răn đe hơn như Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Từ những quy định pháp lý trên cho thấy, khung pháp lý về kinh tế số của Việt Nam tương đối đầy đủ, làm nền tảng thúc đẩy cho hoạt động kinh tế số phát triển một cách bền vững, cơ quan quản lý nhà nước đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan.
3.2. Một số thách thức đối với hành lang pháp lý về thúc đẩy kinh tế số
Số lượng người sử dụng Internet, các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam ngày càng tăng (79,1% dân số sử dụng Internet; 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội) (Nghĩa Lê, 2024). Đồng thời, kinh tế số ở một số lĩnh vực tăng đáng kể (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), lĩnh vực tăng mạnh như thương mại điện tử, du lịch, hoạt động kinh doanh, thanh toán số (Minh Duyên, 2024)…
Bên cạnh những mặt đạt được, hành lang pháp lý phát triển kinh tế số còn có những khó khăn, thách thức nhất định. Cụ thể:
Trong các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ngoại trừ chính phủ điện tử và viễn thông, các nội dung có liên quan đến kinh tế số còn rất chung chung, chưa cụ thể như (Bùi Quang Tuấn, Hà Ngọc Huy, 2022): đặc điểm của kinh tế số Việt Nam là gì?, Việt Nam đang có thành phần kinh tế số nào nổi trội và thành phần kinh tế số nào cần phát triển, làm thế nào để đo lường được kinh tế số và các tiêu chí có liên quan. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2020, các thành phần kinh tế số dù đã được nêu rõ hơn nhưng vẫn chưa cụ thể để sửa khung pháp lý và xây dựng chính sách hỗ trợ.
Phát triển kinh tế số có liên quan đến khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cởi mở trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, quy định pháp luật về bảo hộ tài sản trí tuệ có liên quan đến tài sản số chưa hoàn thiện: Hành lang pháp lý về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023; Nghị định số 65/2023/NĐ-CP; trong các văn bản đã nêu không có giải thích cụm từ “tài sản số”, dữ liệu có phải là tài sản số hay không, các mối quan hệ dân sự và khai thác dữ liệu khi số hóa được quy định như thế nào.
Quy định pháp luật về hợp đồng điện tử, chữ ký số, chứng từ điện tử, chứng cứ điện tử… nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Bộ luật Dân sự năm 2015, gây khó khăn cho các hoạt động thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, khả năng nắm bắt pháp luật của người dân còn hạn chế so với nhu cầu về giao dịch điện tử.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc nhóm hàng đầu thế giới và có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động (Anh Thơ, 2024). Việc đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân là vấn đề hầu hết cá nhân, tổ chức đều mong muốn hướng tới. Tuy nhiên, có duy nhất Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ ban hành về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu. Hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh lĩnh vực này.
3.3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về kinh tế số
Một là, các cấp, các ngành sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP và đến năm 2045, Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP - đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hai là, sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia bất kỳ hoạt động có liên quan đến kinh tế số. Hạn chế thấp nhất tình trạng thu thập, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân công khai trên một số diễn đàn, hội nhóm không gian mạng. Đặc biệt, có Luật Bảo vệ dữ liệu sẽ có thị trường định giá dữ liệu, nguồn dữ liệu này được tính toán cụ thể và chính xác giá trị thặng dư do công nghệ số đóng góp vào nền kinh tế là bao nhiêu. Từ đó, góp phần tạo động lực hơn nữa về phát triển kinh tế số.
Ba là, luật hóa một số vấn đề mới phát sinh trong tiến trình phát triển kinh tế số, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, tài sản ảo có giá trị trên không gian mạng... Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định trách nhiệm pháp lý đủ mạnh để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tạo cơ chế liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học nhằm tạo nên hệ sinh thái mới trong phát triển kinh tế số, nhất là đào tạo nguồn nhân chất lượng cao có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, có khả năng làm việc đọc lập, có kỹ năng vận hành trong nền kinh tế số.
Bốn là, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh tế số phù hợp với thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm trong hoạt động kinh tế số. Rà soát tất cả văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh tế tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Nhất là những quy định có liên quan đến giải quyết tranh chấp phát sinh từ giao dịch, hoạt động chuyển đổi số nền kinh tế. Xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai cơ chế thí điểm kinh tế số ở một số tỉnh thành có hạ tầng số và nguồn nhân lực số tương đối đáp ứng chuẩn.
Năm là, đổi mới hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chủ trương, chính sách và các quy định pháp lý về phát triển kinh tế số. Củng cố niềm tin của người dùng trên nền tảng số về các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng. Đa dạng hóa các hình thức công bố công khai các quy định pháp lý về phát triển kinh tế số, cổng dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính công toàn trình hoặc một phần để doanh nghiệp nắm và thực hiện.
4. Kết luận
Có thể khẳng định, hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế số là giải pháp tối ưu nhằm sớm thực hiện thành công khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn bộ từ doanh nghiệp đến người dân. Sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; luật hóa một số vấn đề mới phát sinh trong tiến trình phát triển kinh tế số; Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến kinh tế số; và cần tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của phát triển kinh tế số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Anh Thơ (2024). Việt Nam có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/viet-nam-co-hon-32-trieu-vi-dien-tu-dang-hoat-dong-102240528173222964.htm.
2. Bùi Quang Tuấn, Hà Ngọc Huy (2022). Chuyển đổi số, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.271, tr.286-297.
3. Chính phủ (2023). Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
4. Chính phủ (2023). Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, T.1, tr. 37.
6. Nghĩa Lê (2024). Tác động của truyền thông số và mạng xã hội đối với xã hội Việt Nam. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tac-dong-cua-truyen-thong-so-va-mang-xa-hoi-doi-voi-xa-hoi-viet-nam-666204.html.
7. Tô Thành Trung (2021). Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.12.
8. Minh Duyên (2024). Chuyển đổi số: Con đường đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Truy cập tại https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-con-duong-dua-viet-nam-but-pha-trong-ky-nguyen-moi-post982316.vnp.
Strengthening the legal framework for Vietnam’s digital economy: Current challenges and solutions
Nguyen Thi Kim Nhung
Faculty of State and Law, Can Tho City School of Politics
Abstract
Establishing a comprehensive legal framework for the digital economy is a strategic priority identified by the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam to promote sustainable economic growth and enhance national competitiveness amid deepening global integration and the Fourth Industrial Revolution. However, the current legal infrastructure governing digital transformation in Vietnam still faces notable limitations. This study examines the Party’s perspectives on developing the legal framework for the digital economy, identifies existing challenges in its implementation, and proposes targeted solutions to strengthen the legal environment for digital economic development in the coming period.
Keywords: digital economy, legal corridor on digital economy.