Học Bác để trở thành phiên bản tốt nhất của mình

Tạp chí Công Thương vinh dự được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen do “Có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023”.

Biến quyết tâm thành hành động

Ngày 18/5/2023, Đảng Ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghi sơ kết thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chi bộ Tạp chí Công Thương vinh dự là một trong 50 chi bộ được tặng Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương vì “Có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023”.

Bác Hồ
Đồng chí Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trao bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho chi bộ Tạp chí Công Thương 

Thực hành việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong các mặt công tác đã giúp từng thành viên của Tạp chí Công Thương trở thành phiên bản tốt nhất của mình, ngay cả trong giai đoạn rất đặc biệt 2021-2022 vì phải vừa làm, vừa cải tổ, vừa tự đào tạo để thích ứng với yêu cầu mới.

Cũng như nhiều đơn vị báo chí trong và ngoài ngành Công Thương, giai đoạn 2020-2022, Tạp chí Công Thương vấp phải hai vấn đề lớn, đó là tình hình dịch bệnh kéo dài và sự cạnh tranh thông tin gay gắt giữa các loại hình báo chí và các mạng xã hội.

Chi ủy, Chi bộ Tạp chí Công Thương đã có nhiều cuộc họp mở rộng với đội ngũ cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ phóng viên người lao động của Tạp chí để nhận định rõ tình hình và tìm giải pháp khắc phục khó khăn. Chi ủy và Chi bộ Tạp chí Công Thương đã thống nhất nhiều nội dung, trong đó nội dung quan trọng nhất là tìm ra mô hình truyền thông vừa có tính cạnh tranh cao vừa đáp ứng  đúng tôn chỉ mục đính của Tạp chí.

Sau khi nghiên cứu các xu hướng và mô hình phát triển báo chí trên thế giới, Tạp chí Công thương đã lựa chọn mô hình Báo chí chậm  mà các cơ quan báo chí, truyền thông lâu đời như tạp chí Bloomberg Businessweek, The Economist,… đã và đang thực hiện. Báo chí chậm là một xu hướng với  phương châm “chậm lại, thông minh lên”và “ưu tiên chất lượng thông tin hơn tốc độ truyền tải tin tức”. Xu hướng này đặc biệt phù hợp với các đơn vị báo chí hoạt động chuyên biệt trong một lĩnh vực nhất định, số lượng phóng viên không nhiều như Tạp chí Công Thương.

Tập thể Tạp chí Công Thương
Tập thể Tạp chí Công Thương

Chủ trương “báo chí chậm” đã nhận được sự thống nhất rất cao, nhưng làm sao biến quyết tâm toà soạn thành quyết tâm của toàn thể đội ngũ phóng viên, biên tập viên? Tạp chí Công Thương đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Chủ trương một, Biện pháp mười, Quyết tâm hai mươi”. Đây cũng là cảm hứng, động lực cho cấp ủy Tạp chí Công Thương chỉ đạo xây dựng một đề án cải cách toàn bộ các hoạt động truyền thông của Tạp chí. Trong đó có 2 nội dung nổi bật:

- Xây dựng chuyên mục Chuyên đề trên Tạp chí điện tử (trước đây chỉ có trên Tạp chí Giấy). Mỗi Chuyên đề có dung lượng từ 4-8 bài xoay quanh những vấn đề kinh tế lớn của ngành, tần suất là  2 tuần /1 chuyên đề. Cho tới nay chuyên mục này có lượng truy cập cao nhất Tạp chí.

- Tạp chí đã mạnh dạn đầu tư trường quay phục vụ cho chuyên mục Tọa đàm Góc nhìn chuyên gia. Mục tiêu của hoạt động này nhằm đưa Tạp chí Công Thương thành đơn vị truyền thông chính sách hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế. Việc tổ chức tọa đàm thì nhiều đơn vị báo chí đã  thực hiện, nhưng sự khác biệt là Tạp chí  Công Thương đầu tư vào khâu nội dung rất kỹ lưỡng. Vì vậy độ lan toả thông tin của các toạ đàm rất cao.

toa dam tai tap chi congthuong
Các Chương trình Tọa đàm trường quay của Tạp chí Công Thương đã chuyển tải thông tin nhanh hơn, đa dạng hơn đến các nhà quản lý, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc những quyết sách điều hành của Bộ Công Thương

Để thực hiện hai nội dung trên Tạp chí đã phải đầu tư lại toàn bộ phần mềm quản trị Tạp chí điện tử  trong đó ưu tiên các chuyên mục như eMagazine, Infographic, Longform,…  xây dựng trường quay, đào tạo lại đội ngũ phóng viên, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, tổ chức mạng lưới truyền thông là phóng viên các báo đài; bố trí kinh phí để duy trì các hoạt động… Đây là điều kiện thuận lợi để Tạp chí Công Thương đã chuyển tải thông tin nhanh hơn, đa dạng hơn đến các nhà quản lý, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc những quyết sách điều hành của Bộ Công Thương.

Đồng thời, Tạp chí cũng là kênh thông tin thiết thực phản ánh kịp thời những trăn trở, vướng mắc và mong muốn của các nhà quản lý, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo Bộ Công Thương, cũng như các cơ quan chức năng, góp phần phục vụ công tác điều hành của Bộ Công Thương. Đây cũng là sự thể hiện cam kết vững chắc với bạn đọc trong kế thừa truyền thống và giá trị cốt lõi của Tạp chí Công Thương: Thông tin chuẩn xác - Phân tích thấu đáo - Góc nhìn đa chiều.

Thực hành phong cách làm việc khoa học của Bác

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chi bộ Tạp chí Công Thương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Thực hành phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, rút ra 5 bài học: Thứ nhất, làm việc phải có mục đích, kế hoạch rõ ràng, thiết thực; chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát tình hình thực tế, có trọng tâm, trọng điểm; Thứ hai, khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng; Thứ ba, biết quý trọng thời gian, biết giờ nào việc nấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất; Thứ tư, làm việc phải đi sâu, đi sát, đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc hợp lý; Thứ năm, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và rút ra kinh nghiệm.

Lễ kết nạp Đảng viên Tạp chí Công Thương
Lễ kết nạp Đảng viên mới của Chi bộ Tạp chí Công Thương

Khi Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ra Nghị quyết số 11-NQ/BCSĐ giao Tạp chí Công Thương chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng Phòng Truyền thống ngành Công Thương và biên soạn Bộ sách lịch sử ngành Công Thương, Chi ủy Tạp chí đã xây dựng một Chương trình thực hiện khoa học với lộ trình thời gian cụ thể, phân công cho các đồng chí trong cấp ủy chỉ đạo, giám  sát thực hiện.

Thực tế thực hiện 2 nhiệm vụ đã chứng minh, việc xây dựng một Chương trình cụ thể khoa học là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, ngành Công Thương là một ngành kinh tế lớn, bao quát nhiều lĩnh vực trong xã hội. Bộ quản lý Ngành lại qua nhiều lần tách nhập. Có những thời điểm có tới 8 bộ và 4 tổng cục quản lý Ngành, vì vậy nếu không có một Chương trình cụ thể, khoa học sẽ không thể bao quát hết được nội dung công việc. Nhất là, sau hơn 70 năm, nhiều tài liệu, hiện vật bị phân tán, thất lạc; nhiều câu chuyện giá trị được lưu giữ trong ký ức của những chứng nhân lịch sử, bị mai một theo quy luật của thời gian.

phong truyen thong
Hình ảnh tại Lễ khánh thành Phòng Truyền thống ngành Công Thương ngày 17/6/2022

Thực hành việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong các mặt công tác đã giúp từng thành viên của Tạp chí Công Thương trở thành phiên bản tốt nhất của mình, ngay cả trong giai đoạn rất đặc biệt 2021-2022 vì phải vừa làm, vừa cải tổ, vừa tự đào tạo để thích ứng với yêu cầu mới. Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương tặng cho Chi bộ Tạp chí Công Thương vừa cột mốc đánh dấu sự thành công, đúng hướng của Tạp chí trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn