Hợp tác Việt Nam - Pháp hướng tới chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững

Ngày 04/12/2023, tại Thủ đô Paris, Pháp đã diễn ra chương trình Tọa đàm Hợp tác Pháp - Việt với chủ đề "Tầm nhìn và chính sách của Việt Nam về phát triển bền vững".

Tọa đàm nằm trong chương trình Diễn đàn Đông Nam Á do Thượng viện Pháp chủ trì, phối hợp với Business France tổ chức dưới sự bảo trợ của Chủ tịch thượng viện Pháp, ông Gérard Larcher.

Tọa đàm do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên chủ trì. Cùng tham dự Tọa đàm có ông Didier Boulogne, Giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Pháp; ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, lãnh đạo đại diện các cơ quan chủ chốt của Bộ Công Thương cùng gần 100 doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.

Tọa đàm Hợp tác Pháp - Việt
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên chủ trì Tọa đàm Hợp tác Pháp - Việt với chủ đề "Tầm nhìn và chính sách của Việt Nam về phát triển bền vững"

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sự kiện được xem như nhịp cầu kết nối và củng cố hợp tác ASEAN và EU - hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới, để cùng nhau ứng phó với những vấn đề đặt ra cho thế giới hiện nay, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ được thiết lập từ 45 năm nay.

Tại phiên thảo luận với chủ đề Hợp tác Pháp - Việt hướng tới chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như "huyết mạch" của kinh tế thế giới.

Trong xu hướng điều chỉnh, chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để hợp tác phát triển đa dạng lĩnh vực với chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, tình hình chính trị xã hội ổn định và đặc biệt là sở hữu nhiều cảng biển quốc tế lớn, là cửa ngõ hành lang giao thương quan trọng trong khu vực và mang tầm quốc tế.

Tọa đàm Hợp tác Pháp - Việt
Toàn cảnh Toạ đàm Hợp tác Pháp - Việt với chủ đề "Tầm nhìn và chính sách của Việt Nam về phát triển bền vững"

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc nhóm top 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Hiện nay, Việt Nam thuộc top 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ông Vũ Bá Phú khẳng định với vị thế địa chính trị ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang là mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà các đối tác quốc tế đang tìm kiếm. Nền tảng mối quan hệ chính trị và ngoại giao bền vững giữa hai nước cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế là tiền đề góp phần xây dựng quan hệ đối tác Việt Nam - Pháp trong nhiều lĩnh vực.

Tọa đàm Hợp tác Pháp - Việt
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, Diễn đàn Đông Nam Á được xem như nhịp cầu kết nối và củng cố hợp tác ASEAN và EU - hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới, để cùng nhau ứng phó với những vấn đề đặt ra cho thế giới hiện nay, đồng thời tiếp tục phát triển mối quan hệ được thiết lập từ 45 năm nay

Song song với chương trình Diễn đàn đã diễn ra các phiên giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Pháp và ASEAN. Thông qua các cuộc giao thương, trao đổi, doanh nghiệp hai bên đã tìm kiếm được các cơ hội hợp tác đầu tư liên quan đến các lĩnh vực như nông nghiệp hữu cơ, hóa mỹ phẩm, may mặc… Các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với các đối tác nước ngoài như JW Corp, In Spirit Design, Lyseo…

Huyền My