Hun đúc tinh thần “tôi luyện nên chất thép” vượt qua cơ chế CBAM

Trên hết và trước hết, Tập đoàn tiếp tục hun đúc và lan toả tinh thần “bền bỉ tôi luyện nên chất thép” cho Hoà Phát phát triển bền vững, ngày càng thêm xanh trong một hành tinh xanh.
cơ chế CBAM
Thép Hòa Phát Dung Quất sản xuất thành công mác thép làm tanh lốp ô tô

Chọn lối không dễ đi

Vượt qua cơ chế CBAM không dễ. Năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát tài trợ sản xuất MV (viết tắt của Music Video, có nghĩa là clip âm nhạc, để chỉ một dạng phim ngắn hợp nhất bài hát và hình ảnh) với mong muốn thông qua câu chuyện “30 năm bền bỉ tôi luyện chất thép” của mình, để truyền cảm hứng tới giới trẻ về tinh thần nỗ lực không ngừng, bền bỉ tiến bước, không ngại làm sai làm lại, để một ngày thành công sẽ tự đến, sẽ tự ghi dấu ấn của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn tự tin đủ chuẩn bước ra thế giới.

MV là câu chuyện lan tỏa tinh thần “7 lần vấp ngã, 8 lần đứng lên”, “gian nan thử thách thì ta luồn lách qua gian nan” để một ngày “vinh quang sẽ xướng tên”. Lời bài hát lôi cuốn với ngôn ngữ và tinh thần của giới trẻ, “chắc chắn con đường đi còn rất dài” nhưng “ta cứ đi”, “nếu lo xa hay sợ thất bại, làm sao để biết ta là ai”.

Không chỉ là câu chuyện trong MV, trên thực tế, lãnh đạo Tập đoàn dành nhiều công sức hun đúc tinh thần “bền bỉ tôi luyện nên chất thép” đến toàn bộ 30.000 thành viên đại gia đình Hoà Phát.

30 năm qua, Hòa Phát liên tục đổi mới để tạo ra đa dạng sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Hòa Phát không chọn lối dễ đi, mà chọn làm sản xuất công nghiệp là ngành nhiều vất vả, phải đổ mồ hôi thực sự mới tạo ra thành phẩm. Với sản lượng 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát ghi tên Việt Nam lên bản đồ thép thế giới bằng công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm thép của Hòa Phát có sức cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới.

Quả thực, sản xuất thép không phải là chọn lối dễ đi. Mấy năm gần đây, thị trường thép biến động không ngừng, làm cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn này thay đổi để ứng phó liên tục.

Mới đây nhất, một quy chế của Liên minh châu Âu (EU) có thể nói đã thay đổi căn bản cách thức sản xuất thép ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đó là Cơ chế CBAM (điều chỉnh biên giới carbon). Theo đó, EU sẽ ban hành chính sách thuế nhập khẩu dựa trên vết carbon (carbon footprint) của sản phẩm trong quá trình sản xuất. Vết carbon của mỗi sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) được tính bằng tổng lượng phát thải sản sinh ra trong tất cả các giai đoạn sản xuất của sản phẩm đó.

Điều đáng quan tâm hơn, cái gọi là “vết carbon” của cơ chế CBAM có nội hàm rất rộng, liên quan tới toàn bộ hoạt động phát thải của doanh nghiệp.  Ngoài lượng phát thải trực tiếp, việc tính toán lượng phát thải liên quan (tổng lượng phát thải khí nhà kính cần thiết để sản xuất một sản phẩm) của các sản phẩm trong phạm vi CBAM cũng phải đưa vào “phát thải gián tiếp” (lượng phát thải điện được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm trong phạm vi).

Cập nhật thông tin cơ chế CBAM

Mặc dù vậy, ngay từ đầu chọn lối không dễ đi, Hoà Phát đã nhiều lần trải qua những biến cố về nhu cầu thị trường, về nguồn cung, về phòng vệ thương mại… nên CBAM cũng sẽ tiếp tục là một sự kiện để mọi thành viên “tôi luyện nên chất thép” và ứng phó một cách linh hoạt, có hiệu quả. Hoà Phát đã chủ động tìm hiểu thông tin về CBAM và các quy định về phát thải, mở rộng mạng lưới thông qua tham gia các cơ chế hợp tác có liên quan trong Hiệp định EVFTA; tìm hiểu từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong quá trình kê khai thông tin, làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá sang EU.

Tháng 5/2023, Ban Pháp chế Tập đoàn vừa tổ chức Chương trình đào tạo nội bộ - Ứng phó biến đổi khí hậu trong ngành thép, với sự tham gia của Tổng giám đốc Tập đoàn, Ban giám đốc các công ty thành viên và các phòng ban liên quan như phòng xuất khẩu, vật tư, công nghệ, an toàn môi trường và online qua team.

Cơ chế CBAM là hành lang pháp lý mới, đã được ban hành và đang dần hoàn thiện, bắt buộc tuân thủ, tác động đến hầu hết các công ty thành viên trong Tập đoàn, nhất là khối sản xuất thép. Đặc biệt, từ tháng 10/2023, thông qua cơ chế CBAM hàng nhập khẩu vào EU phải kê khai phát thải các bon và năm 2026 đưa vào áp dụng bắt buộc trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất.

Học viên đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về lĩnh vực này với những nội dung quan trọng như: Các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và khung pháp lý của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, có những vấn đề vĩ mô mà học viên quan tâm là các kết quả của Hội nghị COP26, Luật Bảo vệ môi trường 2020, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu…

Các học viên cũng được nghe giới thiệu về xu thế toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế, chính sách của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng”; Hiện trạng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, tác động và giải pháp hạn chế tác động đến ngành thép. Qua đó, học viên đã hiểu rõ hơn vai trò của Cơ chế định giá các-bon trong giảm phát thải khí nhà kính; Cơ chế CBAM và lộ trình áp dụng.

Hiện nay, Hòa Phát đã áp dụng hệ thống ERP tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất có thể kiểm soát nguyên liệu từ đầu vào đến đầu ra với các chỉ số đo cụ thể, có thể trích xuất báo cáo bất cứ lúc nào theo thời gian thực. Ngoài ra, Hòa Phát sẽ triển khai nhiều cải tiến trong sản xuất như thay thế một phần nguyên liệu than bằng hyđrô để giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các quy định của Nhà nước và quốc tế về vấn đề này.

Việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ góp phần hạn chế sự nóng lên của toàn cầu. Là một Tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn, Hòa Phát tích cực cập nhật các thông tin mới để chủ động thích ứng với các thay đổi của chính sách.

Sau buổi đào tạo này, Hòa Phát sẽ tổ chức nhiều lớp đào tạo để các chuyên gia chia sẻ, cập nhật các thông tin mới nhất đến phát thải khí nhà kính cho CBNV có thể nắm bắt kịp thời.

Sản xuất xanh hơn

Sự chủ động của Tập đoàn đã chuyển động đến các đơn vị thành viên. Tháng 8/2023, Thép Hòa Phát Dung Quất đã quyết định thành lập Ban nghiên cứu, triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số. Đến nay, Thép Hòa Phát Dung Quất đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và go-live thành công nhiều dự án phần mềm, ứng dụng. Tích hợp các nền tảng khoa học công nghệ như AI, điện toán đám mây, bảo mật đa phương thức… vào đào tạo, vận hành và quản trị doanh nghiệp để hướng đến doanh nghiệp thông minh toàn diện như: Phần mềm SAP ERP, hệ thống 360 view, hệ thống quản lý nguồn năng lượng – EMS…

Thép Hòa Phát Dung Quất còn phối hợp cùng các đơn vị tư vấn tổ chức nhiều buổi đào tạo nhận thức về các quy trình ISO như: ISO 14064, ISO 14067…tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ giảm thải carbon. Đặc biệt, là việc thực hiện nghiêm túc các quy định khai báo phát thải carbon theo hướng dẫn CBAM cho các nhà nhập khẩu thép vào EU.

Là nhà sản xuất thép lớn trong khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh. Hòa Phát sử dụng các công nghệ hiện đại với công nghệ tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, như sử dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng tại các nhà máy ở Hải Dương và Dung Quất. Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, Hòa Phát chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất.

Năm 2022, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt trên 2,42 tỷ kWh. Qua đó giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 75% lượng điện năng cho sản xuất. Nếu tính theo giá điện sản xuất hiện hành, sản lượng này tương đương khoảng 3.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương. Ngoài tận dụng tất cả nguồn nhiệt dư để phát điện, Hòa Phát đang triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng diện tích mái nhà xưởng của doanh nghiệp.

Với quy mô công suất thép Hòa Phát đạt 8,5 triệu tấn thép thô/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát có hệ sinh thái các sản phẩm thép đa dạng. Chuỗi giá trị các sản phẩm thép chất lượng cao của Hòa Phát gồm có: thép cuộn cán nóng  (HRC), ống thép, tôn mạ, vỏ container; Thép chất lượng cao làm thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô, dây thép rút, lõi que hàn, thép làm bu lông, ốc vít. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp các loại thép tấm phục vụ công nghiệp đóng tàu, thép kết cấu…; phôi thép và thép xây dựng.

Hội thảo và triển lãm Công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh vào tháng 9 vừa qua, Trưởng ban Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Nguyễn Quảng Lộc đã thay mặt Tập đoàn giới thiệu định hướng đầu tư phát triển thép xanh của Tập đoàn.

Cụ thể, Hòa Phát sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép kết cấu,… Đây cũng là các hướng phát triển sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án sau này.

Đồng thời, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa cac-bon vào năm 2050.

Cụ thể, hiện Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho CBCNV Công ty theo NĐ06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng,  CBAM; sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT). Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ô tô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2,….

Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa các-bon. Một số giải pháp đã được tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp DRI; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.

Những kế hoạch trên là nền tảng để Hoà Phát sẵn sàng tiếp nhận hài hoà những định chế trong CBAM. Nhưng trên hết và trước hết, Tập đoàn tiếp tục hun đúc và lan toả tinh thần “bền bỉ tôi luyện nên chất thép” cho Hoà Phát phát triển bền vững, ngày càng thêm xanh trong một hành tinh xanh.

Ngô Minh