Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương): Đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội

Sau 8 năm thành lập (2014-2022), đến với huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) hôm nay có thể thấy rõ những đổi thay tích cực, đột phá mới trên khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đổi thay tích cực từ xây dựng nông thôn mới

Trong giai đoạn 2020-2025, một trong những nhiệm vụ then chốt của huyện đề ra đó là tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo nền tảng để xây dựng huyện Bắc Tân Uyên ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bắc Tân Uyên

Diện mạo huyện Bắc Tân Uyên ngày càng khởi sắc

Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tất cả 08/08 xã của huyện đều đạt và giữ vững 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Riêng đối với Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của Tỉnh theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 thì đến nay huyện có 07/08 xã đạt 19/19 tiêu chí.

Bắc Tân Uyên
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ

 

Huyện Bắc Tân Uyên

Trường THPT Lê Lợi huyện Bắc tân Uyên được đầu tư khang trang

Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp bảo trì thường xuyên, đã khởi công mới 11 công trình cấp huyện, 2 công trình sửa chữa nâng cấp do tỉnh đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 công trình. Về cơ sở vật chất văn hóa, đến nay toàn huyện có 8/8 xã có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng đạt chuẩn, 43/43 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn theo quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao và vui chơi giải trí cho nhân dân trên địa bàn...

Trên cơ sở đó, huyện đã đã hoàn thiện báo cáo và các hồ sơ, thủ tục theo ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Trung ương và đã chuyển Ban Chỉ đạo tỉnh để trình Trung ương xem xét công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế

Sau 6 tháng đầu năm 2022, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Tân Uyên  khả quan hơn so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước thực hiện đạt 1.298 tỷ đồng, tăng 4,34% so với cùng kỳ và đạt 47,46% kế hoạch năm, trong đó: ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng là 77,92% và ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng là 22,08%.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, mặc dù phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến động tăng giá cả của các loại vật tư, nguyên nhiên liệu, tuy nhiên tình hình sản xuất công nghiệp của huyện vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện được 2.721 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ và đạt 51,58% kế hoạch năm. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư trong nước là 1584 tỷ đồng (tăng 12,66%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 1137 tỷ đồng (tăng 12,46%).

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ của huyện Bắc Tân Uyên cũng có nhiều điểm sáng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ là 2.474 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ và đạt 51,58% kế hoạch năm. Tại các chợ trên địa bàn huyện, lượng hàng hoá tương đối phong phú, đa dạng, chất lượng hàng hoá đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân. Triển khai và thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển các nông sản, thực phẩm có thế mạnh ở địa phương như cao su, cây ăn trái, các sản phẩm thịt, sữa, trứng gia cầm... hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với đặc thù nông nghiệp của địa phương.

Bắc Tân Uyên

Cây trái có múi đóng góp quan trọng để nông nghiệp ứng dụng CNC huyện Bắc Tân Uyên phát triển

Theo đó, Huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển cây giống, con giống; chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Phát triển thêm diện tích cây ăn trái có múi trên địa bàn các xã ven sông Đồng Nai và Sông Bé; phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025 tăng từ 30-50% diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ so với giai đoạn trước đó; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 3,7% - 4,7% /năm; hình thành các khu vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở các vùng không giáp Sông Đồng NaiSông Bé.

Nhằm phục vụ tốt mục tiêu phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, Huyện tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ cho việc vận chuyển, cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm; kiên cố hóa các kênh mương, hồ chứa nước, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới phục vụ nhu cầu sản xuất; xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các trang trại, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Trong thời gian tới, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đổi mới chính sách, thu hút đầu tư, đổi mới phát triển các hình thức sản xuất, các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh Nhãn hiệu tập thể cam, quýt, bưởi và các sản phẩm chủ lực của huyện; phát triển các cây trồng có lợi thế của huyện gắn với thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện. Xây dựng các mô hình liên kết, các kênh thông tin và dự báo thị trường nông sản cho các sản phẩm chủ lực.

Đồng thời huyện cũng khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ các lĩnh vực như: chế biến phân bón, sản xuất bao bì, vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thu hút, hình thành các doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo quản nông sản.

Cảnh Hưng