Huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ. Nậm Pồ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa khô (vào mùa Đông) và mùa mưa (vào mùa hè), phù hợp với phát triển cây công nghiệp như mắc ca. Hệ thống thủy văn của huyện thuộc phụ lưu vực Sông Đà, có hệ thống khe, suối chằng chịt độ dốc cao, lưu vực ngắn đổ chủ yếu vào bốn dòng suối chính là: suối Nậm Pồ, Nậm Chim, Nậm Bai. Đây là nguồn nước mặn cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong huyện cũng là tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ.
Nậm Pồ có dân số hơn 43 nghìn người có 8 thành phần dân tộc gồm Mông, Thái, Dao, Kinh, Khơ Mú và dân tộc Hoa, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất là 69,18%. Các dân tộc ở huyện Nậm Pồ có những nét văn hóa đặc trưng của khu vực tây Bắc với nền văn hóa đa dạng với nhiều ngôn ngữ và phong tục tập quán khác nhau....
Tình hình an ninh trật tự xã hội duy trì ổn định
rong số 15 xã toàn huyện có tám xã biên giới, đất rộng, người thưa, địa hình hiểm trở, nghèo tài nguyên, nguồn lực đầu tư rất hạn chế, hạ tầng thấp kém. Người dân sinh sống rải rác trên địa bàn toàn huyện, tập quán canh tác chủ yếu là làm nương, ruộng bậc thang theo mùa vụ và chăn nuôi gia súc gia cầm.
Từ khi thành lập, huyện phải đối mặt với nhiều vấn đề như nạn phá rừng phổ biến do tập quán du canh du cư của đồng bào dân tộc Mông....Đặc biệt, tình trạng đơn thư khiếu kiện, tranh chấp và chiếm dụng đất đai, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, du canh du cư... diễn ra phức tạp. Rất nhiều vụ việc kéo dài qua nhiều năm chưa tìm ra hướng giải quyết. Trước tình trạng tranh chấp, mất an toàn, an ninh trật tự…,quan điểm của lãnh đạo huyện Nậm Pồ là bảo đảm quyền lợi của người dân và cân bằng lợi ích của các bên trong tranh chấp trên cơ sở những quy định hiện hành của luật pháp nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đến nay, sau 10 năm thành lập, tình trạng người dân tự do di cư cơ bản được kiềm chế. Đặc biệt không còn tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn. Tình trạng đơn thư khiếu kiện, tranh chấp và chiếm dụng đất đai, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, du canh... vẫn diễn ra tuy nhiên tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện được duy trì ổn định. Ông Lê Khánh Hòa – Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ cho biết: "Đối với vấn đề di cư tự do, công tác vận động đã giúp cho bà con hiểu rõ đất và rừng đang là chỗ dựa cho cuộc sống hiện tại và lâu dài của nhân dân sở tại, nên nhân dân phải tự bảo vệ".
Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và đặc biệt là của ngành điện đã đầu tư kéo điện về các bản làng vùng sâu, vùng xa của Điện Biên. Đến nay 100% các xã và gần 80% số hộ dân của huyện Nậm Pồ đã có điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho 93 % số bản trong toàn huyện, nhiều nơi đi lại thuận lợi không chỉ mùa khô mà cả trong mùa mưa. Năm 2015, từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, đường Nậm Củng - Hô Củng - Huổi Anh được đầu tư xây dựng có tổng chiều dài hơn 12 km. Các điểm xa xôi, đông dân cư được đầu tư mở mới đường ô-tô vào bản như: Ngải Thầu, Pá Kha, Bản Nương, Huổi Khương, Huổi Dạo, Nộc Cốc 1, 2, Nậm Chua 2, 3, 4, 5, Sam Lang, Lai Khoang, Pú Đao, Na Cô Sa 4, Hô Củng - Huổi Anh, Huổi Văng - Huổi Noỏng, Hô Hài...
Huyện Nậm Pồ phát triển cây mắc ca theo hình thức liên kết
riển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2021-2025 của tỉnh Điện Biên nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai để đẩy mạnh tái cơ cấu nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ, Nậm Pồ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển cây mắc ca trên địa bàn theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Đối với diện tích đất trống không có rừng thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có cây mắc ca.
Ngày 6/8/2022, UBND huyện Nậm Pồ đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên, thuộc Tổng Công ty TH Truemilk và Công ty Mắc ca Tây Bắc Điện Biên triển khai thực hiện Dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn các xã của huyện.
Trong đó, Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên sẽ triển khai thực hiện trồng 5.800 ha tại 3 xã: Nậm Nhừ, Nà Khoa, Na Cô Sa; Công ty Mắc ca Tây Bắc Điện Biên sẽ thực hiện trồng 10.000 ha trên địa bàn các xã: Si Pa Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Nậm Tin. Trong năm 2022 huyện Nậm Pồ sẽ trồng 300ha cây mắc ca tại xã Nà Khoa theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp.
Dự án được triển khai theo hình thức sau khi dự án được phê duyệt, tiến hành lập dự toán hỗ trợ, quy chủ cho người dân, nguồn kinh phí từ xã hội hóa và ngân sách huyện, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thực hiện dự án đồng thời thành lập hợp tác xã liên kết trồng cây mắc ca. Trong quá trình thực hiện dự án, phối hợp tốt với các đồn biên biên phòng trong thực hiện dự án ở khu vực biên giới, cam kết nhận người dân vào làm và trả công theo hợp đồng liên kết…
Để tạo điều kiện thuận lợi, sớm triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Nậm Pồ đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca. Giao nhiệm vụ cho một số cơ quan, đơn vị của huyện phối hợp với nhà đầu tư trong thực hiện dự án trồng cây mắc ca...
Đồng thời, để bà con hiểu và đồng thuận về việc hợp tác với doanh nghiệp trồng cây mắc ca, huyện đang tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị, hiệu quả kinh tế của cây mắc ca về lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây mắc ca tại huyện Nậm Pồ. Định hướng về cơ chế, chính sách trong phát triển cây mắc ca, lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện các dự án trồng cây mắc ca.