Indonesia thành lập tổng công ty đường quốc gia, nỗ lực giảm nhập khẩu đường trong thời gian tới

Indonesia vừa chính thức thành lập tổng công ty đường quốc gia trong nỗ lực tái cấu trúc ngành mía đường nước này khi lượng đường nhập khẩu tăng mạnh qua các năm.

Tập đoàn trồng trọt quốc gia PT Perkebunan Nusantara III (PTPN III) của Indonesia vừa thành lập tổng công ty đường quốc gia PT Sinergi Gula Nusantara (SugarCo) với 35 nhà máy đường. SugarCo sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động chế biến mía đường của tập đoàn PTPN III.

Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Indonesia trong nỗ lực tái cấu trúc ngành mía đường nước này, hướng đến việc gia tăng sản lượng đường nội địa và giảm phụ thuộc vào đường nhập khẩu.

Trước đó hồi năm 2014, Chính phủ Indonesia đã sáp nhập 13 tập đoàn trồng trọt với các lĩnh vực hoạt động khác nhau, bao gồm chế biến mía đường, thành tập đoàn PTPN III với tổng giá trị tài sản lên tới 4,86 tỷ USD. Tổng giám đốc PTPN III ông Muhammad Abdul Gani cho biết việc thành lập SugarCo là bước đi chiến lược nhằm giải quyết tình trạng nhập khẩu đường của Indonesia ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây.

Trồng mía đường
 Thu nhập từ trồng mía đường thấp hơn so với canh tác các giống cây trồng khác đã khiến diện tích canh tác mía đường tại Indonesia liên tục bị thu hẹp (Ảnh: The Jakarta Post)

Indonesia từng là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Cuba vào những năm 1930 nhưng trong 10 năm gần đây, nước này đã trở thành một trong năm quốc gia nhập khẩu đường lớn nhất thế giới và sản lượng đường nội địa nước này ngày càng sụt giảm qua các năm.

Dữ liệu của tập đoàn PTPN III cho thấy sản lượng đường trong năm 2020 của Indonesia chỉ đạt 2,13 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường lên tới 6,9 triệu tấn, với  nhu cầu sử dụng trong các hộ gia đình chiếm 50%. Điều này đã khiến nhập khẩu đường trong năm ngoái của nước này đạt 5,53 triệu tấn. Lượng đường được Indonesia nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 20 năm.

Thu nhập của người nông dân trồng mía đường tại Indonesia thấp hơn so với trồng các loại cây trồng khác khiến diện tích canh tác mía đường của nước này liên tục suy giảm. Các công ty mía đường quốc doanh tại Indonesia hiện kiểm soát khoảng 47% tổng diện tích canh tác mía tại Indonesia.

SugarCo đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất đường từ mức 0,8 triệu tấn/năm hiện nay lên 1,8 triệu tấn/năm trong năm 2024 và đạt 2,6 triệu tấn/năm vào năm 2030 nhằm giảm lượng đường nhập khẩu. SugarCo dự kiến xây dựng mới 5 nhà máy chế biến mía đường từ nay cho đến năm 2024. Hầu hết các nhà máy hiện nay của SugarCo đều được xây dựng từ lâu và có công suất nhỏ khiến hiệu quả hoạt động ở mức thấp. Tuy nhiên, SugarCo cũng thừa nhận việc đạt khả năng tự chủ hoàn toàn việc cung ứng đường cho thị trường nội địa là mục tiêu khó do các yêu cầu cao trong sản xuất đường công nghiệp.

Quang Đặng