Kế hoạch thẩm định Hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030

Kế hoạch nhằm xây dựng tiến độ tổng thể để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình tổ chức thẩm định hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
trung du miền núi phía bắc
Kế hoạch nhằm xây dựng tiến độ tổng thể để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình tổ chức thẩm định hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng vừa ban hành văn bản 120/KH-HĐTĐ ngày 12/12/2023 Kế hoạch thẩm định hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xây dựng tiến độ tổng thể để thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình tổ chức thẩm định hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện và theo dõi, đôn đốc thực hiện tiến độ thẩm định theo đúng Kế hoạch thẩm định đề ra.

Kế hoạch nêu rõ, ngoài việc có ý kiến thẩm định chung đối với hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cả Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược); các bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định theo nội dung và các nội dung khác theo nhiệm vụ, chức năng quản lý.

Theo phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ thẩm định hiện trạng phát triển kinh tế và quan điểm, mục tiêu về phát triển kinh tế của vùng; thực trạng phát triển và phương hướng phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn vùng.

Các Bộ, ngành thẩm định tiêu chí xác định dự án ưu tiên và bố cục dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, môi trường và Phương hướng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (bao gồm cả phương hướng phát triển các khu bảo tồn); phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng.

Bộ Xây dựng thẩm định thực trạng hệ thống đô thị và nông thôn; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn; phương hướng phân bố và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chuẩn bị kỹ thuật và các khu xử lý chất thải…

Ngày 20/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 495/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 495/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng chính phủ quy định phạm vi ranh giới quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

- Phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình. Tổng diện tích: 9.518.414 ha.

- Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm: Toàn bộ phạm vi lập quy hoạch và những vấn đề của cả nước, quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng lớn đến vùng; những nội dung liên vùng như kết nối của vùng trung du và miền núi phía Bắc với các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và với cả nước; các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng của vùng kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng của cả nước được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

- Ranh giới: Vùng trung du và miền núi phía Bắc có ranh giới giáp với các địa phương cấp tỉnh là Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc; phía Tây giáp Lào; phía Đông và phía Nam giáp vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Xuân An