Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc và các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại

Chiều 21/10, tại Điện Biên đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại tỉnh Điện Biên”.

Đây là sự kiện quan trọng nằm trong Chương trình cấp Quốc gia năm 2022 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức để tiếp tục thực hiện chủ trương, giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh khu vực

Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức tại tỉnh Điện Biên năm 2022 được tổ chức nhằm phát huy và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp của các tỉnh khu vực Tây Bắc và các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong nước và nước ngoài gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương hàng hóa; tạo cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; cải tiến phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp quảng bá trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tới các đối tác và người tiêu dùng, trao đổi giao thương giữa các địa phương…

Ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên mong muốn sự kiện này sẽ trở thành "bà mối" mát tay cho các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng giữa hai quốc gia Lào Việt.
Ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên mong muốn sự kiện này sẽ trở thành "bà mối" mát tay cho các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng giữa hai quốc gia Lào Việt.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên thông tin, khu vực Tây Bắc Việt Nam bao gồm 06 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái. Các địa phương có chung đường biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và khu vực 9 tỉnh Bắc Lào. Đây là địa bàn rộng lớn, có rất nhiều tiềm năng để khai thác phát triển, đặc biệt là sản xuất, chế biến nông lâm sản, sản xuất điện, dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa...

Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương trong khu vực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại; hoạt động thương mại, xuất khẩu không ngừng được mở rộng, các sản phẩm xuất khẩu đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng được nâng cao. Nhiều tỉnh trong khu vực đã thu hút đầu tư hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh lớn, các cơ sở, sản xuất, chế biến hiện đại, chế biến sâu các mặt hàng (nông, lâm sản, thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, các mặt hàng truyền thống) từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh trong khu vực không ngừng được nâng lên, có những đóng góp tích cực cho thực hiện các mục tiêu về thu ngân sách, phát triển sản xuất, mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Toàn cũng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều tiềm năng lợi thế của các tỉnh trong khu vực còn chậm được khai thác, phát huy; hạ tầng kinh tế nhất là hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều khó khăn; tăng trưởng kinh tế, kim ngạch kim ngạch xuất khẩu chưa cao; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Yêu cầu nâng cao quan hệ hợp tác trong kết nối giao thương giữa khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào là một nhiệm vụ rất quan trọng để khai thác, phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng lợi thế của mỗi tỉnh trong khu vực cùng hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển tiếp tục vun đắp, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân dân hai nước.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên luôn chú trọng tìm mọi giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, nhất là hợp tác trong lĩnh vực thương mại. Trong giai đoạn đến năm 2025, Điện Biên đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để quyết tâm thực thực hiện mục tiêu này.

Đó là, hoàn thiện các thủ tục để nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở trên cả 2 tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đối ngoại đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên; nâng cấp Quốc lộ 279 nối với của khẩu quốc tế Tây Trang, Hoàn thiện QL 279C nối với của khẩu Huổi Puốc Na Son, Nâng cấp QL 4H nối với lối mở A Pa Chải - Long Phú đang hoàn thiện thủ tục để nâng cấp thành cửa khẩu chính. Tập trung hut hút đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế nhất là các sản phẩm nông lâm nghiệp như mắc ca, cao su, chè, cà phê, các sản phẩm OCOP, sản xuất điện năng, phát triển đô thị hóa, dịch vụ du lịch... Tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt để thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

6 biên bản ghi nhớ được thực hiện tại Hội nghị
6 biên bản ghi nhớ được thực hiện tại Hội nghị

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí hơn 40 gian hàng và khu trưng bày tại khu vực Quảng trường 7-5, Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên… nhằm giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của các địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kết nối hợp tác kinh doanh, mở rộng giao thương và giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí hơn 40 gian hàng và khu trưng bày tại khu vực Quảng trường 7-5, Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên…
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí hơn 40 gian hàng và khu trưng bày tại khu vực Quảng trường 7-5, Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên…

“Chúng tôi mong muốn sự kiện này thực sự sẽ trở thành "bà mối" mát tay cho các cơ quan, doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng thiết lập được mối lương duyên hợp tác kinh doanh bền chặt, cùng khai thác phát huy lợi thế để không ngừng phát triển lớn mạnh, có đóng góp lớn hơn nữa vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, mỗi quốc gia, tiếp tục củng cố vun đắp cho mỗi quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” – ông Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đồng hành với địa phương

Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương nhấn mạnh, Tây Bắc được xem là vùng kinh tế có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam nói chung và của miền Bắc nói riêng. Đây là cầu nối quan trọng, gắn kết các Vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc Việt Nam với các nước có chung biên giới là nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Vì vậy, Tây Bắc là khu vực có nhiều lợi thế quan trọng trong việc kết nối, mở rộng giao lưu, và phát triển kinh tế.

Ông Lê Hoàng Tài khẳng định: “Để góp phần phát huy lợi thế của vùng kinh tế Tây Bắc, hỗ trợ doanh nghiệp khu vực Tây Bắc nói chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Điện Biên nói riêng, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường ở cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, của vùng như nông sản, dược liệu, thực phẩm chế biến, và các sản phẩm công nghiệp, hóa chất...”.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục như Hội nghị kết nối giao thương, tư vấn thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tổ chức triển lãm từ xa, và tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến hiệu quả.

“Tôi tin tưởng rằng, “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022" được tổ chức ngày hôm nay sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Điện Biên và các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiếp cận trực tiếp với các đơn vị xuất nhập khẩu, các nhà phân phối hàng hóa trong và ngoài nước; tạo cơ hội giao lưu thương mại; nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Miền Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung” – ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đã có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết thực hiện. Ông Phạm Đức Toàn khẳng định: “6 biên bản này thể hiện kết quả của Hội nghị, từng bước khai thác tiềm năng lợi thế của các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào. Trên cơ sở các Biên bản ghi nhớ, Điện Biên mong các đơn vị doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến các bước để đưa các biên bản ghi nhớ được triển khai thành các dự án thực tế”.

[Quảng cáo]

PV