Kết nối thúc đẩy xuất khẩu cà phê sau đại dịch Covid-19

Vấn đề hiện nay đối với cà phê xuất khẩu nước ta không phải là bài toán cung-cầu trên thế giới, mà là làm thế nào để có thể kết nối một cách nhanh nhất thúc đẩy xuất khẩu cà phê sau đại dịch Covid-19.
Quý I năm nay cà phê xuất khẩu chỉ tăng 0,6% về trị giá.
Quý I năm nay cà phê xuất khẩu chỉ tăng 0,6% về trị giá

Tác động trái chiều

Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.

EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Quý I năm nay, trong 8 nhóm hàng nông sản xuất khẩu chính có 5 nhóm hàng tăng trưởng đến 2 con số so với tháng 2/2020 trước đó.

Hạt điều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất khi đạt sản lượng 43.944 tấn, trị giá 309,2 triệu USD, tăng 68,4% về sản lượng và 67% về trị giá.

Tiếp theo là, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 332.727 tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 47,4% về sản lượng và 63,6% về trị giá.

3 nhóm hàng tăng trưởng cao còn lại là: Hạt tiêu đạt 40.297 tấn, trị giá 83 triệu USD, tăng 57,4% về lượng, 45,6% về trị giá; rau quả đạt 361,6 triệu USD, tăng 42,5%; gạo đạt 591.407 tấn, trị giá 271,5 triệu USD, tăng 11,1% về sản lượng, 14% về trị giá.

Trong khi đó, cà phê chỉ tăng 0,6% về trị giá. Đó là do đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn cung, gián đoạn sản xuất cho đến gián đoạn vận chuyển và gián đoạn bán lẻ vì các quy định phong tỏa được áp dụng trên khắp thế giới.

Các hãng rang xay lớn nhỏ trên thế giới chỉ có thể tận dụng tồn kho tại chỗ và mua cà phê với các hợp đồng nhỏ vừa đủ chế biến để phục vụ giao tận nhà do tình trạng khách hàng bị “cấm túc”.

Tuy nhiên, chính nỗi lo sợ về tình trạng gián đoạn nguồn cung trong đại dịch đã tạo ra tác động trái chiều, đưa đến tình trạng tích trữ tại một số quốc gia, khiến cho giá cà phê có được cú huých cần thiết.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) mới đây đưa ra nhận định : “Trên phạm vi toàn cầu nhu cầu ước tính sẽ cao hơn sản xuất. Gián đoạn với chuỗi cung ứng trong cả mùa vận chuyển và mùa thu hoạch sẽ có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm tạm thời, đẩy cao giá cả trong ngắn hạn”. Nhiều nước xuất khẩu cà phê, trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Liên kết ổn định, lâu dài

Vấn đề hiện nay đối với cà phê xuất khẩu nước ta không phải là bài toán cung-cầu trên thế giới, mà là làm thế nào để có thể kết nối một cách nhanh nhất thúc đẩy xuất khẩu cà phê sau đại dịch Covid-19. Để kết nối hiệu quả, không chỉ là tiếp thị, xúc tiến thương mại mà chủ yếu là chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group giới thiệu mẫu bao bì được "đóng mộc" thương hiệu Blue Sơn La xuất khẩu cà phê Arabica ra thị trường quốc tế
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group giới thiệu mẫu bao bì được "đóng mộc" thương hiệu Blue Sơn La xuất khẩu cà phê Arabica ra thị trường quốc tế

Nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP... mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu.

Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn (97 cơ sở chế biến cà phê nhân, tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%;

160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%).

Để kết nối hiệu quả với những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cần phải đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cần áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, nhà nước có chính sách khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Đối với công tác kết nối thúc đẩy xuất khẩu sau đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối nước ngoài.

Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, việc tổ chức các chương trình đưa cà phê, trái cây vào hệ thống phân phối Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc; tổ chức “Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản nói chung và cà phê nói riêng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) đã giúp cà phê chế biến của ta có chỗ đứng chân tại EU.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai tốt Đề án tiêu thụ qua các hệ thống phân phối nước ngoài, đồng thời từng bước cải tiến hoạt động kết nối xuất khẩu theo hướng gắn kết doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ mặt hàng này trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.

Nam Sách