Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều nơi trên toàn cầu, ảnh hưởng mạnh đến cách thức người tiêu dùng mua sắm và các mặt hàng được ưu tiên chọn mua, cà phê là một trong số ít mặt hàng vẫn giữ được sức hút với người tiêu dùng. Điều này đã giúp giá mặt hàng này vẫn được đảm bảo so với nhiều loại hàng hoá khác đang chịu áp lực giảm mạnh vì nhu cầu giảm.
Bên cạnh đó, giá cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica, đang có xu hướng tăng lên do thị trường giao dịch lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch sẽ làm giảm nguồn cung và một số quốc gia sản xuất cà phê chính và người tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng tích trữ.
Giá cà phê Arabica tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, trong tháng 3/2020 đã tăng mạnh 10% so với tháng 2/2020. Giá cà phê giao tương lai trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) cũng tăng 8,8% trong tháng 3/2020, lên mức trung bình 1,16 USD/pound (0,454 kg). Cuối phiên giao dịch ngày 16/4, giá cà phê đã bật tăng mạnh lên mức 1,2120 USD/pound.
Giá cà phê tăng mạnh trong thời gian gần đây là tin tốt cho nông dân sản xuất cà phê những người vốn gặp nhiều khó khăn khi giá cà phê liên tục giảm trong vài năm qua. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), kể từ năm 2016, giá cà phê thế giới đã giảm 30% so với mức giá trung bình của 10 năm. Mặc dù giá cà phê Arabica trong tháng 3/2020 đã vượt mức 1,12 USD/pound nhưng mức giá này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 3 USD/pound thiết lập hồi năm 2011, theo ICO.
Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng cà phê trên toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Ví dụ, các lô cà phê xuất khẩu của Colombia, một quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới, có thể sẽ bị tạm thời hoãn xuất khẩu do chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phong toả đang được áp đặt tại nhiều nơi trên thế giới, theo ICO.
Bên cạnh đó, việc thu hoạch cà phê của Colombia cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm nay do thiếu hụt lao động nhập cư. Cà phê trồng tại Colombia vốn được thu hoạch vào tháng 4 hàng năm nhưng việc nước này áp đặt lệnh phong toả toàn quốc cho đến ngày 27/4/2020 sẽ khiến lao động nhập cư từ các quốc gia láng giềng không tham gia thu hoạch được tại Colombia.
ICO cho biết “Nhu cầu về cà phê hiện tại ước tính đã vượt quá mức cung, các đứt vỡ trong chuỗi cung ứng ở cả khâu vận chuyển và khâu thu hoạch đã dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung tạm thời, qua đó đẩy giá cà phê tăng cao trong ngắn hạn”.
Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm quốc tế bắt đầu có dấu hiệu bảo hộ lương thực thực phẩm, một số quốc gia trên thế giới đã ngưng xuất khẩu một số mặt hàng lương thực; trong khi đó, một số nước khác đang tăng cường thu mua các loại hàng hoá thực phẩm, bao gồm cả cà phê để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Nhà trợ lý kinh tế học hàng hoá Samuel Burman tại hãng nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết “Có một số dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang tăng cường thu mua mặt hàng cà phê do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn trong tương lai”. Báo cáo gần đây của hãng tin Reuters cũng cho biết một số quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới đã tăng cường nhập khẩu cà phê.
ICO cũng cho biết doanh số cà phê tại kênh bán lẻ và siêu thị cho thấy có hiện tượng tích trữ cà phê tại một số quốc gia. Ví dụ, doanh số bán cà phê tại Pháp và Italy đã lần lượt tăng mạnh 34,6% và 29,5% so với cùng kỳ năm trước, theo viện nghiên cứu thị trường IRI.
Tuy nhiên, ICO cảnh báo việc gia tăng mạnh doanh số cà phê hiện nay có thể khiến nhu cầu sử dụng cà phê giảm xuống trong những tuần tới, thậm chí hàng tháng tới do người tiêu dùng sẽ sử dụng lượng cà phê tích trữ tại nhà. Đồng thời, nếu các cửa hàng cà phê tiếp tục phải đóng cửa vì dịch bệnh và mọi người vẫn buộc phải ở nhà thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng trên thị trường.