Huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp
Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Công nghiệp đã chủ động bám sát diễn biến tình hình biến động của kinh tế trong nước và thế giới để linh hoạt trong công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triểncông nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của ngành Công Thương trong nửa đầu năm 2023.
Thứ nhất, Cục Công nghiệp đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các Hiệp hội, ngành hàng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực, nền tảng.
Trong đó, đặc biệt là Cục đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ cũng như gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất ô tô trong nước.
Thứ hai, Cục Công nghiệp tiếp tục chú trọng công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật làm cơ sở để thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Cục đã và đang triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, xây dựng/sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh khoáng sản, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực trong thời kỳ mới như khoáng sản, dệt may, da - giày, ô tô, giấy, nhựa, sữa…
Thứ ba, Cục Công nghiệp tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ); đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp FDI lớn trong các ngành sản xuất, các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế có uy tín và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp nội địa - đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hình thành hệ thống nhà cung ứng trong nước trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, Cục Công nghiệp đã và đang tích cực tổ chức làm việc với các tỉnh, thành phố có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai các Chương trình, Chiến lược và các Đề án, Kế hoạch phát triển công nghiệp của địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sản xuất suy giảm do ảnh hưởng của tổng cầu
Bất chấp những nỗ lực này, trong nửa đầu năm nay, sản xuất công nghiệp trong nước vẫn ghi nhận sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp giảm 1,2%; và giảm 1,6% đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023), chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chỉ 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, do đó không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may, da - giày, sản xuất kim loại… đề suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Trương Thanh Hoài, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nêu trên là bởi, trong 6 tháng đầu năm 2023, nền sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trên thế giới, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, lạm phát ở mức cao dẫn đến nhiều quốc gia lớn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt; hệ lụy của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; tình hình chính trị giữa các quốc gia tiếp tục căng thẳng - đặc biệt là xung đột vũ trang Nga - Ukraine; nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, rơi vào suy thoái.
"Các yếu tố nêu trên đã dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam", Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay.
Thị trường nội địa của các ngành sản xuất cũng sụt giảm mạnh. Thị trường vốn và tín dụng chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa đạt yêu cầu, thị trường bất động sản đình trệ đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất
Bộ Công Thương đánh giá, trong 6 tháng cuối năm, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là căng thẳng giữa các quốc gia lớn; kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn.
Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn rất khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu… vẫn ở mức cao cùng với tình trạng thiếu hụt lao động; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng cùng với thị trường bất động sản chậm hồi phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, Cục Công nghiệp cho biết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì và từng bước khôi phục, phát triển các ngành công nghiệp trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 của ngành Công Thương:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Trong đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp trong ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho các ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu.
Sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2023 - 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm; cũng như nâng cao năng lực và sức chống chịu cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Đồng thời, để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, Cục Công nghiệp đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành vĩ mô trong thời gian tới như sau:
Một là, sớm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn nhằm ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Hai là, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…
Ba là, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp xây dựng liên quan.