Làm gì để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước?

6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung xăng dầu được đảm bảo, ngay cả trong những trường hợp hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có lúc không ổn định, thị trường xăng dầu thế giới liên tục biến động.
cung ứng xăng dầu
Nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9, đầu tháng 10 (để bảo dưỡng)

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, chuyện cung ứng xăng dầu đã gặp phải những tình huống bất thường. Đầu tiên, sự cố tại nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) khiến phải dừng tạm thời phân xưởng RFCC để khắc phục nên sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 năm 2023 của nhà máy có thể sẽ bị giảm khoảng 20% đến 25% so với kế hoạch.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường

Tại công điện khẩn trên, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty CP hóa dầu Bình Sơn (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Nhà máy Nghi Sơn) tăng tối đa công suất xăng dầu, sử dụng nguồn hàng dự trữ hoặc nguồn hàng khác để thay thế, bù đắp sản lượng phân giao thiếu hụt xăng dầu cho khách hàng; chỉ đạo Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương khắc phục sự cố, ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng xăng dầu cho khách hàng, thị trường

Về phía các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp này tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt có thể từ sự cố nói trên.

Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 2 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Trong cuộc họp ngày 28/4, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, những chỉ đạo của Bộ Công Thương đáp ứng được nhu cầu phát triển, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, không để nảy sinh vấn đề thiếu hụt nguồn cung, mặc dù Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị trục trặc về kỹ thuật vào thời điểm đầu năm 2023.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhận định, trước diễn biến khó đoán định của thị trường thế giới, cùng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước thời gian tới, đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh và khả thi để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường trong mọi tình huống.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện.

Đồng thời, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung. Bên cạnh đó,cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối; tiến tới triển khai quản lý theo thời gian thực từ quý III năm 2023.

Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.

Tại cuộc họp cuối tháng 6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu trong nước thời gian qua. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh xăng dầu và các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ như nghiêm túc tự đánh giá và báo cáo trung thực về kết quả hoạt động của đơn vị mình trong 6 tháng đầu năm, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/7/2023 để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Đặc biệt, lại xuất hiện tình huống nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9, đầu tháng 10 (để bảo dưỡng). Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo PVN và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn có ngay phương án để hoạt động hết công suất, vượt công suất, bù vào sản lượng trong thời gian Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết; các doanh nghiệp đầu mối căn cứ sản lượng phân giao đầu năm và sản phần phân giao bổ sung để chủ động kế hoạch nhập khẩu trong tháng 7/2023, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả tích cực, nguồn cung xăng dầu được đảm bảo, ngay cả trong những trường hợp hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có lúc không ổn định, thị trường xăng dầu thế giới liên tục biến động.

Lâm Thao