Gần đây, báo chí trong nước liên tục phản ánh về tình trạng lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam. Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng về việc sử dụng lao động nước ngoài trong các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đây, cũng cần nhìn nhận hiện tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách khách quan, tránh tạo ra những tâm lý cực đoan trong xã hội.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho đến tháng 5 vừa qua, tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là khoảng 74.000 người. Đáng chú ý là chỉ từ tháng 1-5/2011, bình quân mỗi tháng có thêm gần 2.000 lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Với sự kiện cơ quan chức năng vừa phát hiện hơn 1.000 công nhân nước ngoài đang làm việc không phép tại một dự án ở Cà Mau, có thể thấy, con số thống kê chính thức nói trên là chưa thực đầy đủ và cần phải kiểm tra lại.
Rất cần phải có một đợt tổng kiểm tra, rà soát để có đánh giá chính xác về thực trạng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát hiện ra quá nhiều lao động làm việc không phép tại các công trình, dự án do nhà thầu nước ngoài thực hiện, cho thấy năng lực quản lý của các cơ quan chức năng là có vấn đề.
Và cũng chỉ nên tập trung xem xét hiện trạng lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Việt Nam sẽ gây ra những hệ lụy gì.
Trước tiên, họ tước đi cơ hội việc làm của người lao động Việt Nam, trong khi sức ép giải quyết công ăn việc làm đang là gánh nặng cho Chính phủ và xã hội. Đáng buồn hơn là đại đa số những lao động trái phép bị phát hiện đang làm những công việc giản đơn hoặc những loại việc mà người Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được. Thêm nữa, tình trạng này có thể tạo ra làn sóng nhập cư, định cư “lậu” khó kiểm soát. Cả trước mắt và lâu dài, nó còn gây ra những vấn đề nan giải về xã hội, văn hóa, thậm chí là an ninh.
Cần phải nói rõ, Chính phủ rất ý thức về việc bảo vệ thị trường lao động trong nước, thể hiện qua Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, qui định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tháng 6/2011, Chính phủ lại ban hành Nghị định 46/2011/NĐ-CP để bổ sung nhiều qui định mới theo hướng quản lý chặt chẽ, hợp lý hơn việc sử dụng người lao động nước ngoài. Theo những văn bản trên, để đưa được người lao động vào làm việc tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân theo những điều kiện rất nghiêm nghặt và các thủ tục rất chặt chẽ. Trách nhiệm của các ngành như Công an, Tư pháp, Công thương, Lao động-Thương binh và Xã hội,vv… cũng được qui định rất rõ ràng. Như vậy, vấn đề chính nằm ở khâu thực thi pháp luật. Nếu các cơ quan chức năng liên quan làm đúng và làm hết trách nhiệm, thì rất khó có kẽ hở để lao động nước ngoài bất hợp pháp lọt vào thị trường lao động Việt Nam.
Mặt khác, chúng ta cũng không nên có thái độ cực đoan khi nhìn nhận hiện tượng người lao động nước ngoài, cho dù từ bất kỳ quốc gia nào, có mặt hợp pháp tại Việt Nam. Nếu hiện nay ở nước ta có trên 7 vạn người nước ngoài đang làm việc, thì hàng năm cũng có bằng ấy người Việt ra nước ngoài lao động theo thỏa thuận của Chính phủ với các quốc gia. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, hay đang trên đường cùng ASEAN xây dựng một cộng đồng chính trị- kinh tế- xã hội chung, thì việc dần dần phải loại bỏ các rào cản, tiến tới mở cửa thị trường lao động là xu hướng không thể tránh khỏi.
Cũng cần phải nói thêm, nhu cầu phải sử dụng những lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, hoặc có kỹ năng đặc biệt (ví dụ như các cầu thủ bóng đá) là nhu cầu tự thân của nền kinh tế- xã hội nước ta. Hiện nay, các vị trí quản lý, các chuyên gia trung, cao cấp trong các tổ chức có yếu tố quốc tế thuộc ngành tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin… tại Việt Nam, phần lớn vẫn do những người nước ngoài đảm nhận. Họ có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế này cũng thể hiện những bất cập, khiếm khuyết của hệ thống giáo dục- đào tạo trong việc chuẩn bị đủ nguồn nhân lực nội địa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển.
Như vậy, chính sách đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Một mặt, cần có cơ chế khuyến khích, chào đón những nhân sự có đẳng cấp quốc tế gia nhập thị trường lao động Việt Nam phục vụ mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, cần hình thành một bộ lọc tốt để những lao động phổ thông, chất lượng thấp không thể thẩm thấu vào thị trường nội địa.
Và điều quan trọng và lớn lao hơn nhiều, là phải tìm được cách tối ưu nhất nâng cấp nguồn nhân lực Việt Nam. Làm sao để người lao động Việt Nam không chỉ thắng trên “sân nhà” mà còn có thể chiến thắng trên những thị trường nhân lực quốc tế khó tính nhất. Đấy mới là giải pháp bền vững, lâu dài khi mọi rào cản bảo hộ sẽ bị xô đổ bởi quá trình toàn cầu hóa./.
Lao động nước ngoài tại Việt Nam- Góc nhìn khác
TCCT
Cần nhìn nhận hiện tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách khách quan, tránh tạo ra những tâm lý cực đoan trong xã hội