Loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

NGUYỄN TỐNG BẢO MINH (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Thời gian qua, pháp luật về loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng (VPHĐ) ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu về pháp luật hiện hành và việc thực hiện trong thực tiễn, các quy định trên đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định. Bài viết tập trung phân tích và làm rõ những bất cập còn tồn tại trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: trách nhiệm dân sự, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, loại trừ trách nhiệm pháp lý, vi phạm hợp đồng.

1. Đặt vấn đề

Loại trừ trách nhiệm do VPHĐ là một trong những chế định có vai trò quan trọng của pháp luật hợp đồng, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng trong những trường hợp VPHĐ xảy ra với tính chất đặc thù. Cũng vì điều này, việc thực hiện các quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm do VPHĐ đã trở nên phổ biến trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 với những tác động mạnh mẽ tới các quan hệ hợp đồng trong xã hội.

Cho dù pháp luật đã có sự ghi nhận tương đối đầy đủ về các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ phổ biến có thể xuất hiện trong thực tiễn, cũng như đã thể hiện được tính phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện pháp luật để giải quyết các VPHĐ và tranh chấp phát sinh, bên cạnh những ưu điểm trên, các quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm do vi phạm đồng cũng đã bộc lộ những hạn chế cần nghiên cứu và khắc phục kịp thời.

2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về loại trừ trách nhiệm do VPHĐ và thực tiễn thực hiện pháp luật trong vấn đề này, có thể đưa ra một số bất cập như sau:

Thứ nhất, các quy định về loại trừ trách nhiệm do VPHĐ còn thiếu thống nhất trong sử dụng thuật ngữ.

Loại trừ trách nhiệm do VPHĐ là một vấn đề pháp lý quan trọng, không chỉ được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, mà còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác của lĩnh vực luật tư. Tuy nhiên, cho dù cùng quy định về một vấn đề, nhưng giữa các văn bản pháp luật trong lĩnh vực luật tư vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ khi quy định về vấn đề này.

Nếu như BLDS năm 2015 dùng cụm từ “không phải chịu trách nhiệm”[1] trong các quy định về căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ thì Luật Thương mại năm 2005 lại sử dụng thuật ngữ “miễn trách nhiệm”[2] để thay thế cho thuật ngữ “loại trừ trách nhiệm”. Trong đó, cụm “không phải chịu trách nhiệm” được BLDS năm 2015 sử dụng đã phần nào thể hiện được bản chất không phát sinh trách nhiệm của thuật ngữ gốc, nhưng ngược lại, thuật ngữ “miễn trách nhiệm” trong Luật Thương mại năm 2005 lại chưa thực sự phù hợp với bản chất này.[3] Đây là một hạn chế cần sớm được khắc phục để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật cũng như để hạn chế sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm loại trừ trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm trong thực tiễn.

Thứ hai, các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ còn được quy định chưa thực sự toàn diện và thiếu tính tập trung.

Cho dù các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ theo pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ và phù hợp, tuy nhiên trên thực tiễn vẫn tồn tại những trường hợp cần thiết phải bổ sung để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ hợp đồng. Có thể kể tới một số trường hợp bao gồm VPHĐ xảy ra do bên có quyền không áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hay các VPHĐ xảy ra do bên thứ ba như trường hợp VPHĐ do bên thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng. Bên cạnh đó, các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ hiện nay được quy định còn chưa thực sự tập trung, mà còn tản mát tại nhiều chế định của BLDS. Việc quy định như vậy có thể tạo ra một số khó khăn nhất định trong nhận thức và thực hiện pháp luật trong thực tiễn.

Thứ ba, các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ chưa được quy định một cách rõ ràng.

(1) Về khái niệm sự kiện bất khả kháng: Có thể thấy BLDS năm 2015 hiện còn đang quy định tương đối sơ sài về vấn đề này khi chưa có một điều luật riêng biệt về sự kiện bất khả kháng, mà chỉ định nghĩa khái niệm này tại Điều 156 về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Việc quy định khái niệm sự kiện bất khả kháng như vậy trong BLDS năm 2015 còn tồn tại một số điểm chưa thực sự hợp lý khi khái niệm này được sử dụng trong rất nhiều quy định ở các chế định khác nhau của BLDS, không chỉ riêng các quy định về thời hiệu. Đồng thời, khái niệm sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 BLDS năm 2015 còn tương đối mờ nhạt, chưa thực sự rõ ràng. Pháp luật cũng chưa làm rõ các tiêu chuẩn để đánh giá các tiêu chí như không thể lường trước được, không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Do đó, việc nhận diện sự kiện bất khả kháng trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào sự đánh giá và ý chí của cơ quan giải quyết tranh chấp, cũng như các chủ thể khác có thẩm quyền.

(2) Về căn cứ loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ hoàn toàn do lỗi của bên có quyền: Quy định của pháp luật vẫn chưa làm rõ cách hiểu về cụm “nghĩa vụ không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên có quyền” tại Điều 351 BLDS năm 2015. Điều này tạo ra trở ngại rất lớn trong việc áp dụng căn cứ loại trừ trách nhiệm này trên thực tế khi khái niệm trên mang tính cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi bao quát của trường hợp này. Sự thiếu rõ ràng này có thể gây ra những lúng túng nhất định trong những trường hợp bên có nghĩa vụ hay bên thứ ba cũng có một phần lỗi trong vi phạm hợp đồng, mà việc giải thích căn cứ loại trừ này cũng phụ thuộc rất lớn vào nhận thức chủ quan của mỗi người.

(3) Về loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra trong tình thế cấp thiết: Quy định tại Điều 171 còn tương đối chung chung khi chỉ xác định VPHĐ trong trường hợp này không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trong đó, vấn đề loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra trong tình thế cấp thiết vẫn chưa được điều luật đề cập tới một cách trực tiếp. Điều này có thể dẫn tới những quan điểm khác nhau về căn cứ loại trừ này cũng như có thể ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết cũng đồng thời là bên vi phạm hợp đồng.

Thứ tư, pháp luật vẫn chưa có quy định về điều kiện đối với thỏa thuận loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Với việc quy định về căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ theo thỏa thuận của các bên, pháp luật đã thể hiện được nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong pháp luật dân sự. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 cũng chưa đưa ra bất cứ điều kiện riêng nào đối với thỏa thuận loại trừ trách nhiệm trong hợp đồng. Do đó, hiện nay, các thỏa thuận này chỉ bị giới hạn bởi điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Từ đó có thể dẫn tới trường hợp một bên trong quan hệ hợp đồng sẽ lợi dụng thỏa thuận loại trừ trách nhiệm để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, hoặc thậm chí là cố ý gây thiệt hại cho bên kia mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì[4]. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của một bên cũng như tạo ra sự bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng.

3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

3.1. Kiến nghị chung

Thứ nhất, cần thống nhất cách sử dụng thuật ngữ pháp lý trong các quy định hiện hành về loại trừ trách nhiệm do VPHĐ trong các văn bản pháp luật thuộc hệ thống luật tư để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật. Đặc biệt đối với loại trừ trách nhiệm do VPHĐ khi đây là một khái niệm pháp lý tương đối phức tạp, việc đồng bộ về mặt thuật ngữ trong các quy định pháp luật càng trở nên cần thiết.

Thứ hai, cần sửa đổi cách quy định về các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ theo hướng tập trung hóa các quy định này. Việc quy định các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ một cách tản mát là một tồn tại cần thiết phải khắc phục. Trong đó, pháp luật cần quy định tập trung các căn cứ loại trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ nói chung hay loại trừ trách nhiệm do VPHĐ nói riêng thành một nhóm các quy định trong phần nghĩa vụ và hợp đồng. Cách quy định như vậy có thể giúp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật và giải thích pháp luật khi các căn cứ loại trừ trách nhiệm được thể hiện rõ ràng và mang tính hệ thống hơn.

Thứ ba, pháp luật cần có sự bổ sung các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ có thể xuất hiện trên thực tế để nâng cao tính dự liệu của pháp luật, hạn chế được tình trạng lúng túng trong thực hiện quy định pháp luật khi thiếu quy chế pháp luật. Một ví dụ cho những căn cứ như vậy là trường hợp bên có quyền không áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Trong BLDS năm 2015, pháp luật đã có quy định về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại của bên có quyền tại Điều 362, tuy nhiên vấn đề loại trừ trách nhiệm do VPHĐ trong trường hợp này vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Vì vậy, có thể xem xét bổ sung quy định trên theo hướng khi vi phạm nghĩa vụ xảy ra, bên có quyền phải áp dụng biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình; Trong trường hợp thiệt hại xảy ra là do bên có quyền đã không áp dụng biện pháp hợp lý để ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét bổ sung các căn cứ loại trừ trách nhiệm có liên quan tới bên thứ ba như bên thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng hay bên thứ ba không thực hiện được nghĩa vụ do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Những căn cứ này sẽ được phân tích kỹ hơn trong phần các kiến nghị về các căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ cụ thể.

3.2. Kiến nghị về loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra do sự kiện bất khả kháng

Thứ nhất, pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện khái niệm sự kiện bất khả kháng theo hướng rõ ràng và hợp lý hơn, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Một trong những điểm cần làm rõ trong khái niệm sự kiện bất khả kháng chính là yếu tố chủ thể của các tiêu chí nhận diện sự kiện bất khả kháng. Hiện nay, khái niệm sự kiện bất khả kháng tại Điều 156 BLDS năm 2015 đã khuyết về mặt chủ thể để xem xét các tiêu chí nhận diện sự kiện bất khả kháng. Theo đó, chủ thể ở đây có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu được xác định là các bên trong quan hệ pháp luật mà không phải một bên thứ ba khác. Đồng thời, pháp luật cũng cần nhanh chóng khắc phục những điểm chưa thực sự phù hợp trong cấu trúc khi quy định khái niệm sự kiện bất khả kháng trong một điều luật về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Sự kiện bất khả kháng là một khái niệm pháp lý được viện dẫn bởi rất nhiều quy định trong các chế định khác nhau của pháp luật dân sự, do đó cần thiết phải có một quy định riêng về khái niệm này để nâng cao tính khoa học và logic trong thiết kế các quy định của pháp luật, tạo tiền đề thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu và thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật không phải là một quá trình có thể diễn ra trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và có sự đầu tư lớn về nguồn lực. Do đó, trong giai đoạn ngắn hạn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét đưa ra những văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng để có thể đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong giải quyết những tranh chấp còn tồn tại trong thời gian qua. Từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong quan hệ hợp đồng cũng như để tạo cơ sở cho việc xây dựng án lệ. Đây là một kinh nghiệm đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong thời gian qua mà tiêu biểu là Trung Quốc với 3 văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng do Tối cao Nhân dân Pháp viện Trung Quốc ban hành, góp phần đáng kể trong việc định hướng giải quyết các tranh chấp về sự kiện bất khả kháng một cách kịp thời.[5]

Thứ hai, cần bổ sung nghĩa vụ thông báo để được loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra do sự kiện bất khả kháng.

Hiện nay, nghĩa vụ thông báo của bên có nghĩa vụ trước bên có quyền khi họ không thể thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng đang dần được chấp nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong thực tiễn giao kết, thực hiện hợp đồng. Nghĩa vụ thông báo khi sự kiện bất khả kháng xảy ra đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bên có quyền có thể hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra do VPHĐ và đồng thời cũng là sự thể hiện của nguyên tắc thiện chí trong pháp luật dân sự. Theo đó, có thể bổ sung nghĩa vụ thông báo trong quy định về về vấn đề này theo hướng bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng phải kịp thời thông báo trong một thời hạn hợp lý cho bên có quyền để ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Thứ ba, cần bổ sung căn cứ loại trừ trách nhiệm do người thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng.

VPHĐ do bên thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng mà bên thứ ba này có mối quan hệ hợp đồng đối với bên có nghĩa vụ là một thực trạng phổ biến trong thời gian qua và bên có nghĩa vụ chưa thể tìm được quy chế pháp lý phù hợp để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp này.[6] Đây cũng là một căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ đã được ghi nhận từ rất sớm trong Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế[7]. Theo đó, có thể quy định loại trừ trách nhiệm do VPHĐ cho bên có nghĩa vụ nếu việc bên thứ ba gặp sự kiện bất khả kháng thỏa mãn các điều kiện sau: (i) Giữa bên có nghĩa vụ và bên thứ ba phải tồn tại quan hệ hợp đồng từ trước khi VPHĐ xảy ra; (ii) Việc bên thứ ba không thực hiện được đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới VPHĐ của bên có nghĩa vụ; (iii) Bên thứ ba phải được loại trừ trách nhiệm trước bên có nghĩa vụ do việc không thực hiện đúng nghĩa vụ xảy ra do sự kiện bất khả kháng. Do đó, cần thiết phải khắc phục thực trạng trên thông qua việc bổ sung trường hợp này là một căn cứ loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

3.3. Kiến nghị về loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên có quyền

Loại trừ trách nhiệm đối với các VPHĐ xảy ra do lỗi của bên có quyền là rất quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên có nghĩa vụ cũng như để hạn chế sự lạm dụng các quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, cách quy định còn thiếu rõ ràng “nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền” đã tạo ra nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi các trường hợp loại trừ của căn cứ này. Do vậy, cần thiết phải làm rõ nội dung này để thống nhất cách hiểu trong nghiên cứu và thực hiện pháp luật. Trên thực tiễn, hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp một nghĩa vụ không thể thực hiện được là do lỗi cả của từ phía bên có nghĩa vụ lẫn bên có quyền. Nếu như đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do VPHĐ, Điều 363 BLDS năm 2015 đã quy định về loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của bên có quyền cho bên có nghĩa vụ thì đối với những trách nhiệm khác do VPHĐ mà đặc biệt là trách nhiệm chịu phạt vi phạm lại chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề loại trừ trách nhiệm trong trường hợp như trên. Vì vậy, để đảm bảo tính dự liệu của pháp luật cũng như để phù hợp với những quy định khác của BLDS, pháp luật nên làm rõ căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ này theo hướng bao quát được cả trường hợp VPHĐ xảy ra do lỗi của cả bên có quyền lẫn bên có nghĩa vụ, cũng như bao quát cả các trách nhiệm dân sự khác do VPHĐ ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, trường hợp hỗn hợp lỗi với lỗi của bên thứ ba cũng cần thiết được pháp luật dự liệu. Tuy nhiên, hiện nay, các quan điểm loại trừ trách nhiệm do VPHĐ trong những trường hợp này cũng chưa thực sự thống nhất và rõ ràng. Do vậy, cần thiết phải bổ sung quy định để làm rõ quan điểm về trách nhiệm trong trường hợp VPHĐ xảy ra có lỗi của bên thứ ba để tránh xảy ra những lúng túng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

3.4. Kiến nghị về loại trừ trách nhiệm do VPHĐ theo thỏa thuận của các bên

Đối với loại trừ trách nhiệm do VPHĐ theo thỏa thuận của các bên, cần bổ sung các điều kiện để các thỏa thuận loại trừ trách nhiệm được công nhận hoặc được áp dụng. Với việc pháp luật chưa đưa ra bất cứ điều kiện nào cho các thỏa thuận về vấn đề này, trên thực tiễn có thể xuất hiện những trường hợp một bên lợi dụng điều này để trốn tránh trách nhiệm, gây ra sự bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng. Do đó, để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng cũng như bên thứ ba và để thể hiện rõ hơn nguyên tắc thiện chí, pháp luật có thể bổ sung những điều kiện như thỏa thuận chỉ được áp dụng đối với những vi phạm xảy ra do lỗi vô ý hoặc các bên không được thỏa thuận loại trừ trách nhiệm do vi phạm điều kiện cơ bản của hợp đồng.

3.5. Kiến nghị về loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra trong tình thế cấp thiết

Đối với loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra trong tình thế cấp thiết, cần quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn về căn cứ này. Hiện nay, quy định về tình thế cấp thiết cũng đã thể hiện được những nội dung về loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, quy định trên vẫn còn rất chung chung, gây ra những cách hiểu không thống nhất, dẫn tới những khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Do đó, pháp luật cần bổ sung quy định cụ thể về loại trừ trách nhiệm khi VPHĐ xảy ra trong tình thế cấp thiết, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho căn cứ loại trừ trách nhiệm do VPHĐ trên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN    

[1] Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.

[3] Nguyễn Mạnh Linh (2018). Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.15.

[4] Đinh Hồng Ngân (2006). Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.33-35.

[5] Qiao Liu (2020). Covid-19 in Civil or Commercial Dispute: First Responses from Chinese Courts, <https://academic.oup.com/cjcl/article/8/2/485/5899311>.

[6] Vũ Long (2021). Doanh nghiệp “đau đầu” vì thiếu nguyên liệu trả đơn hàng xuất khẩu, <https://laodong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-dau-dau-vi-thieu-nguyen-lieu-tra-don-hang-xuat-khau-955848.ldo>.

[7] Điều 79 Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự.
  2. Quốc hội (2005), Luật Thương mại.
  3. Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
  4. Nguyễn Mạnh Linh (2018). Loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.15.
  5. Đinh Hồng Ngân (2006). Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.33-35.
  6. Qiao Liu. (2020). Covid-19 in Civil or Commercial Dispute: First Responses from Chinese Courts, <https://academic.oup.com/cjcl/article/8/2/485/5899311>.
  7. Vũ Long (2021). Doanh nghiệp “đau đầu” vì thiếu nguyên liệu trả đơn hàng xuất khẩu, truy cập tại: <https://laodong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-dau-dau-vi-thieu-nguyen-lieu-tra-don-hang-xuat-khau-955848.ldo>.

 Exemption from liability for breach of contract - Inadequacies and recommendations for improvement

Nguyen Tong Bao Minh

Student, Hanoi Law University

Abstract:

In recent years, the role of regulations on the exemption from liability for breach of contract has been increasingly affirmed in protecting the legitimate rights and interests of the parties in the contractual relationship. However, researches and practical implementation show that current regulations have revealed certain limitations. This paper analyzes shortcomings in current egulations on the exemption from liability for breach of contract. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve these regulations.

Keywords: civil liability, liability for breach of contract, exemption from liability, breach of contract.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]