Hoàn thiện quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng

THS. HOÀNG THANH GIANG (Khoa Kinh tế Luật - Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Phạt vi phạm không chỉ đơn giản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay hình thức trách nhiệm hợp đồng, hơn nữa nó là công cụ pháp lý linh hoạt và hữu hiệu đấu tranh cho việc thi hành đúng và đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, là công cụ có thể sử dụng ngay tức khắc khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà không cần đợi đến khi có thiệt hại xảy ra. Hiện nay, các quy định pháp luật về phạt vi phạm hợp đồng trong Luật Dân sự và Luật Thương mại còn có những hạn chế, chưa thống nhất, đôi khi tạo ra cách hiểu và áp dụng không đúng đắn.

Từ khóa: chế tài, phạt vi phạm, hợp đồng, bộ luật dân sự, luật thương mại.

1. Đặt vấn đề

Hợp đồng là một quan hệ phổ biến trong đời sống xã hội. Khi được giao kết hợp pháp, hợp đồng có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình đúng cam kết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hợp đồng không được thực hiện đúng, như không đúng thời gian, không đúng địa điểm, không đúng phương thức, không đúng công việc đã cam kết,… Để giải quyết việc không thực hiện đúng này, các bên có thể thỏa thuận áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Khi đó, biện pháp chế tài phạt vi phạm hợp đồng có tác dụng tái lập lại trật tự về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

2. Một số vấn đề về chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Trong hệ thống luật các nước theo truyền thống Civil Law, phạt vi phạm thông thường được hiểu dưới góc độ vừa là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, vừa là biện pháp chế tài đồng thời là hình thức trách nhiệm hợp đồng. Điều đó có nghĩa là phạt vi phạm thực hiện cả 2 chức năng: chức năng dự phạt và chức năng đền bù. Khi phạt vi phạm thực hiện chức năng dự phạt, tức là khi nó được sử dụng như là biện pháp răn đe, tác động nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm các bên trong quan hệ nghĩa vụ, khi đó phạt vi phạm có nghĩa vụ như biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khi phạt vi phạm thực hiện chức năng đền bù, tức là khi nó được sử dụng như một khoản tiền nhằm mục đích bồi thường thiệt hại hoặc bù đắp tổn thất, khi đó phạt vi phạm có ý nghĩa như biện pháp chế tài và như hình thức trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng. Nhưng dù được thực hiện với chức năng nào, phạt vi phạm chỉ được đặt ra khi các bên muốn vậy hoặc là khi các bên có thỏa thuận trước trong hợp đồng.

Về điều kiện hiệu lực pháp lý của điều khoản thỏa thuận áp dụng biện pháp phạt vi phạm, luật dân sự nhiều nước (như Đức, Pháp, Liên bang Nga,…) đều cho thấy, phạt vi phạm được xác lập do hiệu lực của nghĩa vụ hợp đồng nên phạt vi phạm không phải là nghĩa vụ chính hay nghĩa vụ độc lập. “Số phận” của phạt vi phạm phụ thuộc trực tiếp vào “số phận” của hợp đồng. Ví dụ: theo quy định tại Điều 1227 Bộ luật Dân sự Pháp, “sự vô hiệu của nghĩa vụ chính làm cho điều khoản phạt vi phạm cũng vô hiệu. Sự vô hiệu của điều khoản phạt vi phạm không làm cho nghĩa vụ chính vô hiệu”. Hoặc theo quy định tại Điều 329 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga năm 1994, sự vô hiệu của biện pháp vi phạm không làm nghĩa vụ chính (hợp đồng) vô hiệu, nhưng sự vô hiệu của nghĩa vụ chính (hợp đồng) kéo theo sự vô hiệu của biện pháp phạt vi phạm.

Về điều kiện áp dụng, phạt vi phạm có thể được áp dụng cho các trường hợp vi phạm hợp đồng, bao gồm cả không thực hiện và thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, hậu quả pháp lý khi áp dụng phạt vi phạm trong 2 trường hợp có khác nhau. Bộ luật Dân sự Đức quy định trong trường hợp người có nghĩa vụ phải nộp phạt vi phạm do không thực hiện nghĩa vụ thì người có quyền có thể đòi phạt vi phạm thay vì yêu cầu buộc thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, khi người có quyền đã đòi người có nghĩa vụ nộp phạt vi phạm, thì quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng phải bị loại trừ; còn trong trường hợp phạt vi phạm được áp dụng khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng hợp đồng (như thực hiện nghĩa vụ bị chậm trễ) thì người có quyền có thể đưa ra yêu cầu phạt vi phạm cùng với yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.

Trái ngược với hệ thống luật Civil Law, Luật Hợp đồng Anh - Mỹ có quan niệm khác hẳn về phạt vi phạm. Học thuyết của luật hợp đồng Anh - Mỹ cho rằng, các biện pháp bảo vệ pháp lý trong lĩnh vực dân sự chỉ có thể mang tính chất đền bù mà không có tính chất dự phạt hoặc trừng phạt bên vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, những thỏa thuận giữa các bên về những khoản tiền mang tính chất dự phạt sẽ bị bác bỏ hoặc không được công nhận. Nói cách khác, khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên có quyền không có quyền đòi phạt vi phạm mà chỉ được bồi thường hoặc những thiệt hại xảy ra hoặc những loại thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước với điều kiện những thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước đó phải hợp lý, tức là phải tương xứng với thiệt hại dự kiến hoặc thiệt hại thực tế xảy ra.

Trong luật Dân sự Việt Nam, sự phát triển của chế định phạt vi phạm được đánh dấu bởi 2 mốc quan trọng. Trước hết, trong Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 377), phạt vi phạm được định nghĩa dưới góc độ là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, “được áp dụng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên có quyền bị vi phạm”. Sau đó, đến Bộ luật Dân sự 2005 và tiếp theo là Bộ luật Dân sự 2015, cùng với việc chuyển vị trí của quy định về phạt vi phạm từ mục “Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” sang mục “Hợp đồng dân sự” của Bộ luật, các nhà làm luật không định nghĩa phạt vi phạm là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như trước nữa, mà đưa ra quy định về phạt vi phạm dưới góc độ là một trong các nội dung thỏa thuận của hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

Có lẽ khi đưa ra sửa đổi này, các nhà làm luật muốn loại bỏ chức năng bảo đảm của biện pháp phạt vi phạm - một thuộc tính vốn có của hệ thống luật châu Âu lục địa. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi bản chất pháp lý của biện pháp phạt vi phạm trong các quan hệ hợp đồng. Vì nếu xét theo mục đích nâng cao trách nhiệm dân sự cũng như bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong giao lưu dân sự, thì vẫn có thể coi phạt vi phạm là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Mặt khác, cùng với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm cũng được thừa nhận là hình thức trách nhiệm hợp đồng, là chế tài vật chất được áp dụng khi có vi phạm nghĩa vụ.

Tất nhiên, khác với hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại là bên bị vi phạm vẫn có quyền đòi bồi thường thiệt hại ngay cả trong trường hợp hợp đồng không có quy định, thì quyền phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng khi và chỉ khi các bên có thỏa thuận. Và cũng khác với điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quyền áp dụng hình thức phạt vi phạm không phụ thuộc vào việc vi phạm nghĩa vụ có thể gây ra thiệt hại hay chưa mà nó chỉ phụ thuộc vào việc có hay không có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Phạt vi phạm trước hết là phải làm cho bên có nghĩa vụ sợ hãi không dám vi phạm hợp đồng và sau đó là sự đền bù thiệt hại cho bên có quyền mà không cần chứng minh bất cứ một tổn thất nào.

3. Thực tiễn áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong giải quyết tranh chấp thương mại

Trong thực tế, thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng khá phổ biến trong các hợp đồng dân sự và thương mại. Chế tài phạt vi phạm hợp đồng đã phát huy được vai trò phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nâng cao ý thức thực hiện của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân các cấp vẫn còn có một số sai sót, hạn chế hoặc còn có quan điểm giải quyết khác nhau về phạt vi phạm hợp đồng. Cụ thể:

- Nhầm lẫn giữa phạt vi phạm hợp đồng với bồi thường thiệt hại: Trong thực tế không hiếm trường hợp Tòa án sơ thẩm hay phúc thẩm bị coi là có nhầm lẫn giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Xin dẫn một vụ việc cụ thể sau:

Công ty Phượng Lâm và Cửa hàng Huy Quang ký hợp đồng mua bán. Sau đó, hai bên phát sinh tranh chấp. Ngày 01/11/2006, Công ty Phượng Lâm khởi kiện yêu cầu Cửa hàng Huy Quang tiếp tục thực hiện việc khắc phục hậu quả do đã vi phạm hợp đồng. Thay thế toàn bộ thiết bị đã cung cấp cho Công ty Phượng Lâm hoặc nhận lại thiết bị, trả lại tiền; bồi thường thiệt hại cho Công ty Phượng Lâm do phải thuê thiết bị thay thế tính từ ngày 28/9/2006 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm với mức 300.000 đồng/ngày. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty Phượng Lâm yêu cầu Cửa hàng Huy Quang nhận lại toàn bộ hàng, trả lại 190.366.000 đồng và bồi thường thiệt hại do phải chi phí thuê thiết bị thay thế mỗi ngày 150.000 đồng tính từ ngày 01/10/2006 đến ngày 15/7/2007 (285 ngày x 150.000 đồng = 42.750.000 đồng).

Vụ việc đã được giải quyết ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Liên quan đến yêu cầu thanh toán chi phí thuê thiết bị thay thế, theo Tòa giám đốc thẩm, “nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn bồi thường thiệt hại do phải chi phí thuê thiết bị thay thế mỗi ngày 150.000 đồng tính từ ngày 01/10/2006 đến ngày 15/7/2007 là 285 ngày x 150.000 đồng = 42.750.000 đồng, nhưng Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại xác định và coi yêu cầu này là phạt vi phạm là có sự nhầm lẫn nên đã không xem xét giải quyết là không đúng. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế định khác nhau được quy định tại các Điều 292, 301 và 302 Luật Thương mại”.

- Xác định mức phạt bị giới hạn không đúng: Trong thực tế, đôi khi Tòa án áp dụng không đúng mức tối đa cho phép. Ví dụ liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước giếng giữa Doanh nghiệp tư nhân X và Công ty HC, theo Tòa kinh tế Tòa án Nhân dân tối cao, “xem xét, nghiên cứu vụ án thấy hợp đồng hai bên ký kết thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa nên xác định là hợp đồng mua bán được điều chỉnh theo Luật Thương mại. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm áp dụng Luật Thương mại để giải quyết tranh chấp là đúng nhưng khi xét xử lại có sai sót như phạt vi phạm hợp đồng mức 12% trong khi Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 228).[1]

- Quan điểm về phạt vi phạm không còn giá trị khi hợp đồng chính vô hiệu: Trong thực tế, theo một số bản án nếu bản thân hợp đồng mà biện pháp phạt vi phạm là chế tài cho việc thực hiện vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm không có giá trị pháp lý. Ví dụ: Công ty Seaco ký hợp đồng kinh tế với Công ty Tấn Lộc. Một thời gian sau, các bên có tranh chấp và Tòa án địa phương áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Nhưng theo Tòa án nhân dân tối cao, hợp đồng này là vô hiệu và việc Tòa án “giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và giải quyết Công ty Seaco phải chịu phạt vi phạm hợp đồng, phải bồi thường là không đúng quy định hiện hành của pháp luật.[2]” Tương tự, trong một tranh chấp khác, theo Tòa án Nhân dân tối cao, “xét thấy hợp đồng số 06 là hợp đồng kinh tế nhưng được ký kết trái với quy định của pháp luật, trái với chỉ đạo của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, trái với mục đích dự án được phê duyệt. Vì vậy, hợp đồng trên bị coi là không có giá trị về mặt pháp lý, là hợp đồng vô hiệu toàn bộ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 18 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Việc xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ được quy định tại Điều 39 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Bản án sơ thẩm xác định hợp đồng số 06/HĐKT ngày 13/4/2005 là hợp đồng hợp pháp để xử phạt Công ty Phát triển công nghệ do đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ pháp lý như đã phân tích ở trên.[3]

Như vậy, trong những ví dụ trên, khi hợp đồng mà chế tài phạt vi phạm được thiết lập để đảm bảo thực hiện bị tuyên bố vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm không có giá trị pháp lý.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Thứ nhất, đối với điều khoản phạt vi phạm hợp đồng: Phạt vi phạm hợp đồng là một biện pháp chế tài thương mại được đặt ra khi các bên chủ thể có sự thỏa thuận về chế tài này. Vì thế chế tài phạt vi phạm hợp đồng sẽ không được đặt ra kể cả trong trường hợp hợp đồng có sự vi phạm mà các bên không thỏa thuận. Theo tinh thần của Luật Thương mại năm 2005, điều khoản này phải được ghi nhận là một điều khoản trong hợp đồng, trong khi đó nếu sau khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật, đã được các bên chủ thể thực hiện nhưng sau đó muốn có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thì các bên có thể thiết lập phụ lục hợp đồng độc lập với hợp đồng về điều khoản này hay không? Chúng tôi cho rằng, khi hợp đồng đã được thực hiện và chưa phát sinh ra hành vi vi phạm hợp đồng thì việc các bên đã có một thỏa thuận nào đó về phạt vi phạm hợp đồng mà độc lập với hợp đồng thì pháp luật nên quy định mở rộng thêm về trường hợp này nhằm đảm bảo tối đa được quyền và lợi ích cho các bên tham gia hợp đồng.

Thứ hai, liên quan đến mức phạt khi áp dụng chế tài phạt vi phạm (8%): Việc pháp luật quy định mức phạt 8% là nhằm hạn chế quyền tự do thỏa thuận của các bên bởi lẽ qua mức phạt trần thì Nhà nước có thể dễ dàng kiểm soát được sự thỏa thuận của 2 bên, đặc biệt là những thỏa thuận tự phát nhằm thu lợi bất chính trừ hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, với mức phạt 8% đến nay vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, Luật Thương mại cần đưa ra quy định hợp lý hơn liên quan đến mức phạt vi phạm, cụ thể là:

Pháp luật có thể quy định “mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ của hợp đồng”. Như vậy, mức phạt vẫn được giữ nguyên là 8% nhưng được tính trên phần nghĩa vụ của hợp đồng mà không phải là trên toàn hợp đồng. Điều này sẽ hợp lý bởi vi phạm đến đâu thì phải bồi thường đến đó, không phải vì vi phạm một nghĩa vụ mà phải gánh chịu toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng và pháp luật cũng cần quy định rõ “trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm thì phần vượt quá sẽ không có giá trị pháp lý”. Các quy định này sẽ góp phần giải quyết tình trạng là các bên tùy tiện thỏa thuận mức phạt cao hơn giá trị bồi thường thực tế mà vẫn đảm bảo sự tự do thỏa thuận của các bên về mức phạt trong giới hạn mức trần Nhà nước đưa ra. Liên quan đến mức phạt 8% nói trên, pháp luật nên có thêm quy định cụ thể cho phép Tòa án hạ mức tiền phạt mà các bên đã thỏa thuận theo yêu cầu của bên vi phạm nếu họ chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra thấp hơn nhiều so với mức phạt vi phạm mà các bên đã thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng. Thông thường, khi áp dụng mức phạt vi phạm hợp đồng, Tòa án thường áp dụng mức 8%. Vì vậy, theo tác giả, nếu có đủ căn cứ chứng minh do bên vi phạm cung cấp, thì việc áp dụng mức phạt 8% nên được áp dụng bởi việc giải quyết bất kỳ tranh chấp nào cần được đặt trong lợi ích chung của tất cả các bên tham gia hợp đồng thương mại.

Pháp luật cũng cần có biện pháp xử lý chung khi sự thỏa thuận của các bên vượt quá mức phạt do luật định. Để trực tiếp làm giảm sự thiếu thống nhất khi xử lý vấn đề này trong thực tiễn thương mại. Luật Thương mại cũng không nêu rõ mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài hủy hợp đồng. Tính chất của chế tài hủy hợp đồng sẽ liên quan đến sự tồn tại của hợp đồng, nhưng đã có những trường hợp chế tài này không đủ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm. Bởi vậy, việc phạt vi phạm dẫn đến hủy bỏ hợp đồng rất có thể gây thiệt hại trực tiếp cho bên vi phạm.

Sẽ hợp lý hơn nếu Luật quy định việc áp dụng chế tài phạt vi phạm bên cạnh chế tài hủy bỏ hợp đồng để bên bị vi phạm lấy lại phần nào sự cân bằng về thiệt hại đã mất. Phạt vi phạm là một chế tài có thể áp dụng không cần đến yêu tố thiệt hại thực tế. Điều này đã được Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng quy định rõ tại khoản 1 Điều 9:509: “Khi hợp đồng có quy định bên không thực hiện hợp đồng sẽ phải trả một khoản tiền do không thực hiện đúng hợp đồng thì khoản tiền này được thanh toán cho bên có quyền độc lập với thiệt hại thực tế của bên có quyền.”

Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, nếu trường hợp thiệt hại thực tế tồn tại thì phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại có được kết hợp với nhau hay không? Câu trả lời chưa có sự thống nhất giữa Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự.

Thứ ba, Luật Thương mại chỉ đề cập đến việc miễn trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do thỏa thuận của các bên, hoặc đó là thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng mà do lỗi của cả 2 bên, lỗi 1 bên ít hơn, thì giải quyết như thế nào, áp dụng chế tài ra sao? Hiện tại, câu trả lời vấn đề này không cụ thể trong Luật Thương mại. Vậy cần phải bổ sung vấn đề này trong tương lai để làm căn cứ, cách tính trong phạt vi phạm hợp đồng.

5. Kết luận

Quy định về chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong pháp luật thực định Việt Nam, nhất là trong Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự còn có những hạn chế, thiếu tính nhất quán, chưa đồng bộ với pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật quốc tế nói chung. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện quy định về chế tài phạt vi phạm là cần thiết.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Một số nội dung rút kinh nghiệm về giải quyết các vụ án kinh tế (Tài liệu phục vụ thảo luận tại Tổ trong Hội nghị tổng kết ngành Tòa án nhân dân năm 2006).

[2] Quyết định 06/UBTP-KT ngày 11/3/1998 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[3] Bản án 194/2006/KDTM-PT ngày 06/10/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Văn Tranh (2017), Chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại Việt Nam, NXB. Tư pháp, Hà Nội.
  2. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật hợp đồng phần chung, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  3. Nguyễn Như Phát, Lê Thị Thu Thủy (2003), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay, NXB. Công an Nhân dân, Hà Nội.

 Perfecting legal provisions on the penalty for breach of contract in Vietnam

Master. Hoang Thanh Giang

Faculty of Law, Thuongmai University

SUMMARY:

The penalty for breach of contract is not simply a measure to secure the performance of an obligation or a form of contractual liability. It is a flexible and effective legal tool to fight for the correct and complete performance of a legal contract. The penalty for breach of contract can be imposed immediately when the breach is committed instead of waiting until the loss caused by the breach incur. Legal provisions on the penalty for breach of contract under the Civil Codes and the Law on Commerce in Vietnam still have some inadequacies and they are inconsistent, sometimes creating incorrect interpretation and enforcement.

Keywords: sanction, penalty for violations, contract, Civil Codes, commercial law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]