Một số bất cập trong quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc

ThS. NGUYỄN TRÍ CƯỜNG (Văn phòng công chứng Cửu Long, thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Việc để lại tài sản cho người thân là quyền dân sự của công dân. Quyền này được Hiến pháp và pháp luật dân sự thừa nhận và bảo vệ. Do đó, người có tài sản được quyền lập di chúc nhằm để lại tài sản cho người khác sau khi chết. Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) đã có sự hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về chế định thừa kế. Tuy nhiên, còn một số vấn đề vướng mắc trong áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu một số bất cập và hướng hoàn thiện trong các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc trong BLDS 2015.

Từ khoá: di chúc, thừa kế theo di chúc, hình thức di chúc.

 

1. Đặt vấn đề

Theo quy định từ Điều 627 đến Điều 631 của BLDS 2015 thì nhìn chung, pháp luật đã khẳng định vai trò điều tiết các quan hệ thừa kế một cách rõ ràng, nhưng không hoàn toàn làm mất đi quyền tự nhiên thuộc về mỗi cá nhân đó. Những quy định về độ tuổi, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người lập di chúc được ghi nhận khá chi tiết trong phần chung đối với giao dịch và phần riêng về di chúc. Việc ghi nhận này cần thiết vì những lý do sau:

- Về phía Nhà nước: Nhằm đảm bảo tính khách quan khi đóng vai trò điều tiết các quan hệ xã hội, việc quy định các vấn đề về người thừa kế mang lại sự ổn định, trật tự, xã hội hơn. Quy định về độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người lập di chúc một cách rõ ràng để: (i) đảm bảo quyền, lợi ích đặc biệt là lợi ích tinh thần cho chính họ trong việc thể hiện sự định đoạt tài sản của mình; (ii) sự định đoạt là trung thực với ý chí của họ; (iii) đảm bảo tính đặc thù của loại giao dịch là di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập chết đi và sự phân chia di sản thừa kế theo di chúc ít gặp trở ngại nhất… Nhà nước mong muốn loại bỏ nhiều tranh chấp không đáng có. Điều này tạo ra sự công bằng, hợp lý đối với các chủ thể của quan hệ thừa kế.

- Về phía người lập di chúc, người thừa kế: Pháp luật khẳng định người lập di chúc phải là cá nhân có tài sản để lại và ý chí trong di chúc phải là ý chí của chính cá nhân đó. Điều này được lý giải rằng, cơ chế đại diện sẽ không tồn tại trong hoạt động lập di chúc và việc lập di chúc được kết luận mang lại lợi ích tinh thần cho người xác lập ra nó. Do đó, độ tuổi trưởng thành, khả năng nhận thức và thực hiện hành vi theo mong muốn của bản thân khẳng định sự chín chắn, thấu đáo trong suy nghĩ của người lập di chúc. Qua đó, người lập di chúc cũng đạt được những lợi ích chính đáng về mặt tinh thần khi thực hiện quyền lập di chúc để lại sự kế thừa tài sản của mình cho ai đó. Đồng thời, khi thực hiện quyền lập di chúc theo quy định của pháp luật, người lập di chúc được đảm bảo về niềm tin rằng, nội dung di chúc sẽ được thực hiện khi họ qua đời. Bên cạnh đó, nội dung của di chúc còn xác định quyền hưởng hoặc nghĩa vụ phải thực hiện đối với người thừa kế. Đây cũng là cơ sở để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của chính những người thừa kế với nhau hoặc với các chủ thể khác. Cho nên, quy định về năng lực của người lập di chúc càng khẳng định được vai trò khi thuyết phục các chủ thể liên quan tới chính bản di chúc đó.

- Ở khía cạnh xã hội: Quy định của pháp luật về người lập di chúc thực sự đảm bảo các yếu tố tình và lý cho loại quan hệ di chúc mà một người trước khi chết mong muốn xác lập. Quy định này còn mang tới sự ổn định, trật tự xã hội rõ ràng khi cá nhân chết đi. Điều này khẳng định rõ hơn vai trò của Nhà nước khi điều chỉnh quan hệ thừa kế theo di chúc bằng pháp luật.

2. Thừa kế theo di chúc theo quy định của pháp luật Việt Nam

2.1. Di chúc

BLDS 2015 không nêu rõ khái niệm thừa kế theo di chúc là gì, mà chỉ quy định khái niệm di chúc tại Điều 624 như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Từ khái niệm di chúc và các quy định của BLDS 2015 về thừa kế theo di chúc có thể hiểu: Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo quyết định của người để lại di sản trước khi chết thể hiện qua di chúc.

2.2. Các hình thức của di chúc

Pháp luật Việt Nam hiện hành thừa nhận 2 hình thức của di chúc là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Tuy nhiên, hình thức di chúc bằng văn bản được khuyến khích sử dụng hơn di chúc miệng. Điều này thể hiện rõ trong quy định tại Điều 627 BLDS 2015: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Theo quan điểm của tác giả, nguyên nhân di chúc bằng văn bản được khuyến khích hơn di chúc miệng là bởi những điểm ưu việt trong việc đảm bảo thực thi của loại di chúc này.

2.2.1. Di chúc bằng văn bản

Theo quy định tại Điều 628 BLDS 2015, di chúc bằng văn bản được phân chia thành 4 loại riêng biệt, đó là:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Đây là loại di chúc do người lập tự viết và ký vào bản di chúc, không có bất kỳ sự chứng kiến của người thứ hai. Loại di chúc này sẽ có hiệu lực khi đảm bảo được đầy đủ các nội dung bắt buộc của loại di chúc bằng văn bản, đó là phải có các nội dung như thời gian lập di chúc; họ tên và địa chỉ cư trú của người lập di chúc; tên đầy đủ của các nhân, tổ chức được hưởng di sản và di sản để lại cũng như nơi có di sản. Di chúc phải không chứa các ký tự viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, phải có số thứ tự trang với đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc ở mỗi trang. Một điểm lưu ý đối với loại di chúc này là di chúc phải được viết tay bằng chính nét chữ của người lập di chúc mới đảm bảo giá trị hiệu lực, bản đánh máy được xem là không có giá trị pháp lý.

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Khác với di chúc không có người làm chứng, loại di chúc này có thể thể hiện dưới hình thức văn bản đánh máy hoặc văn bản người lập di chúc nhờ người khác viết hộ. Loại di chúc này khắc phục được những điểm yếu của loại di chúc không có người làm chứng, tạo điều kiện cho những người bị hạn chế về tinh thần, thể chất như không thể đọc, không thể viết được quyền nhờ người khác giúp đỡ công cụ để họ thực hiện quyền định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời. Loại di chúc này bắt buộc phải có tối thiểu 2 người làm chứng không thuộc đối tượng không được làm chứng cho người lập di chúc theo quy định tại Điều 632 BLDS 2015, đó là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Di chúc viết xong phải do người làm chứng đọc to cho mọi người nghe, được người lập di chúc thừa nhận là di chúc viết hộ ghi đầy đủ và phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, nếu điểm chỉ thì trong di chúc phải ghi rõ lý do không ký được. Những người làm chứng xác nhận chữ ký hoặc xác nhận điểm chỉ của người lập di chúc và ký tên vào bản di chúc với danh nghĩa người làm chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có công chứng và Di chúc bằng văn bản có chứng thực. BLDS 2015 không có quy định nào bắt buộc di chúc phải công chứng hay chứng thực, di chúc có thể thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau như bằng miệng, bằng văn bản. Bằng văn bản có thể công chứng, chứng thực hoặc không công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực nếu thỏa mãn đầy đủ các quy định về hình thức và nội dung luật định. Tuy vậy, nếu người lập di chúc muốn có cơ sở pháp lý cao nhất và vững chắc thì người muốn lập di chúc nên lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hay tại UBND cấp xã, phường, hoặc mang di chúc mà tự tay người lập di chúc viết đem ra tổ chức hành nghề công chứng, hay UBND cấp xã để chứng thực. Trong các loại di chúc, đây là 2 loại di chúc có “giá trị thực thi” cao nhất.

2.2.2. Di chúc miệng

Di chúc miệng là sự thể hiện ý chí  muốn để lại tài sản của mình bằng lời nói của cá nhân nhằm dịch chuyển tài sản của người lập di chúc theo quy định của pháp luật cho người khác sau khi chết. Di chúc miệng được pháp luật công nhận với mục đích đảm bảo một cách tuyệt đối quyền tự định đoạt tài sản của người lập di chúc trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.

Về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng, theo quy định tại Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015, di chúc miệng chỉ hợp pháp khi người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng, những người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Đồng thời, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày lập di chúc, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ của những người làm chứng. Như vậy, với quy định này, di chúc miệng có hình thức gần như tương đương với loại di chúc bằng văn bản có chứng thực, chỉ khác là người ký tên điểm chỉ trong di chúc không phải là người lập di chúc mà là những người làm chứng cho việc lập di chúc.

Với tính chất là một giải pháp tức thời tại thời điểm người lập di chúc bị đe dọa về tính mạng nên thời hạn có hiệu lực của di chúc miệng cũng được pháp luật giới hạn. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 629 BLDS 2015, di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ nếu sau 3 tháng kể từ thời điểm lập di chúc mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt.  

3. Những bất cập còn tồn tại trong các quy định của pháp luật Việt Nam về thừa kế theo di chúc

3.1. Di chúc của người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 625 BLDS 2015, trường hợp người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Quy định này còn tồn tại 2 bất cập sau đây có thể ảnh hưởng đến quyền định đoạt tài sản của đối tượng người chưa thành niên này, đó là:

Thứ nhất, việc lập di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Quy định này phải chăng đã giới hạn quyền tự định đoạt tài sản của người lập di chúc? Bởi ý chí của cha, mẹ hoặc người giám hộ chưa hẳn là ý chí của người lập di chúc. Hơn nữa, trong trường hợp tính mạng của người chưa thành niên bị đe dọa, người này lập di chúc miệng dưới sự chứng kiến của ít nhất 2 người đủ điều kiện làm người chứng kiến và di chúc sau đó được chứng thực hợp pháp thì liệu di chúc miệng đó có hiệu lực hay không khi chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc người đó lập di chúc? Nếu sau khi người đó chết mà cha, mẹ hoặc người giám hộ, bằng ý chí chủ quan của họ, thể hiện rằng họ không đồng ý với việc lập di chúc miệng của người chưa thành niên đó thì phải chăng di chúc đó sẽ đương nhiên không có giá trị pháp lý?

Thứ hai, về hình thức thể hiện sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về thời điểm thể hiện sự đồng ý hay hình thức ghi nhận sự đồng ý. Điều này sẽ gây nên nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng vì chưa có những hướng dẫn áp dụng một cách thống nhất và đồng bộ.

3.2. Thời hạn chứng thực di chúc miệng

Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015, di chúc miệng chỉ được xem là hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về số lượng người làm chứng và phải được chứng thực trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ thời điểm lập di chúc. Tác giả hiểu mục đích của việc giới hạn thời hạn ngắn ngủi 5 ngày làm việc để chứng thực di chúc là xuất phát từ bản chất cấp bách của việc lập di chúc, đồng thời cũng đảm bảo hạn chế tối đa việc ý chí của người lập di chúc bị thay đổi vì bất cứ lý do khách quan hay chủ quan nào của những người làm chứng và người liên quan khác. Tuy vậy, thời hạn năm ngày làm việc là một thời hạn tương đối ngắn, trong nhiều trường hợp những người làm chứng dù cố gắng hết sức vẫn không thể chứng thực được di chúc trong thời hạn luật định. Chẳng hạn như thời điểm lập di chúc miệng là thời điểm đang có thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh, việc chứng thực di chúc không thể thực hiện đúng thời hạn luật định. Pháp luật hiện hành vẫn còn bỏ ngỏ những trường hợp ngoại lệ như thế.

3.3. Hình thức của di chúc

Pháp luật nước ta hiện nay chỉ mới thừa nhận 2 hình thức của di chúc là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Đây là 2 hình thức lâu đời không chỉ được áp dụng riêng trong di chúc mà còn được áp dụng đối với hầu hết các hợp đồng, giao dịch dân sự hiện nay. Các hình thức này, mỗi hình thức đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng đều có điểm chung là tất cả đều được thể hiện dưới dạng một văn bản hiện hữu.

Trong thời đại kỹ thuật số 4.0 như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị công nghệ ngày càng phổ biến và dễ dàng. Các hình ảnh, bản ghi âm, ghi hình do các thiết bi này sao chụp, ghi âm, ghi hình cũng là những tư liệu đáng tin cậy. Pháp luật Dân sự quy định những điều kiện chặt chẽ về hình thức và nội dung của mỗi loại di chúc cũng chỉ nhằm đảm bảo tính tin cậy, đúng ý chí của người để lại di chúc. Như vậy, tại sao pháp luật lại không thừa nhận những hình thức thể hiện khác của di chúc trong khi những hình thức thể hiện như hình ảnh, bản ghi âm, ghi hình cũng có độ chính xác và tin cậy cao?

Tìm hiểu pháp luật Dân sự của Trung Quốc, tác giả được biết,  bên cạnh 2 hình thức lập di chúc truyền thống như pháp luật nước ta, Trung Quốc đã cho phép lập di chúc dưới hình thức ghi âm, ghi hình. Cụ thể, theo quy định tại Điều 1137 BLDS năm 2020 của nước này có quy định “Nếu lập di chúc bằng hình thức ghi âm, ghi hình, phải có 2 người trở lên có mặt chứng kiến. Người lập di chúc và người chứng kiến phải ghi lại danh tính hoặc hình ảnh của mình cùng ngày, tháng, năm trong bản ghi âm, ghi hình”.

Đồng thời,  di chúc được lập bằng hình thức ghi âm, ghi hình được đánh giá cao về mặt pháp lý hơn so với hình thức di chúc miệng. Điều này đã thể hiện trong quy định tại Điều 1138 BLDS năm 2020 của Trung Quốc: “Trong tình huống khẩn cấp, người lập di chúc có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng phải có 2 người trở lên có mặt làm chứng. Khi tình huống nguy hiểm đã không còn và nếu người lập di chúc có khả năng dùng hình thức văn bản hoặc ghi âm, ghi hình để lập di chúc thì di chúc miệng đã lập vô hiệu”.

Theo quan điểm chủ quan của tác giả, đây là những quy định pháp luật rất tiến bộ và bắt kịp sự phát triển của kinh tế, đời sống, khoa học công nghệ của xã hội đương thời.

4. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc

Để hạn chế những bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về thừa kế theo di chúc, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đối với việc lập di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần quy định rõ hình thức thể hiện sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc những người này lập di chúc cùng với thời điểm thể hiện sự đồng ý để thống nhất cách hiểu và áp dụng trên thực tiễn. Đồng thời, quy định những trường hợp ngoại lệ mà di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ vẫn có hiệu lực, chẳng hạn như trong trường hợp lập di chúc miệng như phân tích ở trên.

Thứ hai, đối với thời hạn chứng thực di chúc miệng, tác giả vẫn đồng tình với thời hạn 5 ngày làm việc như luật thực định. Tuy nhiên, nên quy định những trường hợp ngoại lệ của thời hạn này, chẳng hạn như trong các trường hợp đang có thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh,… Trên quan điểm đó, tác giả đề xuất bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 như sau:

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng, trừ trường hợp bất khả kháng. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn chứng thực di chúc miệng.”

Thứ ba, quy định thêm các hình thức lập di chúc mới ngoài di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Việc công nhận hình thức ghi âm, ghi hình đối với di chúc cũng là một giải pháp cần được cân nhắc áp dụng trong pháp luật nước ta để vừa đa dạng hình thức lập di chúc, tạo sự thuận tiện cho người lập di chúc, đặc biệt trong những tình huống cấp thiết; vừa giúp cho các quy định của pháp luật “xích lại gần hơn” với thực trạng phát triển của đời sống xã hội. Có như vậy thì pháp luật mới thật sự đi vào đời sống con người và đảm bảo được hiệu quả thực thi trên thực tiễn.

5. Kết luận

Các quy định về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy vẫn còn có một số hạn chế nhất định, chưa phù hợp về mặt lý luận, cũng như xu thế chung của pháp luật hiện đại. Chính vì vậy, cần có những quy định hướng dẫn, bổ sung các quy định của pháp luật thực định về thừa kế để đảm bảo sự hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu xã hội của pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên thực tiễn,

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự năm 2005.
  3. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học - Những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, NXB Hồng Đức -- Hội Luật gia Việt Nam, tr.572.
  4. Lê Khánh Linh - Trương Huỳnh Nga - Nguyễn Minh Tâm - Hoàng Thảo Anh, Trần Kiên (2021), Bộ luật Dân sự Trung Quốc 2020 - Bản dịch và lược giải, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.335.

Some shortcomings in provisions on inheritance according to the will

Master. Nguyen Tri Cuong

Cuu Long Notary Office, Can Tho city

ABSTRACT:

Leaving property to relatives is a civil right of citizens. This right is recognized and protected by civil law. A person who has the property is entitled to make a will to leave the property to others after his or her death. The 2015 Civil Code took effect from January 1, 2017 to replace the 2005 Civil Code with a more complete and clearer legal framework. However, the 2015 Civil Code’ s provisions on inheritance according to the will still has some problems. This paper researches some shortcomings of these provisions and proposes some directions for improving the effectiveness of the 2015 Civil Code’ s provisions on inheritance according to the will.

Keywords: will, inheritance by will, types of will.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]