Một số đề xuất đào tạo sinh viên khối ngành kinh tế định hướng công dân toàn cầu

ThS. Huỳnh Diệu Ngân (Giảng viên Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH University)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế là yếu tố then chốt của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, việc đào tạo sinh viên được đưa lên hàng đầu, là bước đột phá chiến lược của quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng nhanh và rộng, đòi hỏi sinh viên phải trở thành những công dân toàn cầu. Bài viết đã nêu lên sự cần thiết trong việc định hướng sinh viên trở thành công dân toàn cầu, điều kiện để trở thành công dân toàn cầu của sinh viên khối ngành kinh tế, từ đó đưa ra một số đề xuất đào tạo cho giảng viên và sinh viên.

Từ khóa: công dân toàn cầu, đào tạo, khối ngành kinh tế, sinh viên, toàn cầu hóa.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kỷ nguyên vạn vật được kết nối với Internet với những đột phá về công nghệ, kỹ thuật số, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo,... Ngay khi cuộc cách mạng này được hình thành, nó đã tác động to lớn đến đời sống xã hội của loài người, dần đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Nó thay thế tất cả những lao động chân tay trong các nhà máy, xí nghiệp, dây chuyền sản xuất, chỉ cần là những động tác lặp đi lặp lại thì dù cần kỹ năng cao thế nào, cũng sẽ được thay thế bằng máy móc. Thế giới phẳng mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng rất nhiều thách thức cho tất cả những cá thể tham gia. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển của một quốc gia, giúp khai thác được các nguồn lực khác, phát huy thế mạnh và tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới, sinh viên (SV) Việt Nam nói chung và khối ngành kinh tế nói riêng đang đứng trước sức ép cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Có thể thấy, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt ở những vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, để có thể vượt qua khuôn khổ của một quốc gia, một khu vực, tìm được chỗ đứng cho bản thân, SV Việt Nam cần trở thành công dân toàn cầu để có thể đáp ứng mọi nhu cầu tuyển dụng và thích nghi khi sống và làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới,

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Định nghĩa công dân toàn cầu

Công dân toàn cầu (CDTC) là một thuật ngữ đã xuất hiện nhiều thập kỷ nay, nhưng ở Việt Nam, cụm từ này mới chỉ được nhắc đến trong vài năm gần đây. Giới trẻ Việt Nam hiểu đơn giản CDTC là những người có xu hướng dịch chuyển giữa nhiều quốc gia, tự tin, bản lĩnh vươn mình ra thế giới. Thế giới phẳng chính là xu hướng xóa bỏ mọi rào cản về mặt địa lý, khiến cho công dân của mỗi quốc gia có cơ hội làm việc ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Đại học British Columbia - viện đại học lớn nhất và nổi tiếng nhất Vancouver, Canada, CDTC là người luôn tìm kiếm và hướng tới những công việc góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn, những người có tư duy vượt ra khỏi ranh giới về văn hóa, ngôn ngữ, luôn công nhận và tôn trọng sự đa dạng cũng như giá trị riêng của mỗi người.

Theo Oxfam, một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, một CDTC là người có ý thức về vai trò của bản thân trong thế giới rộng lớn, tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng, hiểu về cách thức hoạt động của thế giới, phản đối sự bất công trong xã hội, tham gia vào cộng động ở cấp địa phương và cả toàn cầu, sẵn sàng hành động để tạo ra một thế giới công bằng và bền vững, đồng thời luôn chịu trách nhiệm về hành động của bản thân (Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Ngô Thị Hồng Nhung, 2020).

2.2. Sự cần thiết của định hướng sinh viên trở thành công dân toàn cầu

Thứ nhất, thế giới đang có xu hướng xóa bỏ rào cản về địa lý (P.Q, 2019). Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu với tất cả các quốc gia trên thế giới, giúp công dân trên mọi châu lục gắn kết với nhau trên nhiều phương diện. Sự gắn kết về văn hóa xã hội thông qua truyền thông, mạng xã hội, điển hình là việc du lịch qua phim ảnh dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt là ở giới trẻ. Thế giới còn gắn kết kinh tế với nhau thông qua hoạt động thương mại hay chính trị thông qua các mối quan hệ quốc tế. Do đó, một CDTC sẽ có được lợi thế đầu tiên trong việc hòa nhập và theo kịp tốc độ toàn cầu hóa của thế giới.

Thứ hai, trở thành CDTC mang đến nhiều cơ hội việc làm cho SV nói chung và khối ngành kinh tế nói riêng. Thế giới phẳng làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của SV rất nhiều. Ngày càng có nhiều chức vụ quản lý cao cấp của các công ty tại Việt Nam là do người nước ngoài đảm nhiệm. Hay nói cách khác, SV Việt Nam hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà phải cạnh tranh cả với người nước ngoài khi cơ hội việc làm với tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi là như nhau. Để có thể làm việc trong các công ty đa quốc gia, trong môi trường quốc tế, tìm được chỗ đứng của bản thân trong xã hội, SV cần trở thành một công dân có yếu tố toàn cầu.

Thứ ba, đây là độ tuổi thích hợp để rèn luyện cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trên thực tế, để có thể hội nhập với môi trường ngày càng cạnh tranh, mỗi ứng cử viên đều phải trang bị cho bản thân rất nhiều yếu tố. Và sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta học tập ngay khi còn trẻ, nên việc đào tạo khi còn là SV sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn. Đây là độ tuổi thích hợp nhất để hoàn thiện cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ khi đã phát triển đầy đủ về nhận thức, có thể phân biệt đúng hay sai, dễ dàng tiếp thu cái mới và thích ứng với môi trường.

Thứ tư, việc trở thành CDTC còn mang đến cơ hội du học và định cư của SV ở nước ngoài, được tiếp cận nhiều nền văn hóa, tri thức và công nghệ tiên tiến, được đi lại giữa nhiều quốc gia, được sinh sống ở môi trường đa văn hóa, môi trường xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế giới đang biến đổi không ngừng nên trở thành CDTC mang đến cho SV nhiều cơ hội để giao lưu với SV các trường trong nước, các trường quốc tế cũng như SV nước ngoài.

2.3. Điều kiện để trở thành công dân toàn cầu đối với sinh viên khối ngành kinh tế

Thứ nhất, kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm là những tiêu chí được đề ra trong chương trình đào tạo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay. Đó cũng chính là các yếu tố chính giúp rèn luyện để trở thành một CDTC. Năm 2015, Oxfam đã đưa ra các tiêu chí của giáo dục CDTC để trở thành những công dân có khả năng nhận thức được tầm quan trọng của bản thân, hòa đồng, tích cực và tôn trọng người khác (Nguyễn Thị Thanh Nga, 2020). (Bảng 1)

Bảng 1. Các tiêu chí của Oxfam về giáo dục CDTC

huỳnh diệu ngân

Nguồn: Oxfam, 2015

Riêng đối với khối ngành kinh tế, SV cần đáp ứng đủ yêu cầu về khung năng lực số, một yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. SV cần nắm chắc kiến thức lý thuyết về ngành nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, đồng thời áp dụng được vào thực tiễn đời sống và việc làm. Ngoài ra, muốn trở thành CDTC, SV cần có kiến thức toàn cầu, do đó, SV cần mở rộng hiểu biết của mình về cả lĩnh vực văn hóa, xã hội và chính trị để dễ dàng trong việc hòa nhập với thế giới. Đặc biệt hơn, thế giới phẳng mang đến nhiều thách thức dành cho các CDTC, trong đó có các kỹ năng mềm. Để trở thành một người có thể chịu được áp lực và cạnh tranh hơn những ứng viên khác, SV ngành kinh tế cần trau dồi rất nhiều kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng dẫn dắt, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng thuyết trình và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, một trong những vấn đề đang được đề cập trong nhiều năm nay là vấn đề tự tử ở thanh thiếu niên, mà đa số xuất phát từ việc căng thẳng và áp lực trong cuộc sống, do đó, để trở thành một CDTC, SV cần rèn luyện khả năng chịu được áp lực cao cũng như quản lý thời gian một cách hiệu quả. Là một người làm việc trong lĩnh vực kinh tế, SV không những phải chỉ có khả năng làm việc độc lập, linh hoạt, mà còn có thể làm việc tốt trong môi trường nhóm. Đây là một yếu tố then chốt trong việc định hướng trở thành CDTC cho SV.

Thứ hai, để có thể giao tiếp với CDTC, SV cần sử dụng ngôn ngữ toàn cầu. Do đó, SV cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đó là điều kiện tiên quyết, là chìa khóa vàng để xóa bỏ mọi rào cản trong giao tiếp, để SV có cơ hội làm việc trong các công ty đa quốc gia, du học, du lịch hay rộng hơn là bước ra thế giới.

Thứ ba, sự hiểu biết và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng dẫn đầu trong thời đại 4.0. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của chuyển đổi số nên công nghệ được xem là yếu tố sống còn để đạt đến thành công, là nhân tố giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cả trong học tập, nghiên cứu, đời sống và cả sự nghiệp của SV sau khi tốt nghiệp. Hay nói cách khác, SV cần có khả năng thích ứng và làm chủ trong tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Mặt khác, để trở thành CDTC, SV Việt Nam trước tiên cần là công dân Việt Nam (Mark Gerzon. 2011). Giới trẻ hiện nay đã mải mê chạy theo thế giới mà quên mất nhiều chuẩn mực đạo đức cơ bản đối với công dân một quốc gia. Do đó, SV cần được đào tạo để có nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ của một tầng lớp tri thức trẻ, tuân thủ luật pháp, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Là một SV ngành kinh tế, yêu nghề là điều kiện cần, nhưng tuân thủ đạo đức nghề mới là điều kiện đủ để trở thành một CDTC. Hơn thế nữa, việc học ngoại ngữ là quan trọng, nhưng việc tôn trọng cội nguồn cũng quan trọng không kém. Vì thế, trước khi cải thiện ngoại ngữ, SV Việt Nam cũng nên tôn trọng và duy trì sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình.

3. Một số đề xuất đào tạo sinh viên khối ngành kinh tế định hướng công dân toàn cầu

Thứ nhất, nhà trường nói chung và giảng viên nói riêng cần nghiên cứu khung năng lực số và xây dựng chương trình đào tạo năng lực số cho SV, bao gồm kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng khung năng lực số như UNESCO, Hội đồng Thủ thư Đại học Úc (CAUL - Council of Australian University Librarians), Chương trình Tư duy Thời đại số - We think Digital mà Facebook đang triển khai. Việt Nam hiện nay không có khung năng lực riêng mà áp dụng cả ba. Trên thực tế, việc xây dựng một khung năng lực số là nhu cầu tất yếu. Các nhóm năng lực được xác định khá rõ ràng, nhưng nhà trường và giảng viên khối ngành kinh tế cần điều chỉnh cho phù hợp với cách tiếp cận và đặc thù của ngành, đặc biệt cần vượt ra khỏi phạm vi các kỹ năng công nghệ, hướng đến kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội của năng lực số (Vũ Thị Dung & Ngô Thị Huyền, 2019). Ngoài ra, một nhân tố nhằm khẳng định năng lực số của SV được thể hiện ở khâu kiểm tra, đánh giá. Giảng viên cần thiết kế những bài kiểm tra dựa trên khung năng lực số đã được thiết kế. Bài đánh giá có thể chia thành các lĩnh vực tương ứng, và vượt qua tất cả các bài kiểm tra, SV có thể biết được trình độ năng lực số của bản thân, và những năng lực cần phải cải thiện, trau dồi. Đồng thời, nếu hoàn thành bài đánh giá tốt, SV có thể bổ sung một điểm cộng vào trong CV xin việc sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai, các kỹ năng mềm cần được đưa vào trong từng học phần, tạo điều kiện thực hành liên tục và xuyên suốt cho SV. Các kỹ năng mềm ngày càng được chú trọng trong đào tạo đại học. Tuy nhiên, thực tế phản ánh rằng, ở rất nhiều trường, các kỹ năng này được đào tạo một cách riêng lẻ như một học phần bắt buộc. Giảng viên cần giúp SV trau dồi không ngừng để vừa phát triển được kỹ năng, vừa kết hợp với các kiến thức kinh tế được học. Trong từng học phần, bên cạnh các bài kiểm tra về kiến thức, giảng viên nên đa dạng các hình thức như thuyết trình để giúp SV trau dồi kỹ năng nói trước đám đông, phân tích tình huống cũng như tư duy phản biện. Mặt khác, giảng viên có thể sử dụng hình thức viết tiểu luận nhóm để tăng cường kỹ năng viết của SV. Ngoài ra, những cách kiểm tra này sẽ giúp rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian của SV. Bằng cách đa dạng hóa phương pháp dạy cũng như đánh giá, giảng viên đã giúp SV từng bước hòa nhập với cộng đồng, bước đầu tiên trong định hướng trở thành CDTC.

Thứ ba, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tự học. Tự học đóng vai trò quan trọng và ngày càng được đề cao trong giáo dục đại học. Tự học có kế hoạch sẽ tạo nên thói quen và phong cách làm việc lâu dài cho từng cá nhân, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Tự học sẽ trang bị cho SV phương pháp, kĩ năng tự hoàn thiện mình trong suốt cuộc đời. Ngoài những kiến thức chung của khối ngành, kiến thức chuyên ngành, SV cần liên tục cập nhật kiến thức mới bằng cách tự học. Điều quan trọng ở hình thức tự học, giảng viên không tiếp cận giáo dục CDTC với thái độ rằng họ cần nhận lại câu trả lời từ SV mà là cho phép SV tự nhận định, đánh giá tình huống, phản biện, làm việc nhóm và đưa ra quyết định (Genesis school, 2020). Giảng viên có thể áp dụng những phương pháp dạy học tích cực như dạy học giải quyết vấn đề, nghiên cứu tình huống, dạy học theo dự án và dạy học theo nhóm nhỏ (Phạm Viết Vượng, 2008)

Thứ tư, SV kinh tế có thể trau dồi ngoại ngữ không chỉ trong ngôn ngữ hàng ngày mà cả tiếng Anh chuyên ngành hay phỏng vấn. SV có thể bổ sung vốn từ vựng chuyên ngành nhờ vào sự cung cấp của giảng viên trong từng bài học. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, đặc biệt là các lớp tiếng Anh chuyên ngành, nhằm giúp SV không chỉ có kiến thức mà còn có thể truyền tải nó thông qua ngôn ngữ toàn cầu. Đa số các trường đại học hiện nay đều chỉ đưa ngoại ngữ vào trường học như là một học phần thông thường. Nếu SV chỉ hoàn thành những học phần này mà không nâng cao tiếng Anh chuyên ngành, SV sẽ khó có khả năng hội nhập và bắt kịp với những tiến bộ, sự thay đổi không ngừng của thế giới, cũng như khả năng cạnh tranh với các ứng viên khác trong quá trình tuyển dụng. Với một vốn từ vựng tương đối về khối ngành kinh tế, đặc biệt trong chuyên ngành của mình, SV sẽ có thể đào sâu nghiên cứu tài liệu nước ngoài, làm đẹp CV xin việc, lợi thế trong phỏng vấn và chạm tay đến thành công dễ dàng hơn.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thực tập nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học cho SV. Một trong những hình thức tổ chức dạy học cho SV, đồng thời là một khâu trong quá trình đào tạo là tổ chức cho SV tham gia vào quá trình rèn luyện nghiệp vụ thông qua thực tập, kiến tập. Các kỳ thi Olympic khoa học nên được tổ chức định kỳ và thường xuyên trong phạm vi khoa, trường, liên trường và cả nước. Tham quan cũng là một hình thức hấp dẫn, tạo hứng thú và có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục SV định hướng CDTC. Địa điểm tham quan có thể là các công ty, nhà máy, xưởng sản xuất, cảng biển, công ty chứng khoán, các sàn thương mại điện tử. Hơn thế nữa, các chương trình trao đổi SV giữa các trường, các nước là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc đào tạo định hướng SV trở thành CDTC.

4. Kết luận

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mọi thứ đang dần được số hóa, tự động hóa, tạo sức ép đối với thị trường lao động toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc đào tạo SV định hướng CDTC là cần thiết và cấp bách, mang tới nhiều cơ hội cho SV làm việc trong môi trường năng động và cạnh tranh. Nhà trường và giảng viên cần xây dựng khung năng lực số hoàn chỉnh phù hợp với ngành nghề và điều kiện của nhà trường, đồng thời thay đổi các phương pháp dạy để giúp SV có sự chủ động và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao. SV cần phải hoàn thiện cả về kiến thức, kỹ năng, cũng như mức tự chủ và tự chịu trách nhiệm, để từng bước trở thành CDTC, tìm được vị trí của bản thân trong xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Genesis school, (2020). Global Citizenship - Công dân toàn cầu. Truy cập tại: https://genesishanoi.edu.vn/global-citizenship-cong-dan-toan-cau-la-gi/
  2. Mark Gerzon, (2011). Công dân toàn cầu. Thụy Mỹ Quỳnh dịch, NXB Trẻ.
  3. Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Ngô Thị Hồng Nhung, (2020). Quốc tế hóa giáo dục đại học - Giải pháp quan trọng tạo ra những công dân toàn cầu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương, số 561, trang 87-89.
  4. Nguyễn Thị Thanh Nga, (2020). Giáo dục công dân toàn cầu: Nghiên cứu một số trường hợp điển hình và những khuyến nghị. Truy cập tại: https://www.researchgate.net/publication/ 341118878_Giao_duc_cong_dan_toan_cau_truong_hop_dien_hinh_cua_Oxfam.
  5. Q, (2019). Người trẻ Việt cần chuẩn bị gì để trở thành công dân toàn cầu? Truy cập tại: https://tuoitre.vn/nguoi-tre-viet-can-chuan-bi-gi-de-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-2019071614 5520724.htm.
  6. Phạm Viết Vượng, (2008). Lí luận dạy học đại học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  7. Vũ Thị Dung và Ngô Thị Huyền (2019), Mô hình và khung kiến thức số. Tạp chí Thư viện Việt Nam. Số 6. Tr. 27-33.
  8. https://www.oxfam.org/en

SOME TRAINING RECOMMENDATIONS TO ORIENT STUDENTS WITH BUSINESS MAJORS TO BECOME GLOBAL CITIZENS

Master. HUYNH DIEU NGAN

Lecturer, Faculty of Marketing - International Business, Ho Chi Minh City Technology University

ABSTRACT:

As the Fourth Industrial Revolution is taking place rapidly, high-quality human resources that can meet the needs of the domestic labor market and requirements from the international integration process play a key role in the development of each country. To help the country grow rapidly but sustainably, education is considered as a strategic and priority task. The globalization process is happening rapidly and widely and it requires students to become global citizens. This paper points out the needs for guiding and orienting students to become global citizens, presents the global citizen requirements for students with business majors, and proposes some training recommendations for lecturers amd students.

Keywords: global citizen, education, business majors, university student, globalization.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2022]