Một số giải pháp hỗ trợ và phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ ở Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ THU TRANG (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển bùng nổ và dần chi phối phần lớn cuộc sống con người như hiện nay, ứng dụng công nghệ và kinh tế chia sẻ trở thành một xu hướng chiến lược trong kinh doanh. Bài viết đề cập đến những hạn chế của mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển mô hình kinh doanh này.

Từ khóa: dịch vụ lưu trú chia sẻ, thuế, pháp lý, quản lý, giải pháp, hỗ trợ.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế chia sẻ là mô hình “thị trường lai”, trong đó đề cập đến việc chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ (phối hợp thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng). Kinh tế chia sẻ cũng được coi là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản, dịch vụ nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet. Đó là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau.

Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều mô hình kinh tế chia sẻ và gây được sự chú ý của cộng đồng như Uber, Airbnb, Relayrides, TaskRabbit, Car Pooling… Với sự phát triển và hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, các mô hình kinh tế chia sẻ kể trên từng bước phát triển một cách vững chắc, len lỏi vào trong đời sống của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Không đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu, một số mô hình kinh tế chia sẻ đã bước đầu xuất hiện ở Việt Nam, nơi có lực lượng tiêu dùng trẻ hùng hậu với sự nhạy cảm về công nghệ, về cái mới luôn là mảnh đất màu mỡ cho các mô hình kinh tế này tồn tại và phát triển. Điều này diễn ra đặc biệt trong ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú.

2. Một số mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam hiện nay

Đầu tiên phải nói đến mô hình Travelmob, được thành lập từ năm 2012 tại Singapore. Travelmob hiện nay đã có mặt ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tại Việt Nam, phiên bản tiếng Việt của Travelmob tại địa chỉ vn.travelmob. Giống như Airbnb, Travelmob là một trang có thể đăng tải thông tin về việc cho thuê nhà hay phòng ngủ trong thời gian ngắn hạn. Chủ nhà sẽ cung cấp thông tin cần thiết về vị trí, diện tích, giá cả miễn phí trên Travelmob, qua đó du khách sẽ lựa chọn nơi lưu trú phù hợp với nhu cầu của họ. Chủ nhà sẽ trả một khoản phí dịch vụ khi giao dịch thành công. Travelmob sẽ là trung gian giải quyết các giao dịch tài chính giữa hai bên.

Mô hình thứ hai do người Việt Nam sáng lập, đó là mô hình Luxstay. Mô hình Luxstay được thành lập cuối năm 2016 bởi ông Nguyễn Văn Dũng - nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Netlink. Luxstay dựa trên nền tảng trực tuyến kết nối với những chủ nhà, những người có nhu cầu thuê ngắn hạn, trong đó có khách du lịch, hoặc những người muốn kinh doanh… Luxstay ngay lập tức nhận được khoản đầu tư lên tới hàng triệu USD từ các quỹ, như: CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc). Luxstay đã khá nhạy bén kết nối những chủ nhà cho thuê căn hộ du lịch cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng ngắn ngày với những khách hàng yêu thích sự trải nghiệm. Tại thời điểm này, chủ căn hộ hợp tác với Luxstay không những không mất phí, mà còn được hỗ trợ truyền thông và các gói sản xuất hình ảnh hấp dẫn. Với một đội ngũ kiểm soát chất lượng chuyên nghiệp đã sàng lọc kỹ càng từng căn hộ hợp tác listing cộng hưởng với số tiền đầu tư khủng, chẳng mất nhiều thời gian, hãng đã nhanh chóng cán mốc 3.000 chỗ ở là những homestay, khách sạn, biệt thự cao cấp ở hầu hết các tỉnh, thành phố có du lịch phát triển tại Việt Nam. 

3. Một số hạn chế của mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tại Việt Nam

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình kinh doanh chia sẻ không gian lưu trú mang lại. Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người được đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, các mô hình này còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch. Song mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít hạn chế.

Thứ nhất là rủi ro, đối với cả người cho thuê và người đi thuê. Hầu hết các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao... Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở 2014, nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Vì vậy, với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Thứ hai là, sự thiếu hụt về các hành lang pháp lý. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa quan tâm đúng mực, cũng như chưa có bất kỳ động thái nào trong việc nhận diện và xác định cơ chế quản lý đối với mô hình mới này. Có thể nhận thấy đang có sự thiếu bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú. Trong khi các chủ thể kinh doanh theo phương thức truyền thống (khách sạn truyền thống...) đang chịu rất nhiều ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh, cũng như những thủ tục hành chính kèm theo thì những chủ thể kinh doanh thông qua Airbnb hay Luxstay lại không phải chịu những ràng buộc tương tự.

Thứ ba là, thách thức về quản lý thuế do các công ty kinh doanh dịch vụ này không có đại diện ở Việt Nam. Mặc dù Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của những website đặt phòng được áp dụng quy định cơ sở lưu trú ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm tra giám sát thực thi các quy định nêu trên không dễ dàng.

Thứ tư là, thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về thương mại điện tử hiện nay còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Còn thiếu các cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong kinh tế chia sẻ. Do quan hệ hợp đồng mới trong kinh tế chia sẻ là quan hệ “3 bên”, nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này, thay vì xử lý quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây. Nếu không có các quy định rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không nắm được thông tin.

Thứ năm là, hệ thống mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro để lộ ra lỗ hổng về thông tin cho người sử dụng dịch vụ hay là các rủi ro về công nghệ trong quá trình sử dụng. Các quy định về an toàn thông tin cũng còn thiếu liên quan đến việc trách nhiệm các bên khi thông tin bị rò rỉ, mất mát, hay nghiêm trọng hơn là bán thông tin trái phép không được sự đồng ý của khách hàng. Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”, gây khó khăn trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh chia sẻ, nhằm phát huy tối đa việc tận dụng các nguồn lực dư thừa của xã hội và sử dụng hiệu quả hơn các tài sản sẵn có của xã hội.

4. Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ

Thứ nhất, chính quyền cần công nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ nói chung và kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ nói riêng là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin. Kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời, hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế. Để làm được điều đó, cần phải tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ phát triển đi kèm với những chính sách khuyến khích phù hợp, không nên cấm các hoạt động kinh tế này. Hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành để các hoạt động của kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ được quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam (về đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khai báo thông tin, nghĩa vụ đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm...). Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh này.

Đồng thời, cần có những đánh giá tác động của kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tới nền kinh tế để có cơ chế quản lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tính ổn định về mặt kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ và kinh doanh khách sạn truyền thống. Cần phải khẳng định tận dụng tối đa tài nguyên, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với lĩnh vực du lịch khách sạn và người cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn được đề ra. Do đó, để phát huy được lợi ích của mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh lưu trú truyền thống,  đồng thời nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong việc cung ứng dịch vụ, tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ hiện ở mức thấp. Tốc độ nâng cao năng lực cần nhanh chóng hơn để đáp ứng nhu cầu về quản lý nhà nước. Đổi mới quản lý nhà nước theo hướng các Bộ/ngành tăng cường phối hợp với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin; cần có quy chuẩn chung về thu thập xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ phân tích thông tin làm cơ sở đề ra các chính sách phù hợp trong bối cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Thúc đẩy xây dựng
Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025. Đẩy nhanh và mở rộng việc thực hiện Đề án hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp. Thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/NĐ- CP theo hướng quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài (không có đại diện ở Việt Nam) phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khi có cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.

Thứ tư, đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng được thực hiện tốt trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ tăng lên nhanh chóng; Cần có những chính sách hướng dẫn các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có trách nhiệm bảo mật thông tin (không cung cấp thông tin cho bên thứ ba ngoại trừ có yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người có thông tin cho phép) và tuyên truyền nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người khác; Thúc đẩy giao dịch thanh toán xuyên biên giới đều phải thông qua cổng thanh toán quốc gia do một đơn vị làm chủ (đơn vị này do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động); Xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. AirDNA (2019), “Vietnam Homestays Fill Gaps and Provide Opportunities”.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), “Báo cáo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ”.
  3. Hồng Phúc, (2018). Chưa thể thu thuế kinh doanh trên Airbnb. Truy cập tại:
    https://baodautu.vn/chua-the-thu-thue-kinh-doanh-tren-airbnb-d75464.html
  4. Lâm Tùng, (2020). Cấm dùng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê
    theo giờ, ngắn ngày. Người đồng hành - chuyên trang của Tạp chí điện tử Nhịp sống số; Truy cập tại: https://ndh.vn/bat-dong-san/cam-dung-canho-chung-cu-de-kinh-doanh-dich-vu-cho-thue-theo-gio-ngan-ngay-1277704.html
  5. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, (2018). Chuyên đề Số 7: Thựctrạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý nhà nước.
  6. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, (2018). Chuyên đề Số 14: Quảnlý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý choViệt Nam.

 Some solutions to develop the shared accommodation service business model in Vietnam

Master. Nguyen Thi Thu Trang

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In the context of rapid growth of advancements in information technology, the appilcation of technology and the sharing economy have become a strategic trend for businesses. This paper points out the limitations of the shared accommodation service business model in Vietnam and proposes some solutions to develop this business model.

Keywords: shared accommodation services, tax, law, management, solutions, support.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]