Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

ĐỖ ANH ĐỨC (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, việc xây dựng và phát triển phương thức đào tạo trực tuyến nhằm nâng cao năng lực chất lượng giảng dạy trực tuyến tại Việt Nam là một hướng đi phù hợp và nhận được sự quan tâm của các trường đại học trong phát triển phương thức đào tạo. Bài viết này làm rõ quá trình phát triển của đào tạo trực tuyến và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến trong các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Từ khoá: đào tạo trực tuyến, đại học, công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Những thập kỷ gần đây, sự phát triển ổn định trong giáo dục trực tuyến, với các tổ chức cung cấp ngày càng nhiều khóa học và chương trình trực tuyến hơn (Allen & Seaman, 2013; Allen và các cộng sự, 2016). Các tổ chức giáo dục đại học tiếp tục mở rộng các dịch vụ đào tạo trực tuyến của họ để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và làm cho giáo dục đại học có thể tiếp cận được với nhiều sinh viên hơn (Kampov-Polevoi, 2010; Picciano, 2006). Do đó, phương thức đào tạo trực tuyến và giảng dạy trực tuyến đã được phổ biến trên toàn thế giới và được đón nhận tại Việt Nam như một phương thức đào tạo mới, với vai trò quan trọng trong việc thay đổi tư duy của hoạt động giáo dục. Chen và các cộng sự (2010) đã khẳng định việc sử dụng internet và công nghệ truyền thông thông tin đã trở thành một thông lệ phổ biến trong tất cả các khía cạnh của giáo dục đại học.

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, việc xây dựng và phát triển phương thức đào tạo trực tuyến nhằm nâng cao năng lực chất lượng giảng dạy trực tuyến tại Việt Nam đang thể hiện là một hướng đi phù hợp và nhận được sự quan tâm của các trường đại học trong việc phát triển khung chương trình đào tạo. Các trường đại học tại Việt Nam bước đầu nghiên cứu và triển khai dạy trực tuyến từ năm 2002 trở lại đây, thông qua bước đầu tiên là tổ chức các hội thảo về phương thức đào tạo trực tuyến. Đến nay, một số cơ sở đào tạo đã triển khai các phần mềm hỗ trợ đào tạo và đạt được kết quả khả quan, tiêu biểu như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,… Gần đây, Trung tâm Tin học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cổng e-learning nhằm cung cấp một cách có hệ thống các thông tin e-learning trên thế giới và ở Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập mạng e-learning châu Á (Asia E-Learning Network - AEN) với sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông,… Điều này cho thấy tình hình nghiên cứu và ứng dụng loại hình đào tạo trực tuyến đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực, đào tạo trực tuyến ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, điều này phản ánh rõ qua tình hình thực tế các trường đại học trong thời gian qua, đặc biệt là khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh hầu hết các trường đại học không tổ chức cho sinh viên, học viên học tập trung tại giảng đường kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, thay vào đó, triển khai công tác giảng dạy trực tuyến để hạn chế việc tiếp xúc, tập trung đông người. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 25/3/2020, cả nước có 92/240 cơ sở đào tạo đại học (chiếm 38,3%) đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; trong đó 79 cơ sở áp dụng trực tuyến hoàn toàn, 13 cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp. Các cơ sở đào tạo đại học đã bắt đầu ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) có khả năng quản lý quá trình tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá trực tuyến kết hợp với các ứng dụng dạy học trực tuyến, như: Microsoft Teams, Google Meet, Zoom, Zalo,... Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, một số trường đại học tự khi triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến riêng đã gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khi số lượng sinh viên tham gia học trực tuyến lớn. Vì vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến trong các Trường Đại học ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0 là cần thiết và cấp bách.

2. Quá trình phát triển giảng dạy trực tuyến trong giáo dục

Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên nền kinh tế tri thức mà con người có thể tiếp cận một hình thức dạy học khác ngoài hình thức dạy học truyền thống, đó chính là hình thức dạy học từ xa. Với hình thức này, người dạy không nhất thiết phải có mặt trên lớp học, nhưng vẫn chủ động truyền đạt được kiến thứck cho người học . Mốc thời gian được ghi nhận đầu tiên về dạy học từ xa trên thế giới đó là từ những năm 50-60 sau công nguyên đã có việc giảng dạy cho giáo sỹ nhà thờ bằng gửi thư. Trong lịch sử hiện đại, mốc thời gian được ghi nhận từ năm 1840, Isaac Pitman dạy phương pháp ghi tốc ký bằng gửi thư ở Anh.

Trải qua lịch sử phát triển, tên của lĩnh vực này được thay đổi, như: học tại nhà, học qua thư từ, học ngoại khóa, học độc lập và học mở rộng. Tất cả các hình thức này đều liên quan đến các hình thức giảng dạy và cách thức học thích hợp về thời gian và nơi học. Hình thức dạy học từ xa được hình thành với sự tham gia của các công nghệ như công nghệ in ấn (học qua thư từ), công nghệ phát thanh, điện tín,… tới truyền thông đa phương tiện và liên lạc điện tử vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tivi cũng là một lợi thế cơ bản được sử dụng trong dạy học từ xa. Sự phát triển của một mạng lưới tivi được phủ sóng trên phạm vi rộng đã trở nên phù hợp với mô hình lớp học chỉ với một giáo viên tại chỗ và người học ở nhiều địa điểm khác nhau. Trở ngại của phương thức dạy học này là người học phải sẵn sàng học vào giờ phát sóng. Tiếp đó là mạng internet và công nghệ web, cho tới ngày nay là hệ thống học tập điện tử.

Thực tế dạy học từ xa đã bắt đầu với sự xuất hiện của “Trung tâm học tập với sự trợ giúp của máy tính” vào năm 1982 ở Rindge, New Hampshire, Mỹ. Từ năm 1994 - 1995, khi internet trở nên phổ biến, giáo dục trực tuyến đã thực sự bùng nổ. Chính sự phát triển của công nghệ đào tạo trực tuyến, khả năng tổ chức một lớp học ảo và một môi trường học tập ảo đã dần phá vỡ tồn tại của những quan niệm trước đây chưa thực sự coi trọng dạy học từ xa. Hiện nay, một chương trình đào tạo trực tuyến có cấp bằng có thể dễ dàng được tìm thấy từ các trường cao đẳng và chuyên nghiệp. Hệ thống học tập điện tử và các công nghệ dạy học trực tuyến (Interractive, Online) đã được đề cập tới ở hầu hết các cấp học.

Theo tác giả Aranda (2007), đào tạo trực tuyến là một thuật ngữ rất rộng. Nó thường được sử dụng để mô tả môi trường dạy học có sử dụng máy tính. Có rất nhiều công nghệ có thể sử dụng cho đào tạo trực tuyến. Thuật ngữ dạy học từ xa được sử dụng để mô tả một môi trường học tập mà địa điểm lớp học, môi trường dạy học thay đổi so với lớp học truyền thống. Đào tạo trực tuyến bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời gian máy tính được phát triển, do nhu cầu thực hành cá nhân. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ đào tạo trực tuyến, khả năng tổ chức một lớp học ảo và một môi trường học tập ảo (VLE: Virtual Learning Environment) đã dần thay đổi quan niệm chưa thực sự coi trọng đào tạo từ xa khi chuyển từ mô hình giáo dục truyền thống sang đào tạo trực tuyến.

Theo tổ chức Thomson NETg, các làn sóng phát triển của đào tạo trực tuyến (e- learning) được chia thành các giai đoạn như sau: (Hình 1)

- Giai đoạn 1: Kỷ nguyên giảng viên làm trung tâm (trước năm 1983).

Trước khi máy tính được sử dụng rộng rãi, phương pháp giáo dục “Lấy giảng viên làm trung tâm” là phương pháp phổ biến nhất trong các trường học. Học viên chỉ có thể trao đổi tập trung quanh giảng viên và các bạn học. Đặc điểm của loại hình này là chi phí tổ chức đào tạo thấp.

- Giai đoạn 2: Kỷ nguyên đa phương tiện (1984 - 1993).

Hệ điều hành Windows, phần mềm trình diễn powerpoint,... là các công nghệ cơ bản trong kỷ nguyên đa phương tiện. Nó cho phép tạo ra các bài giảng tích hợp hình ảnh và âm thanh trên máy tính, sử dụng công nghệ đào tạo nhờ máy tính (CBT: Computer Based Training), phân phối nội dung giảng dạy qua đĩa CD-ROM hoặc đĩa mềm. Vào bất kỳ thời gian nào, ở đâu, người học cũng có thể mua và học. Tuy nhiên, sự hướng dẫn của giảng viên là rất hạn chế.

- Giai đoạn 3: Làn sóng e-learning thứ nhất (1994 - 1999).

Khi công nghệ Web được phát minh, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo bắt đầu nghiên cứu cách thức cải tiến phương pháp giáo dục bằng công nghệ này thông qua các phương tiện: E-mail, CBT qua Intranet với text và hình ảnh đơn giản, nhờ vậy, đào tạo bằng công nghệ Web với hình ảnh chuyển động tốc độ thấp đã được triển khai trên diện rộng.

- Giai đoạn 4: Làn sóng e-learning thứ hai (sau năm 2000)

Các công nghệ tiên tiến và băng thông internet được nâng cao, các công nghệ thiết kế Web tiên tiến đã trở thành một cuộc cách mạng trong giáo dục, đào tạo để hình thành các hệ thống đào tạo trực tuyến. Ngày nay, thông qua đào tạo trực tuyến, giảng viên có thể hướng dẫn trực tuyến (hình ảnh, âm thanh, các công cụ trình diễn) tới mọi người học, nâng cao chất lượng giảng dạy. Công nghệ đào tạo trực tuyến đã ngày càng chứng tỏ có khả năng mang lại hiệu quả cao trong giáo dục đào tạo, cho phép đa dạng hóa các môi trường học tập (trao đổi thông tin, giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá). Tất cả những điều đó tạo ra một cuộc cách mạng trong giáo dục, đào tạo với giá thành rẻ, chất lượng cao và hiệu quả. Đó chính là làn sóng thứ 2 của đào tạo trực tuyến. Hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn của làn sóng này.

E-learning phát triển không đồng đều tại các khu vực trên thế giới. E-learning phát triển mạnh nhất ở khu vực Bắc Mỹ. Ở châu Âu, e-learning cũng rất có triển vọng, trong khi đó châu Á lại là khu vực ứng dụng công nghệ này ít hơn. Tại Mỹ, dạy và học điện tử đã nhận được sự ủng hộ và các chính sách trợ giúp của Chính phủ ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Theo số liệu thống kê của Hội Phát triển và Đào tạo Mỹ (American Society for Training and Development, ASTD), năm 2000, Mỹ có gần 47% các trường đại học, cao đẳng đã đưa ra các dạng khác nhau của mô hình đào tạo từ xa, tạo nên 54.000 khóa học trực tuyến.  Trong những gần đây, châu Âu đã có một thái độ tích cực đối với việc phát triển công nghệ thông tin cũng như ứng dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là ứng dụng trong hệ thống giáo dục. Ngoài việc tích cực triển khai e-learning tại mỗi nước, giữa các nước châu Âu có nhiều sự hợp tác đa quốc gia trong lĩnh vực e-learning. Điển hình là dự án xây dựng mạng xuyên châu Âu EuroPACE. Đây là mạng e-learning của 36 trường đại học hàng đầu châu Âu thuộc các quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Anh, Pháp cùng hợp tác với công ty e-learning của Mỹ Docent nhằm cung cấp các khóa học về các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, con người phù hợp với nhu cầu học của các sinh viên đại học, sau đại học, các nhà chuyên môn ở châu Âu.

Tại châu Á, e-learning vẫn đang ở trong tình trạng sơ khai, chưa có nhiều thành công do một số nguyên nhân, như: các quy tắc,  sự ưa chuộng đào tạo truyền thống của văn hóa châu Á, vấn đề ngôn ngữ không đồng nhất, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và nền kinh tế lạc hậu ở một số quốc gia. Một số quốc gia, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển tại châu Á đang có những nỗ lực phát triển e-learning như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,Trung Quốc,... Thị trường e-learning đang phát triển với tốc độ chóng mặt và lan rộng ra toàn thế giới. Theo xu thế đó, việc nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Sự phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới về giảng dạy đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải chú ý nhiều hơn đến bản chất và chất lượng của trực tuyến nói chung và trong giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu giải quyết vấn đề chất lượng trong các chương trình trực tuyến (Fresen, 2002; Sonwalkar, 2002). Phần lớn các nghiên cứu về giáo dục từ xa trước năm 1990 dành để tìm hiểu sự khác biệt giữa các khóa học truyền thống và đào tạo từ xa. Những nghiên cứu này đã tập trung vào việc so sánh kết quả học tập theo phương pháp truyền thống và phương hướng đào tạo từ xa hoặc sự hài lòng của sinh viên (Arbaugh, 2000).

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến trong các trường Đại học tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ số tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất (Đỗ Anh Đức & Nguyễn Tuấn Anh, 2017) đã tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới (Đỗ Anh Đức, 2020). Một số giải pháp sau đây sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên về vai trò và lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, hiểu đúng về bản chất giảng dạy trực tuyến trong việc đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, phương pháp dạy học, đáp ứng nhu cầu của người học và nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đại học cần thường xuyên cử cán bộ, giảng viên tham gia các chương trình hội thảo, các lớp bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, về giảng dạy trực tuyến, bồi dưỡng theo kế hoạch hoặc gửi học theo các lớp của các dự án giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc của các trường thuộc hệ thống các trường đại học, cao đẳng,... nhằm nâng cao nhận thức về triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp quản lý, giảng dạy và học tập trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

Thứ hai, các trường đại học cần đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên nắm chắc các quy trình tổ chức giảng dạy trực tuyến, có đủ kiến thức, kỹ năng và làm chủ việc sử dụng, khai thác các thiết bị, phần mềm được cung cấp, trang bị. Hoạt động giảng dạy trực tuyến cần được triển khai sâu rộng tới các đơn vị quản lý, khoa, bộ môn và tới từng giảng viên trong đổi mới, nội dung phương pháp, phương thức làm việc và giảng dạy, hướng sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học thông qua mạng internet.

Thứ ba, các trường đại học cần tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng các yêu cầu của giảng dạy trực tuyến về điều kiện thiết bị phần cứng, hệ thống phần mềm, như: Thiết bị đầu cuối của các đơn vị, Trung tâm dữ liệu, các hệ thống đường kết nối LAN/WAN và internet tốc độ cao, các phòng học/hướng dẫn học trực tuyến, các hệ thống website, diễn đàn và phần mềm quản lý chuyên dụng,... Cơ sở vật chất phục vụ tổ chức giảng dạy trực tuyến phải đủ điều kiện hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn và đảm bảo sự thuận tiện cho việc quản lý và cung cấp thông tin của các bộ phận quản lý, việc giảng dạy của giáo viên và việc học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Allen, I. E., & Seaman, J. (2013). Changing course: Ten years of tracking online education in the United States. Sloan Consortium. PO Box 1238, Newburyport, MA 01950.
  2. Allen, I. E., Seaman, J., Poulin, R., & Straut, T. T. (2016). Online report card: Tracking online education in the United States. Online learning survey. Retrieved from: https:// onlinelearningsurvey.com/reports/onlinereportcard.pdf.
  3. Aranda, N. (2007). A brief history of e-learning and distance education, Ezine Articles [Online] Available URL: http://ezinearticles. com/? A-Brief-History-of-E-learning-and-Distance-Education&id= 496460. Accessed July, 12, 2015.
  4. Arbaugh, J. B. (2000). Virtual classroom versus physical classroom: an exploratory comparison of class discussion patterns and student learning in an asynchronous Internet-based MBA course. Journal of Management Education, 24(2), 207 -
  5. Chen, P. S. D., Lambert, A. D., & Guidry, K. R. (2010). Engaging online learners: The impact of Web-based learning technology on college student engagement. Computers and Education, 54(4), 1222-1232.
  6. Đỗ Anh Đức (2020). Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 33, 57-60.
  7. Đỗ Anh Đức & Nguyễn Tuấn Anh (2017). Để DNNVV Việt Nam đón đầu được các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 26, 27-29.
  8. Fresen, J. (2002). Quality in Web-supported learning. Educational Technology, 42(1), 28 -
  9. Kampov-Polevoi, J. (2010). Considerations for supporting faculty in transitioning a course to online format. Online Journal of Distance Learning Administration, 13(2).
  10. Picciano, A. G. (2006). Blended learning: Implications for growth and access. Journal of asynchronous learning networks, 10(3), 95-102.
  11. Sonwalkar, N. (2002). A new methodology for evaluation: the pedagogical rating of online courses. Syllabus, 15(6), 18 - 21
  12. Tạ Minh Đức, Đỗ Anh Đức (2020). Chất lượng giảng dạy trực tuyến trong đại dịch Covid-19 tại một số trường học phổ thông ở Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 17, 269-274.

 Some solutions to improve the quality of online teaching in Vietnam’s universities in the context of Industry 4.0

Ph.D Do Anh Duc

National Economics University

ABSTRACT:

In the context of Industry 4.0, the establishment and development of online training methods to improve the quality of online education in Vietnam are a good practice and have been received attention from many universities when they develop their curriculum frameworks.This paper clarifies the development process of online training and proposes some solutions to improve the quality of online teaching in Vietnam’s universities in the context of Industry 4.0.

Keywords: online teaching, university, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]