Năm 2021 Bộ Công Thương tiếp nhận 15 hồ sơ đề nghị cấp phép bán hàng đa cấp

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay tất cả các hồ sơ này đều chưa đáp ứng điều kiện và chưa được cấp giấy chứng nhận.

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã chủ động trong việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác và thay đổi phương pháp, cách thức triển khai công việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp.

Nhờ đó, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cơ bản đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ và đạt được những kết quả nhất định. Các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp được triển khai đồng bộ: Công tác xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; công tác thanh tra, xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến và cảnh báo. 

Ngoài ra, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cũng được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng pháp luật; các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bán hàng đa cấp được tiếp nhận và trả lời kịp thời.

Cụ thể, trong năm 2021, Cục CT&BVNTD đã tiếp nhận và xử lý 15 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tuy nhiên, tất cả các hồ sơ này đều chưa đáp ứng điều kiện và chưa được cấp giấy chứng nhận. 

Ngoài ra, Cục cũng tiếp nhận 39 hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 67 hồ sơ thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; 1 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; 3 hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ. 

Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2021, Cục CT&BVNTD đã chuyển thông tin về khoảng 87 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời đối với các đối tượng có hiện diện trong nước, hoặc chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính trái phép không có hiện diện tại Việt Nam. 

Ngoài ra, Cục cũng đã phối với cơ quan công an địa phương như Hà Nội, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc,… trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp .

Trong những năm vừa qua, Cục CT&BVNTD đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Hiện nay Cục đang vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, vừa là kênh cung cấp thông tin công khai, vừa là kênh liên hệ với các địa phương trong việc trao đổi tài liệu hành chính, hạn chế gửi giấy tờ bản cứng. Ứng dụng iMLM được vận hành trên điện thoại để cung cấp thông tin về quản lý bán hàng đa cấp, giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi.

“Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý bán hàng đa cấp đã được Cục CT&BVNTD triển khai từ năm 2021. Hiện nay Cục đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để cung cấp dịch vụ công cấp độ 3,4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về quản lý bán hàng đa cấp”, đại diện Cục CT&BVNTD cho hay.

Bên cạnh đó, Cục CT&BVNTD cũng chủ động đăng tin, bài cảnh báo để hạn chế nguy cơ người dân tham gia vào các mô hình kinh doanh bất hợp pháp có dấu hiệu sử dụng mô hình đa cấp để lôi kéo người tham gia như mô hình mua sắm hoàn tiền, một số sàn thương mại điện tử, các ứng dụng đầu tư trực tuyến. 

Cục đã phối hợp cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động này. 

Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với với Báo điện tử VTC News tổ chức 3 tọa đàm trực tuyến về tổng quan ngành bán hàng đa cấp và các dấu hiện nhận diện hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn tổ chức buổi tập huấn trực tuyến cho các cán bộ Sở, ban, ngành tỉnh Bắc Kạn về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Cục CT&BVNTD cho biết trong năm 2022 sẽ duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua, trong đó tập trung vào một số hoạt động như thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền, cảnh báo; phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan công an về các dấu hiệu vi phạm.

Đặc biệt, tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn năm 2021-2025.

Theo số liệu của Cục CT&BVNTD, năm 2020, các doanh nghiệp đa cấp đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2021, tại thị trường Việt Nam có 21 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp:

1. Công ty TNHH AMWAY Việt Nam

2. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam

3. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam

4. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam

5. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội

6. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam

7. Công ty TNHH Elken International Việt Nam

8. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam

9. Công ty TNHH Perfect Global (Việt Nam)

10. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam

11. Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt

12. Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế

13. Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam

14. Công ty TNHH Best World Việt Nam

15. Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời

16. Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam

17. Công ty TNHH Homeway Việt Nam

18. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi

19. Công ty TNHH Gcoop Việt Nam

20. Công ty TNHH Seacret

21. Công ty TNHH Oriflame Việt Nam

Thy Thảo