Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Hóa chất

Ngày 14/9, tại Hải Phòng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường (BVMT) cho các doanh nghiệp ngành Hóa chất.

Cập nhật các quy định pháp luật về BVMT là rất cần thiết

Thời gian qua, công tác BVMT trong ngành Công Thương nói chung và ngành Hóa chất nói riêng đã được các cấp, các ngành và các doanh nghiệp thường xuyên quan tâm thực hiện và cơ bản đáp ứng các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về BVMT đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của doanh nghiệp như: Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT …

ong bao
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương: việc cập nhật các quy định pháp luật về BVMT là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung và các thành viên của Tập đoàn Hóa chất nói riêng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng các văn bản này, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã có nhiều ý kiến góp ý, tuy nhiên các văn bản vẫn còn nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong quá trình triển khai như các quy định về giấy phép môi trường, quản lý chất thải đặc thù, quan trắc tự động liên tục… Nhất là đối với Hóa chất là một trong những ngành có lượng chất thải phát sinh lớn và áp dụng nhiều quy định khắt khe về BVMT như trách nhiệm của doanh nghiệp về xử lý tro, xỉ, thạch cao; quan trắc tự động liên tục hay giảm phát thải khí nhà kính, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường...

Do vậy, việc cập nhật các quy định pháp luật về BVMT là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung và các thành viên của Tập đoàn Hóa chất nói riêng.

Cũng theo ông Tô Xuân Bảo, thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn và triển khai đúng theo các quy định của pháp luật về BVMT. Đây cũng là cơ hội tốt để các cán bộ quản lý môi trường tại các doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm để triển khai tốt các quy định trên.

Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có yêu cầu cao, triệu tập toàn bộ lãnh đạo các đơn vị đến dự một Hội nghị chuyên ngành về môi trường do Bộ Công Thương tổ chức. Nguyên nhân bởi các văn bản mới về BVMT có rất nhiều điểm mới và nếu không đảm bảo thực hiện đúng các quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, doanh nghiệp ngành Hóa chất đã được Chính phủ quan tâm khi Thủ tướng Chính phủ đi thăm 2 đơn vị của Tập đoàn trong 1 ngày. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đến Đạm Hà Bắc để làm việc. Trong chuyến công tác của Thủ tướng, một trong những điểm Thủ tướng quan tâm là thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp về BVMT. Sự quan tâm này cho thấy các doanh nghiệp phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trong gìn giữ môi trường.

ong cuong
Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp BVMT

Ông Nguyễn Phú Cường cũng chỉ rõ, trong thực tế của Tập đoàn, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật BVMT. Do đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp BVMT. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải có trách nhiệm giảm thiểu các việc ảnh hưởng đến môi trường.

“Luật BVMT sau nhiều lần sửa đổi đã có những yêu cầu ngày càng cao hơn. Do đó, doanh nghiệp phải quán triệt nguyên tắc là các giải pháp BVMT sẽ vừa giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là BVMT” – ông Cường nhấn mạnh.

Đa dạng giải pháp BVMT

Ông Vũ Ngọc Hưng – Trưởng Phòng BVMT Công Thương - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, việc BVMT trong sản xuất công nghiệp nói chung và trong ngành Hóa chất đã được quan tâm và hiện thực hóa thông qua rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua.

Cụ thể như các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về Biến đổi khí hậu với mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, các văn bản như Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội  của các tỉnh/thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, thời gian qua đã triển khai rất nhiều giải pháp để gắn sản xuất với BVMT. Riêng với ngành Hóa chất, theo ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thời gian qua, công tác quản lý, BVMT của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã được quan tâm với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất.

ong Bo
Ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tham luận tại Hội nghị

Tập đoàn ban hành Quy chế BVMT tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các đơn vị thành viên quản lý thống nhất hoạt động BVMT và phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT cho người lao động, cán bộ viên chức của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn được thực hiện thường xuyên; BVMT đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của các doanh nghiệp thành viên.

Tính từ năm 2020 đến nay, các đơn vị thành viên Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc về công tác BVMT. Cụ thể như hồ sơ pháp lý về công tác BVMT (ĐTM, Giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước… ) của các đơn vị được thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc theo các quy định của pháp luật về công tác BVMT. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định. Công tác quản lý chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) đã được chú trọng.

ong Duong
Ông Lê Quang Dương, Trưởng phòng kỹ thuật công nghệ, Công ty CP DAP - Vinachem tham luận tại Hội nghị

Là một trong những doanh nghiệp của ngành Hóa chất luôn có ý thức thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, ông Lê Quang Dương – Trưởng phòng Kỹ thuật công nghiệp – Công ty CP DAP - Vinachem cho biết, từ khi đi vào vận hành, các nhà máy của Công ty CP DAP - Vinachem đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải, khí thải, khu vực và dụng cụ lưu chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại, hệ thống quan trắc tự động khí thải, trồng cây xanh tại các khu vực…

Bên cạnh đó, Công ty hiện nay đã và đang thực hiện theo đúng các yêu cầu và các cam kết đã đề ra trong bộ tài liệu, quy trình hệ thống quản lý chất lượng môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015, duy trì thực hiện chế độ kiểm tra đánh giá định kỳ theo đúng yêu cầu.

Để kiểm soát, giảm phát thải về nước thải và khí thải, trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản suất nhằm giảm suất tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường tận thu tái sử dụng phế thải, sản xuất sạch hơn, qua đó giảm lượng phát thải về khí thải, chất thải rắn, nước thải.

Đối với việc xử lý bãi chứa thạch cao được chia thành 02 khu vực, khu vực chứa thạch cao tạm thời và bãi chứa lâu dài. Có hệ thống thu gom nước róc (nước mưa) đưa về hồ chứa và bơm về sử dụng tại công đoạn hòa bùn quặng apatit của nhà máy axit phốtphoríc.  

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ phát sinh sự cố môi trường với bãi chứa thạch cao, Công ty đã liên tục đầu tư thực hiện các biện pháp gia cố, mở rộng và tuyến đê bao giáp các hồ chứa.

Cụ thể là đê bao quanh bãi chứa tạm thời (kích thước mặt đê rộng lên 10 m, chân đê rộng 15m, tổng chiều dài 1.400 m); Hồ chứa nước mưa (hồ điều hòa): Hiện được chia làm 04 khoang, diện tích chứa nước khoảng 9ha.  Kích thước đê sau khi hoàn thiện mặt đê rộng 15m (9m trồng cây, 6m để xe cơ giới đi lại), chân đê rộng 29m, tổng chiều dài 1600m.

Đặc biệt, để tái sử dụng thạch cao, năm 2010, Công ty đã hợp tác với Công ty CP Sông Đà Cao Cường thành lập Công ty CP Thạch cao Đình Vũ. Sau nhiều năm kiên trì bán giới thiệu sản phẩm thạch cao sau chế biến, đến nay đã có 28 nhà máy xi măng trong nước ký hợp đồng mua và đưa vào sử dụng thường xuyên sản phẩm của Công ty Thạch cao Đình Vũ. Song song với đó, năm 2017 Công ty DAP - Vinachem đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện Đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty làm vật liệu san nền.

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Ban Bảo hộ lao động chia sẻ, ngoài việc liên tục hoàn thành vượt bậc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, xác định đầu tư cho công tác BVMT là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững, Công ty CP Cao Su Đà Nẵng luôn quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác BVMT, cải thiện điều kiện lao động.

Cụ thể như bộ máy làm công tác BVMT luôn được củng cố, tổ chức phù hợp với điều kiện sản xuất của Công ty và các quy định của Nhà nước. Thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước về BVMT vì sự phát triển ổn định và bền vững. Không để xảy ra sự cố môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, hay bị xử lý vi phạm về công tác BVMT. Tận dụng và sử dụng vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng ngày càng tiết kiệm và hợp lý.

DRC là doanh nghiệp hướng tới đổi mới sáng tạo, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường ở mức độ rất thấp. Đồng thời, nước thải ra môi trường của Công ty chỉ là nước thải sinh hoạt, tắm rửa vệ sịnh, giặt áo quần cho người lao động, còn nước thải sản xuất tuần hoàn kín 100%.

Nước thải sinh hoạt được đấu nối với hệ thống thu gom xử lý của KCN Liên Chiểu và trả phí hàng tháng. Rác thải công nghiệp, sinh hoạt và nguy hại Công ty thực hiện phân loại, xử lý, tận dụng đưa vào tái sản xuất triệt để, phế phẩm hoặc rẻo su từ công đoạn này chuyển vào làm nguyên liệu cho các sản phẩm thấp cấp hơn như tấm chắn cầu cảng, cao su tấm lợp, rất ít phải thải bỉ và xử lý, nếu có xử lý Công ty đã thuê đơn vị có chức năng và thẩm quyền thực hiện đúng yêu cầu.

ong Hieu
Ông Đỗ Trung Hiếu, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam tham luận tại Hội nghị

Riêng Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam, ông Đỗ Trung Hiếu – Phó Tổng giám đốc cho biết, các dây chuyền sản xuất các sản phẩm hóa chất của Công ty đều đã được phê duyệt thủ tục môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT chi tiết. Hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT và xác nhận thực hiện đề án BVMT của dự án được tiến hành đầy đủ.

Đối với công tác kiểm soát nước thải: toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được thu gom riêng biệt, đưa về hệ thống xử lý nước thải trung tâm của các nhà máy để xử lý sơ bộ trước khi giao cho Khu công nghiệp tiếp tục xử lý đạt tiêu chí cột A QCVN 40/2011/BTNMT trước khi thải vào môi trường. Hệ thống xử lý nước thải trung tâm của các đơn vị trực thuộc của công ty được thiết kế theo đặc điểm của nước thải phát sinh, đảm bảo xử lý nước thải đáp ứng các thông số yêu cầu trước khi đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của Khu công nghiệp Biên Hòa I.

Để kiểm soát khí thải, công ty triển khai lắp đặt hệ thống thu gom xử lý khí thải cho tất cả các dây chuyền sản xuất hóa chất. Một số dây chuyền sản xuất đã được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Chất lượng khí thải xử lý xả vào môi trường luôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải công nghiệp vô cơ QCVN 19:2009/BTNMT cột B. Ngoài ra, công tác quản lý thu gom phân loại, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tại các đơn vị được thực hiện tại nguồn phát sinh. Tất cả chất thải được phân loại và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý.

Khắc phục hạn chế, đẩy mạnh công tác BVMT

 Song song với các kết quả đạt được, các doanh nghiệp cũng phản ánh còn một số khó khăn trong công tác BVMT khu vực sản xuất. Đơn cử, ông Lê Quang Dương cho hay, năm 2017 Công ty DAP đã ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện Đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty DAP làm vật liệu san nền.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng, năm 2018 – 2019 Công ty cũng đã phối hợp với một số đối tác, tiến hành thử nghiệm làm cốt nền đường giao thông, cốt nền bãi chứa container tại huyện Kinh Thành, Hải Dương và huyện An Dương Hải Phòng. Tuy nhiên hiện nay chưa thể triển khai ứng dụng kết quả đề tài trên diện rộng, do chưa có tiêu chuẩn sử dụng với loại vật liệu mới này.    

Bên cạnh đó, do việc tiêu thụ thạch cao PG đến nay vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nên công ty cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải.

Cụ thể với sản phẩm thạch cao PG, đề nghị có chính sách hạn chế nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài, tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo chế biến trong nước. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn, văn bản chấp thuận việc sử dụng bã thạch cao đã qua xử lý làm vật liệu xây dựng (cốt nền đường giao thông, gạch chèn tự xếp tại các bãi cầu cảng...).

Ông Đỗ Trung Hiếu cũng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp như ý thức BVMT của người lao động là chưa được đồng đều giữa các bộ phận. Công tác quản lý BVMT của Cán bộ quản lý tại một số Bộ phận, Phân xưởng chưa thực sự quyết liệt, chưa triển khai thực hiện tốt các Quy định, Quy chế BVMT.

Chi phí cho xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường còn cao so với yêu cầu đặt ra. Để giải quyết các tồn tại nêu trên Công ty xác định vấn đề cấp bách là phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý BVMT.

ong Doan
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Ban Bảo hộ lao động, Công ty CP Cao su Đà Nẵng tham luận tại Hội nghị

Ở Cao su Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Đoàn khẳng định, để đáp ứng các yêu cầu khắt khe và ngày càng cao của khách hàng thì công tác quản lý chất lượng, quản lý sản xuất và BVMT luôn là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp. Nhận thức tầm quan trọng của mối liên hệ này, DRC luôn đề cao BVMT vì mục tiêu phát triển bền vững. Chính sách an toàn và môi trường Công ty, mối quan hệ lớn “Sản xuất kinh doanh, an toàn lao động và BVMT”; DRC luôn khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa sản xuất kinh doanh với BVMT”.

Với Hóa chất cơ bản Miền Nam, ông Đỗ Trung Hiếu khẳng định các giải pháp doanh nghiệp cần triển khai trong thời gian tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý BVMT tại các đơn vị trực thuộc bằng cách tập trung rà soát để kịp thời ban hành bổ sung các quy chế, quy định để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống văn bản.

Công ty cũng cần thường xuyên tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền để cập nhật các thay đổi trong chính sách BVMT của nhà nước đến với Cán bộ công nhân viên nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về các yêu cầu BVMT và vai trò của công tác BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất. Áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động bảo vệ môi trường phục vụ công tác thống kê, đánh giá hiệu quả và giúp thông tin nhanh chóng, kịp thời nhằm ngăn ngừa hoặc khắc phục các vi phạm…

ong Le Hoang
Ông Lê Hoàng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh BVMT là yêu cầu cấp thiết, doanh nghiệp ngành Hóa chất cần thực hiện nghiêm túc

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lê Hoàng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị thủ trưởng các đơn vị tổng hợp ý kiến góp ý gửi về Tập đoàn tổng hợp để gửi Cục kỹ thuật an toan và Môi trường Công nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh BVMT là yêu cầu cấp thiết, doanh nghiệp ngành Hóa chất cần thực hiện nghiêm túc.

 

Trần Bản