Nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp thông qua hợp tác quốc tế

Trong những năm qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm công nghiệp.

hợp tác quốc tế

Hợp tác với Bộ MOTIE - Hàn Quốc

Hợp tác quốc tế là một nội dung quan trong trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam. Triển khai các nội dung hợp tác tại Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2 giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), Cục Công nghiệp và Viện Công nghệ cao Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm công nghệ máy móc Việt Nam – Hàn Quốc (VKMTC) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, liên kết với Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (MOTIE) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử trong.

Hợp tác với Bộ METI - Nhật Bản

Trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Cục Công nghiệp đã tích cực phối hợp với đại diện phía Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

Phía Nhật Bản sẽ triển khai các dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt nam, như: Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do JICA thực hiện; Chương trình “Đào tạo cho các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam” do tổ chức hợp tác kỹ thuật nước ngoài và đối tác bền vững  thực hiện.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cử một số chuyên gia hỗ trợ các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp thuộc Cục Công nghiệp trong công tác vận hành và nâng cao nguồn nhân lực.

Trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Cục Công nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi nội dung Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên (Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) thông qua việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi tín dụng, ... và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cụ thể cho 6 ngành ưu tiên.  

Hợp tác với IFC - World Bank

Trong Chương trình phát triển nhà cung cấp thí điểm (SDP), Cục Công nghiệp phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới triển khai Chương trình thí điểm Phát triển nhà cung cấp (SDP) dưới sự tài trợ bởi Quỹ Thịnh Vượng Anh Quốc và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ.

Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình có sự tham gia của 8 tập đoàn đa quốc gia (Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric) và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo thông qua hai giai đoạn.

Trong dự án Hỗ trợ nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Tổ chức Tài chính Quốc tế hỗ trợ Cục Công nghiệp trong công tác xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ thông qua việc cố vấn kỹ thuật nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.

Năm 2020, Cục Công nghiệp đã phối hợp với IFC tổ chức thành công lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hệ thống giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, hệ thống sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thống kê và hoạch định chính sách. Hiện nay, hệ thống có gần 3.500 doanh nghiệp tiêu biểu thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may và da giầy và thưpừng được cập nhật, bổ sung.

Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung

Đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam

Nhằm mục đích đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh kỹ thuật khuôn mẫu cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khuôn mẫu Việt Nam trong khuôn khổ Kỳ họp Ủy Ban Hỗn hợp kỳ thứ 9 tại Hàn Quốc. Mục tiêu của Dự án là đào tạo 200 kỹ sư trong lĩnh vực khuôn mẫu trong 4 năm 2020-2023.

Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam có nhiều nội dung đa dạng như: Hoạt động sáng tạo tổng hợp (thiết kế và sản xuất khuôn mẫu), trong đó tập trung vào đào tạo trong ba lĩnh vực (khuôn ép nhựa, khuôn đột dập và quy trình xử lý chính xác). Ngoài ra, khóa học còn đào tạo kỹ thuật viên về quản lý hệ thống, quản lý nguồn thiết kế và quản lý tiêu chuẩn; thực hành trực tiếp trong các công đoạn thiết kế, CNC/EDM, cắt và cuộn dây điện cực; Thực hành lắp ráp khuôn, thử nghiệm, kiểm tra và sửa đổi…

Đầu tháng 7 vừa qua, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phối hợp với Samsung tổ chức khai giảng khóa 6, Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam với sự tham gia của 30 học viên đến từ các công ty cơ khí - khuôn mẫu và giảng viên các trường cao đẳng, đại học các tỉnh thành phía Nam.

Tại lễ khai giảng, ông Cho Jong Wook - Phó Tổng giám đốc Học viện Đồng Thịnh Vượng Samsung Điện tử Hàn Quốc cho rằng, chương trình sẽ trở thành nền tảng đào tạo nhân sự khuôn mẫu cho Việt Nam. Ông cũng cam kết Samsung sẽ nỗ lực hết sức để khoá học thành công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành sản xuất của Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp

Từ năm 2015 đến nay, Samsung đã phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam do các chuyên gia Samsung Hàn Quốc thực hiện. Các chuyên gia sản xuất từ Samsung Hàn Quốc đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.

Các công ty tham gia chương trình đã có những phản hồi rất tích cực như: năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được tư vấn, hỗ trợ; người tham gia cũng được ưu tiên khi tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam. Nhờ đó, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Đây là kết quả từ sự quyết tâm và nỗ lực của Samsung Việt Nam nhằm đưa ra các sáng kiến để tăng khả năng tiếp cận của các công ty Việt Nam với công nghệ mới và nâng cao năng lực

Hiện nay, Samsung đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, không chỉ với các nhà cung ứng cấp 1 mà còn với các nhà cung ứng cấp 2 hoạt động đa dạng trong nhiều ngành nghề và sản phẩm. Trước đây các nhà cung cấp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất bao bì/sản phẩm ép nhựa thì nay đang chuyển dần sang lĩnh vực điện/điện tử, thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Chương trình nhà máy thông minh (Smart Factory).

Nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam, Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ mới với Bộ Công Thương vào tháng 2 năm 2022 để triển khai chương trình nhà máy thông minh (Smart Factory). Qua đó, Samsung sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình về sản xuất thông minh cho 50 doanh nghiệp theo lộ trình trong 2 năm.

Ông Choi Joo Ho - tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - cho hay các chuyên gia của Samsung Hàn Quốc trong lĩnh vực nhà máy thông minh sẽ tham gia hướng dẫn trực tiếp tại nhà máy của các doanh nghiệp tham gia.

Đầu tháng 7/2022, Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức Lễ tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt 1/2022 tại 14 doanh nghiệp tham gia dự án nhằm tổng kết và đánh giá hiệu quả thực hiện của dự án.

Sau gần 3 tháng thực hiện (12/4 - 7/7/2022), Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Các chuyên gia tư vấn Việt Nam đã cùng các chuyên gia tư vấn của Samsung Hàn Quốc, trực tiếp tham gia khảo sát, đánh giá và tư vấn các doanh nghiệp tại hiện trường.

Dự án cũng đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 14 doanh nghiệp bao gồm 07 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, 02 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, 03 doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội, 01 doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và 01 doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan.

Trong số 14 doanh nghiệp tham gia, 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Manutronics Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Chiến Thắng và Công ty TNHH nhựa An Lập đã ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối đa hóa hệ thống thông qua các hoạt động: Xây dựng môi trường thu thập/chia sẻ thời gian thực hiện trường sản xuất; Chuẩn hoá quy trình quản lý phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế và ứng dụng hệ thống; Mã hoá phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế, tối ưu hoá quy trình quản lý; ứng dụng xây dựng cấu trúc vật liệu thiết bị; Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất nhập kho; Áp dụng phần mềm để quản lý sản xuất và thiết bị, tỉ lệ lỗi.

Với 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần nhựa Hà Nội, Công ty TNHH nhựa An Phú Việt, Công ty TNHH Haast Việt Nam, Công ty Cổ phần Hanpo Vina, Công ty TNHH Trần Thành, sau quá trình tư vấn, đã xây dựng và triển khai hiệu quả việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực thông qua các hoạt động: Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất/nhập kho; Lắp cảm biến tại các máy sản xuất để thu thập dữ liệu sản xuất theo thời gian thực; Lắp màn hình quan sát tại các vị trí cần thiết để cập nhật bảng dữ liệu thời gian thực (lỗi thiết bị, lỗi sản phẩm, hàng tồn kho, hiện trạng sản xuất….); Phân tích dữ liệu định kỳ.

Ngày 3 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023 cho các doanh nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - nhấn mạnh: “Thông qua dự án, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ củng cố được năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên toàn bộ quy trình như phát triển, sản xuất và bán hàng. Xa hơn nữa, sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất sắc được mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các doanh nghiệp toàn cầu. Hơn nữa, tôi mong rằng hoạt động xây dựng nhà máy thông minh lần này sẽ trở thành động lực đóng góp vào chính sách đổi mới công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.”

Theo biên bản ghi nhớ, trong 02 năm (2022 – 2023), chương trình sẽ hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh. Tính đến cuối năm 2022, Samsung phối hợp với Bộ Công Thương đã hỗ trợ đào tạo 51 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 26 doanh nghiệp trên cả nước (14 doanh nghiệp phía Bắc, 12 doanh nghiệp phía Nam). Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hợp tác với Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trao đổi với đại diện Uniqlo Việt Nam về các nội dung, tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Uniqlo Việt Nam (MOU) nhằm phát triển ngành dệt may Việt Nam.

Trong đó, tập trung vào 5 nội dung chính, bao gồm: (i) Phát triển hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh đầu tư; (ii) Đẩy mạnh xuất nhập khẩu; (iii) Đẩy mạnh sản xuất trong nước; (iv) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (v) Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, trong những năm qua đã góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm công nghiệp.

Đông Hoàng Triều