NARIME 60 năm Xây dựng và Phát triển: Thành công từ việc tự làm chủ công nghệ

Trong hành trình 60 xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Cơ khí - NARIME là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước.

Hoạt động của Viện Nghiên cứu Cơ khí đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn hướng tới và đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, nhà máy cơ khí đã được hình thành từ các đơn vị của Viện.

Để có được sự phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh việc sớm làm chủ các công nghệ truyền thống, Viện đi lên từ các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và hiện đại hóa các công nghệ nền.

Ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện

Thành công đầu tiên có tính đột phá của Viện là đã gắn kết cơ khí với tự động hóa, chọn hướng phát triển công nghệ tự động hóa trên cơ sở khai thác, ứng dụng và tích hợp các phần tử tự động hóa tiên tiến, Viện sớm làm chủ công nghệ tự động hóa để chế tạo các sản phẩm cơ khí, dây chuyền thiết bị đạt trình độ công nghệ đương đại, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm chế tạo trong nước.

Bên cạnh đó Viện còn làm chủ nhiều lĩnh vực như công nghệ tự động hoá khác như công nghệ chẩn đoán giám sát trạng thái dây chuyền thiết bị, cân bằng động các thiết bị lớn tại hiện trường, tích hợp cung cấp các hệ thống tự động như hoá cho các nhà máy và dây chuyền sản xuất…

Thành công lớn tiếp theo là đưa Viện đã trở thành đơn vị tư vấn thiết kế có uy tín, tạo lập nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tư vấn nước ngoài, tạo sự tin tưởng nhất định với các nhà đầu tư và cơ quan quản lý trong nước.

Trưởng thành từ một đơn vị thiết kế, giai đoạn đầu chủ yếu cung cấp thiết kế cho hầu hết các nhà máy cơ khí trong nước để chế tạo những sản phẩm cơ khí cần thiết như công cụ, nông cụ, một số máy nông nghiệp như máy tuốt lúa, máy kéo nhỏ, một số máy công cụ như máy khoan, máy tiện, máy ép và một số loại động cơ điện, máy bơm nước phục vụ nông nghiệp…

Các thế hệ Cán bộ, Viên chức, Người lao động Viện Nghiên cứu Cơ khí về tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện

Tiếp đến Viện đã đi đầu trong việc cung cấp máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp như: máy nhuộm cao áp, máy dệt khăn bông cho ngành dệt, các thiết bị cho nhà máy xi măng lò đứng, các thiết bị cho các nhà máy mía đường, nhà máy thức ăn gia súc, nhà máy phân bón, hoá chất...

Đến nay, trên nền của những hoạt động này, ở trình độ cao hơn, Viện được đánh giá là tổ chức nghiên cứu phát triển hàng đầu, đủ năng lực đảm nhận tư vấn, thiết kế, tổng thầu những công trình lớn cho các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.

Có được năng lực đó là nhờ Viện đã có hướng đi đúng. Với chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp nhận các công nghệ hiện đại, Viện sớm trở thành đơn vị đứng đầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận chuyển chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nhà cung cấp có thương hiệu trên thế giới.

Đồng thời Viện gắn kết chặt chẽ với các các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo và lắp máy trong nước triển khai ứng dụng các công nghệ mới, đã góp phần đưa ngành cơ khí từng bước làm chủ việc chế tạo và cung cấp các dây chuyền thiết bị đồng bộ như thiết bị nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, bôxit…, đáp ứng kịp thời cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cờ thi đua cho đợn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2021 của Bộ Công Thương

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, Viện đã thành công trong việc tăng cường đào tạo để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Có thể nói Viện là một môi trường đào tạo khá nhanh, toàn diện và hiệu quả….

Tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực: Thủy điện; Nhiệt điện; Khai thác và chế biến khoáng sản; Sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện cung cấp trọn gói hệ thống phao nổi và neo cho dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW.

Viện đang xây dựng, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.

Ngoài những chương trình lớn kể trên, Viện còn thiết kế chế tạo, ứng dụng thành công vào sản xuất nhiều dây chuyền, máy và thiết bị như dây chuyền chế biến chè, thiết bị nạo vét sông hồ cho chương trình thoát nước đô thị, thiết bị cho nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất, dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy.

Trong 5 năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm, đời sống cán bộ viên chức và người lao động của Viện ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Những thành công của Viện từ việc chọn con đường tự làm chủ công nghệ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cơ khí đất nước, tiết kiệm chi phí và đã góp phần tạo nên những thành quả ngày hôm nay.

Ghi nhận những công lao đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Ba cho tập thể Viện. Nhiều cán bộ của Viện hàng năm nhận được bằng khen, giấy khen của Chính phủ và các Bộ, Ngành...

Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong suốt 60 qua, định hướng của Viện là trở thành doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mà trọng tâm là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện.

Đủ năng lực làm tổng thầu hoặc Chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến bô xít nhôm, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, xử lý và phát điện từ rác, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp và nhà kho thông minh.

Chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công việc trong thời kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2030 doanh thu đạt mức 2.000 tỷ đồng và đến 2045 doanh thu phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, phát triển đạt 2%.

Thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức người lao động qua các thế hệ, ông Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu Cơ khí có được sự trưởng thành và phát triển như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến công lao của các thế hệ đi trước, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Viện ngày nay.

Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Kỷ niệm, Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao những thành tựu mà Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển “Tôi tin tưởng rằng với những thành tựu đã đạt được hôm nay chính là nhờ những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của tập thể CBVC người lao động qua nhiều thế hệ.

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Cơ khí sẽ kế thừa và phát huy hơn nữa nhưng thành tựu đã đạt được, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ của ngành cơ khí trong giai đoạn tiếp theo”.

Đồng thời Thứ trưởng đề nghị Viện nghiên cứu Cơ khí tập trung thực hiện một số định hướng nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển tới như Tập trung phát triển nguồn lực; Nhanh chóng hoàn thiện, cụ thể hóa định hướng phát triển của Viện trong 10 năm tới; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, tăng cường sự gắn kết với các tổ chức về nghiên cứu, đào tạo trong nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ;

Cần đặt mục tiêu phấn đấu thành đầu mối cho việc xây dựng các quan hệ hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp cơ khí với năng lực xây dựng con người và công nghệ chuyển giao từ các đối tác nước ngoài; Cần tinh gọn bộ máy giữ vững tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Viện kế thừa truyền thống 60 năm qua xây dựng Viện ngày càng phát triển bền vững, trở thành đơn vị cơ khí hàng đầu Việt Nam.

Phát biểu đáp từ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Ông Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí thay mặt cho thay mặt toàn thể CBVC NLĐ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo và đề nghị CBVC NLĐ của Viện thực hiện tốt chỉ đạo của Thứ trưởng, cụ thế hóa vận dụng và tổ chức thực hiện tốt, đáp ứng sự kỳ vọng đưa Viện nghiên cứu trở thành đơn vị đầu ngành mạnh về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá.

Tiền thân của Viện Nghiên cứu Cơ khí – NARIMR là Viện Thiết kế chế tạo cơ khí, chỉ với 30 cán bộ, đến nay Viện đã có đội ngũ cán bộ khoa học và cộng tác viên khá hùng mạnh. Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hoá.

Hưng Nguyên