Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. HUỲNH HỮU TRÚC PHƯƠNG - ThS. PHAN THỊ THÚY PHƯỢNG (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - HUTECH)

TÓM TẮT:

Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá và xác định mức độ tác động của các nhân tố đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH). Nghiên cứu tiến hành khảo sát sinh viên ngành Du lịch thông qua bảng câu hỏi khảo sát. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy bội nhằm xác định mức độ tác động của 6 yếu tố đến kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, 6 yếu tố này đều có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên.

Từ khóa: du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, sinh viên, HUTECH, kỹ năng.

1. Đặt vấn đề

Kỹ năng tổ chức sự kiện đối với sinh viên ngành Du lịch tại Khoa Quản trị Du lịch -  Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) rất được chú trọng trong quá trình đào tạo chuyên ngành Quản trị sự kiện. Những kỹ năng này thể hiện trong quá trình học tập và tổ chức các sự kiện du lịch, nhằm thu hút khách du lịch và góp phần giúp các công ty du lịch xây dựng các hoạt động sự kiện để quảng bá, xúc tiến du lịch, đồng thời tạo ra sự hấp dẫn cho các chương trình du lịch. Hiện nay, các trường đào tạo khối ngành Du lịch chưa xây dựng chương trình đào tạo cử nhân quản trị sự kiện dành cho sinh viên theo học khối ngành Du lịch và cũng chưa thực sự chú trọng đào tạo kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch. Do đó, các công ty du lịch đang tận dụng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch trong quá trình xúc tiến quảng bá và tạo các sự kiện trong các chương trình tham quan. Sinh viên ngành Du lịch chủ yếu được đào tạo về cách tổ chức sự kiện nói chung, chưa tổ chức sự kiện mang tính đặc thù trong du lịch. Hơn nữa, nội dung chương trình đào tạo thiên về quản trị du lịch, hướng dẫn viên du lịch. Chương trình đào tạo về quản trị sự kiện du lịch hiện còn hạn chế, phần lớn chỉ chú trọng vào tổ chức sự kiện chung chung, các sự kiện chưa có sự sáng tạo, nổi bật hoặc mang đặc trưng riêng của ngành Du lịch. Bên cạnh đó, chưa chú trọng việc trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng cơ sở, cũng như về phương pháp dạy học tổ chức sự kiện cho sinh viên ngành đào tạo đó, đồng thời chưa có nhiều sự kết hợp phương pháp giảng dạy kết hợp giữa giảng viên và doanh nghiệp, các chuyên gia tổ chức sự kiện du lịch. Chính vì những lý do trên, nhóm tác giả tập trung “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm trang bị kỹ năng tổ chức sự kiện cho sinh viên ngành Du lịch và đẩy mạnh sự chuyên nghiệp cho sinh viên trong quản trị sự kiện du lịch.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm sự kiện du lịch và tổ chức sự kiện du lịch

Theo Getz, D., Page (2015), sự kiện du lịch được định nghĩa từ cả quan điểm cung và cầu, sử dụng mô hình hệ thống du lịch của Leiper (1979). Sự kiện du lịch là những sự việc, hoạt động mới nổi bật và có ý nghĩa trong tour du lịch dưới sự tác nghiệp của hướng dẫn viên, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch (Dương Đình Bắc, 2019). Ngoài ra, tổ chức sự kiện là một quá trình bao gồm một số hoặc toàn bộ các công việc: nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng; lập chương trình, kế hoạch; chuẩn bị các yếu tố cần thiết; và tổ chức tiến hành diễn biến của sự kiện trong một thời gian và không gian cụ thể để truyền đạt những thông điệp nhất định đến những người tham gia sự kiện và xã hội; nhằm đáp ứng các mục đích khác nhau của các chủ thể tham gia vào sự kiện (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, 2009). Tổ chức sự kiện du lịch là quá trình hướng dẫn viên du lịch thực hiện các hoạt động tác nghiệp trong tour tạo ra những sự việc, hoạt động mới, độc đáo mang lại những ấn tượng mạnh mẽ và ý nghĩa cho khách du lịch (Dương Đình Bắc, 2019).

2.2. Khái niệm kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch

Kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch là sự vận dụng những tri thức, chuyên môn và nghiệp vụ về tổ chức sự kiện trong tour tạo ra những sự việc, hoạt động mới, độc đáo, mang lại những ấn tượng mạnh mẽ và ý nghĩa cho khách du lịch (Dương Đình Bắc, 2019). Dương Đình Bắc (2019) xác định kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch bao gồm 5 nhóm kỹ năng chính, gồm: (1) Kỹ năng nghiên cứu đặc điểm tâm lý, nhu cầu và ý tưởng của khách du lịch, (2) Kỹ năng xây dựng ý tưởng tổ chức sự kiện theo nhu cầu của khách du lịch, (3) Kỹ năng lập kế hoạch tổ chức sự kiện theo ý tưởng tổ chức sự kiện. (4) Kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động trong quá trình diễn ra sự kiện, (5) Kỹ năng tổng kết - đánh giá quá trình thực kiện sự kiện.

3. Mô hình nghiên cứu đề xuất và phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Trần Văn Lực (2015) nghiên cứu “Xây dựng chiến lược truyền thông cho du lịch tỉnh Kontum” đã phân tích thực trạng chiến lược truyền thông du lịch Kon Tum, xác định các yếu tố hạn chế trong chiến lược truyền thông, chiến lược phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, góp phần định hướng, xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả và đề xuất giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế và phát triển du lịch Kon Tum. Lý Thị Thương (2015) nghiên cứu “Phát triển du lịch sự kiện tại Đà Nẵng” đã khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng của việc khai khác du lịch sự kiện hiện nay tại Đà Nẵng; từ đó nêu ra những thành công, hạn chế chủ yếu và các nguyên nhân của việc khai thác du lịch sự kiện tại Đà Nẵng. Đồng thời, xây dựng định hướng cơ bản và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sự kiện Đà Nẵng. Dương Đình Bắc (2019) nghiên cứu “Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch” đã xác định các thành phần cấu trúc, mức độ kỹ năng tổ chức sự kiện và các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất một số biện pháp tác động nhằm nâng cao kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch, góp phần mang lại chất lượng mới trong đào tạo tổ chức sự kiện và đáp ứng yêu cầu của ngành Du lịch. Từ kết quả tổng hợp và kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước, nghiên cứu này đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Tính tự tin của sinh viên; Kiến thức tổ chức sự kiện; Ý tưởng sáng tạo trong giải quyết tình huống tổ chức sự kiện; Phương pháp giảng dạy của giảng viên và các nhà quản lý, chuyên viên đến từ công ty du lịch; Chương trình đào tạo tổ chức sự kiện cho sinh viên; Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động đào tạo tổ chức sự kiện và Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch.

Hình 1. Mô hình các yếu tố tác động đến kỹ năng tổ chức sự kiện

của sinh viên ngành Du lịch Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn

mo-hinh-cac-yeu-to-tac-dong-den-ky-nang-to-chuc-su-kienNguồn: Dương Đình Bắc, 2019

 3.2. Mẫu nghiên cứu

Theo nhiều nhà nghiên cứu, kích thước mẫu càng lớn càng tốt (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Hair và ctg (1995); Nguyễn Đình Thọ (2012) cho rằng, để sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA), kích thước mẫu tối thiểu phải là 50, tốt hơn là 100 và tỉ lệ quan sát/biến đo lường là 5:1, nghĩa là 1 biến đo lường cần tối thiểu 5 quan sát. Ngoài ra, theo Nguyễn Đình Thọ (2012), kích thước mẫu phải thỏa mãn công thức tính kích thước mẫu: n ≥ 50 + 8 p. Trong đó, n là kích thước mẫu tối thiểu và p là số lượng biến độc lập trong mô hình. Cụ thể, trong mô hình nghiên cứu, tác giả đề xuất 6 biến độc lập tương đương 23 biến quan sát có thể được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá. Ta tính được số mẫu tối thiểu cần thiết của nghiên cứu là 23*5= 115. Nếu dựa theo công thức n ≥ 50 + 8 p ta tính được n ≥ 50 + 8 x 6 =98. Do EFA luôn đòi hỏi kích thước mẫu lớn hơn nhiều so với dùng hồi quy nên ta chọn kích thước mẫu tối thiểu n =115. Như vậy, số liệu được thu thập đảm bảo thực hiện tốt mô hình nghiên cứu.

3.3. Xây dựng thang đo

 Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường các khái niệm nghiên cứu trong mô hình phân tích nhân tố với mức độ từ 1 đến 5 (với 1: Hoàn toàn không đồng ý đến 5: Hoàn toàn.

Bảng 1. Các yếu tố sử dụng trong mô hình

cac-yeu-to-su-dung-trong-mo-hinh Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp, 2021

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis)

Tổng số phiếu phát ra 400, thu về 335 phiếu trả lời, trong đó có 5 bảng trả lời còn để trống một số câu hỏi nên đã loại bỏ. Vì vậy, tác giả tiến hành phân tích và xử lý số liệu trên 330 (91,04%) bảng câu hỏi được trả lời hợp lệ. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo: Thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, với hệ số Cronbachs Alpha tổng các thang đo thành phần đều lớn hơn 0,8 cho thấy thang đo được sử dụng tốt (Nunnally & Burnstein, 1994). Các hệ số tương quan biến - tổng đều lớn hơn 0,3 được giữ lại (Nunnally & Burnstein, 1994; Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2007). Các biến quan sát có ý nghĩa từ phân tích cronbach alpha được tiếp tục đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả phân tích EFA cho thấy hệ số KMO của các biến đều thỏa điều kiện 0,5 < KMO < 1 với mức ý nghĩa là 0,000 trong kiểm định Barlett’s (Bảng 2). Do đó, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành như kì vọng ban đầu của nhóm tác giả. 

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố EFA

ket-qua-phan-tich-nhan-to-efaNguồn: Kết quả phân tích, 2021

4.2. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội

4.2.1. Phương trình hồi quy bội

Nghiên cứu sử dụng phương pháp đưa vào một lượt (phương pháp enter) khi phân tích hồi quy bội. Kết quả phân tích hồi quy bội được thể hiện trong Bảng 3.

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy bội

ket-qua-phan-tich-hoi-quy-boiNguồn: Kết quả phân tích, 2021

Biến phụ thuộc: Kỹ năng tổ chức sự kiện 

            Phương trình hồi quy bội thể hiện kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được dự đoán theo tất cả các biến độc lập là:

Kỹ năng tổ chức sự kiện  =  -0.108 + 0.269 (CSVC) + 0.221 (KTSK) + 0.169 (CTDT) + 0.146 (PPGD) + 0.131 (TT) + 0.087 (YTST)

4.2.2. Kiểm định độ phù hợp của mô hình

Để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy, ta dùng 2 hệ số là hệ số xác định R2 hiệu chỉnh và kiểm định F.

Bảng 4. Bảng tóm lược mô hình hồi quy

bang-tom-luoc-mo-hinh-hoi-quy Nguồn: Kết quả phân tích, 2021

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy hệ số R2 hiệu chỉnh là 54,2%, hệ số mức ý nghĩa của mô hình (Sig.F = 0,000) < mức ý nghĩa 5%. Hệ số R2 hiệu chỉnh để đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ an toàn hơn vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình chứng tỏ mô hình hồi quy là phù hợp để giải thích các nhân tố (tính tự tin của sinh viên, kiến thức tổ chức sự kiện, Ý tưởng sáng tạo trong giải quyết tình huống tổ chức sự kiện, Phương pháp giảng dạy của giảng viên và các nhà quản lý, chuyên viên đến từ công ty du lịch, Chương trình đào tạo tổ chức sự kiện cho sinh viên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động đào tạo tổ chức sự kiện) ảnh hưởng đến Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch. Ý nghĩa của hệ số R2 hiệu chỉnh là 54,2% sự biến thiên của Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch được giải thích bởi sáu (06) biến độc lập đưa ra trong mô hình. Điều đó có ý nghĩa là sự kết hợp của các biến độc lập hiện có trong mô hình có thể giải thích được sự biến thiên của biến phụ thuộc. 

Hệ số VIF của mô hình đều nhỏ hơn 10 chứng tỏ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Kết quả kiểm định Durbin - Watson là 1,761 cho thấy không có sự tương quan giữa các phần dư. Điều này có ý nghĩa là mô hình hồi quy không vi phạm giả định về tính độc lập của sai số. Kết quả phân tích còn cho thấy, các biến đưa vào mô hình đều có ý nghĩa thống kê. Từ kết quả kiểm định độ phù hợp của mô hình (Bảng 4), ta thấy giá trị F là 60,911 và có mức ý nghĩa nhỏ hơn 0,05 nên giả thiết H0 bị bác bỏ với độ tin cậy 95%. Hay nói cách khác, mô hình đưa ra là phù hợp với dữ liệu và các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được sự thay đổi của biến phụ thuộc.

 5. Kết luận

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên Khoa Quản trị Du lịch -  Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng kỹ năng tổ chức sự kiện du lịch của sinh viên, từ đó giúp Khoa có cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo ngành tổ chức sự kiện. Trong quá trình đào tạo tổ chức sự kiện, Khoa cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào cơ sở vật chất như: phòng studio, sân khấu,… Ccác phương pháp giảng dạy nhằm phát triển Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch hiện nay, đồng thời Khoa chú trọng nâng cao tính tự tin cho sinh viên thông qua các môn học thực tế, cung cấp nhiều kiến thức sự kiện, chú trọng vào ý tưởng sáng tạo trong giải quyết tình huống tổ chức sự kiện, vì kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng biến cơ số vật chất và kiến thức sự kiện tác động mạnh thứ nhất và thứ hai đến kỹ năng tổ chức sự kiện lần lượt là (beta = 0,269) và kiến thức sự kiện (beta = 0,221).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Đình Bắc (2019). Kỹ năng tổ chức sự kiện của sinh viên ngành Du lịch. Luận án Tiến sĩ. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
  2. Hà Nam Khánh Giao (2014). Các nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch MICE tại thành phố Đà Lạt. Truy cập tại: https://ssrn.com/abstract=3691739 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3691739
  3. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPS. Tập 1 và 2. NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Lý Thị Thương (2015). Phát triển du lịch sự kiện tại Đà Nẵng. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hà Nội.
  5. Nguyễn Đình Thọ, Nguyễn Thị Mai Trang (2009). Nghiên cứu khoa học marketing. NXB Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Đình Thọ (2012). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội
  7. Trần Văn Lực (2015). Xây dựng chiến lược truyền thông cho du lịch tỉnh Kontum. Luận văn Thạc sĩ. Đại học Đà Nẵng.
  8. Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (2009). Bài giảng Tổ chức sự kiện. Hà Nội.
  9. Getz, D., & Page, S. J. (2015). Progress and prospects for event tourism research. Tourism Management, 1-39. DOI:10.1016/j.tourman.2015.03.007
  10. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R., & Black, W. (1995). Multivariate Data Analysis, 4 th ed. Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
  11. Leiper, N. (1979). The framework of tourism: towards a definition of tourism, tourist, and the tourist industry. Annals of Tourism Research, 6(4), 390-407.
  12. J.C., & Burnstein, I. H. (1994). Psychometric theory (third edition). New York: McGraw Hill.

 

A STUDY ON THE FACTORS AFFECTING THE TOURISM EVENT PLANNING SKILLS OF STUDENTS OF

FACULTY OF TOURISM & HOSPITALITY MANAGEMENT,

HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Master. Huynh Huu Truc Phuong 1

Master. Phan Thi Thuy Phuong 1

1 Ho Chi Minh City University of Technology - HUTECH

ABSTRACT:

This study evaluates and determines the impacts of factors on tourism event planning skills of students of Faculty of Tourism & Hospitality Management, Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH). Tourism students were surveyed through questionnaires and the collected data were analyzed by using the Cronbach's alpha, exploratory factor analysis (EFA) and multiple regression analysis methods. The study finds out that there are 6 factors affecting the tourism event planning skills of HUTECH’s students. These factors are statistically significant and they all have positive impacts on the tourism event planning skills of students.

Keywords: tourism, event planning skill, student, HUTECH, skill.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 26, tháng 11 năm 2021]